28/01/2011 - 07:56

Pin quang năng làm bằng nhựa dẻo

Rẻ và nhẹ hơn pin làm từ silicon vốn đắt tiền và cồng kềnh, pin quang năng bằng polymer có thể mở ra cuộc cách mạng mới trong thị trường điện Mặt trời - một chuyên gia về pin quang năng ở Anh nhận định.

“Quá trình xử lý nhựa polymer (để sản xuất pin quang năng) rẻ hơn nhiều so với khi sử dụng silicon. Nhìn chung, các thiết bị chúng tôi đang tạo ra sẽ rất rẻ và có thể bao phủ ở những khu vực rộng lớn” - David Lidzey ở Đại học Sheffield cho biết. Khác với pin silicon vốn rất cứng, pin làm bằng nhựa dẻo có ưu thế là mềm hơn nên dễ lắp đặt hơn. “Nếu các tấm pin có thể cuốn lại như giấy dán tường lớn, chúng rất thích hợp làm nguồn cung cấp điện cho các nước đang phát triển”, ông nói.

Với ưu điểm nhẹ, rẻ và dẻo, pin quang năng bằng nhựa có thể gắn trên tường của các tòa nhà. Ảnh: CNN 

Loại nhựa dùng trong pin quang năng rất khác các loại nhựa dẻo hiện có trên thị trường vốn có đặc tính cách điện, như polythene. Nếu muốn xử lý thành chất dẫn điện, các nhà hóa học phải biến đổi cấu trúc phân tử của chúng. Tuy nhiên, Lidzey cho rằng dù nhựa dẻo thông thường được biến đổi như thế nào, chúng vẫn không thể sánh được với loại nhựa trong pin quang năng mà ông đang nghiên cứu.

Một trong những công ty đi đầu trong phát triển pin quang năng polymer có thể kể đến là Konarka. Công ty có trụ sở tại Mỹ hiện đang áp dụng công nghệ “Power Plastic” (Nhựa điện năng) của họ vào hàng loạt sản phẩm tiêu dùng, bao gồm dù và vali. Những tấm pin lớn hơn thì được dùng cho các trang thiết bị đường phố, chẳng hạn các nhà chờ xe buýt ở thành phố San Francisco. Các nhà nghiên cứu hy vọng trong tương lai, pin quang năng làm bằng nhựa dẻo cũng sẽ được lắp cho các tòa cao ốc. Năm 2009, Konarka từng thí điểm trang bị “bức tường quang năng” bên ngoài trụ sở ở Florida. Pin quang năng bằng nhựa được cho có thể hấp thu ánh nắng từ mọi hướng nên có thể dùng để lắp vào các bức tường dựng đứng.

Hiện tại, Konarka và nhiều công ty công nghệ khác đang hoàn thiện công nghệ, chủ yếu là khắc phục một số trở ngại, bao gồm hiệu suất và độ bền, nhằm giúp nhựa tìm được chỗ đứng thực sự trong thị trường tấm pin năng lượng Mặt trời. Trong khi pin silicon hiện nay đạt hiệu suất 15-20%, pin polymer chỉ đạt khoảng 7-8%. Hiện tại, thời hạn sử dụng của pin polymer ngắn hơn so với pin silicon, vốn có thể dùng đến 20 năm mà chất lượng vẫn ổn định.

Mặc dù vậy, Lidzey cho rằng trước khi có thể cải tiến pin quang năng polymer thành sản phẩm có hiệu suất cao và bền, chúng ta có thể bù đắp những hạn chế đó bằng cách tạo ra dòng pin thật rẻ tiền. “Tôi đoán là trong khoảng 5-10 năm nữa, chúng ta sẽ được chứng kiến một lượng lớn pin quang năng làm từ chất dẻo xuất hiện trên thị trường”, Lidzey dự báo.

THANH TRÚC (Theo CNN)

Chia sẻ bài viết