10/05/2008 - 21:24

Phương tiện đi lại ở Đồng bằng sông Cửu Long xưa

Xe bò ở An Giang - không khác nhiều lúc xưa.

Đồng bằng sông Cửu Long có khoảng 54.000 km chiều dài sông, rạch. Chính điều kiện sông ngòi chằng chịt như thế đã làm cho việc đi lại của con người ở đây thời xưa gặp phải nhiều khó khăn và nguy hiểm. Để ứng xử với môi trường tự nhiên và thích nghi với địa hình sông nước, cư dân ở Đồng bằng sông Cửu Long thời khẩn hoang đã nghĩ đến việc dùng ghe xuồng để làm phương tiện đi lại. Ở Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều sông, rạch nên loại phương tiện này phát triển đa dạng và phong phú. Tác giả sách Gia Định thành thông chí cho ta biết: “Ở Gia - định chỗ nào cũng có ghe thuyền, hoặc dùng thuyền làm nhà ở hoặc để đi chợ, hay để đi thăm người thân thích, hoặc chở gạo củi đi buôn bán, rất tiện lợi, mà ghe thuyền chật sông ngày đêm qua lại,...”1

Khoảng cuối thế kỷ thứ 17, những lưu dân từ miền Trung, miền Bắc đã lợi dụng sức gió mà xuôi thuyền vào phương Nam bằng loại ghe bầu. Nhưng đến địa hình sông nước của Đồng bằng sông Cửu Long thì loại ghe này tỏ ra không phù hợp. Vì vậy, những lưu dân mới sáng tạo ra nhiều loại ghe xuồng mới phù hợp với địa hình sông nước của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nhiều kiểu đa dạng, phong phú. Từ những chiếc ghe xuồng bơi, chèo, chống, luồn lách trong kênh, rạch nhỏ đến những chiếc ghe, tàu vài chục tấn, vài trăm tấn bằng động cơ máy nổ trong vài mươi năm trở lại đây được sử dụng đan xen với nhau tạo nên nét đặc trưng riêng của vùng sông nước.

Đầu thế kỷ XX, khi giao thông đường bộ ở Đồng bằng sông Cửu Long phát triển tương đối tốt thì xe bò, xe ngựa là những phương tiện thịnh hành. Người ta dùng các loại xe này để chở nông sản, hàng hóa, chở khách... Tuy nhiên, do đặc điểm của địa hình nên xe ngựa, xe bò chỉ phát triển mạnh ở vùng Châu Đốc - An Giang.

Xe bò: là phương tiện vận tải thường được dùng để chuyên chở vật liệu, hàng hóa, nông sản từ vườn ra chợ, và chuyên chở từ vùng này sang vùng khác phục vụ cho nhu cầu mua bán. “Bánh xe bò to, thường cao hơn đầu người, bằng gỗ danh mộc như căm xe, lim, sến... càng xe, thùng xe và ách bò cũng đều làm bằng danh mộc. Trên thùng xe cao khoảng 1m50, còn có mui xe lợp bằng vỉ tre đan dày, ở giữa kẹp lá buông cho mát. Tất cả thứ gì bằng gỗ trên xe đều được lau chùi thường xuyên nên rất trơn láng. Xe được kéo bằng hai con bò - thường là bò đực khỏe mạnh - mà tiếng địa phương gọi là “bò cộ”.2

Xe ngựa: còn gọi là xe thổ mộ, dùng để chở người đi lại trong vùng. Mỗi khi có việc đi lại trong vùng, đi mua sắm, thăm viếng, cưới xin, người ta đều chọn phương tiện xe ngựa vì tính tiện lợi của nó. Thời điểm lúc bấy giờ, xe ngựa vừa nhanh chóng, vừa cơ động bởi người ta có thể lên xuống bất kỳ chỗ nào. “Xe thổ mộ có thùng (khoang chứa người) dài 1,18m, chiều cao 1m bằng gỗ mít, phía trên chia làm ba ô cửa sổ, chiều ngang thùng xe 0,85m đặt chồng lên hai gọng dài 2,7m (từ cuối thùng đến đầu gọng) vít cứng trên bộ nhíp thép bốn lá (bốn trên bốn dưới) hình trái khế (ô-van) tạo đàn hồi nâng thùng xe thăng bằng khi xe chạy, cặp vào một thanh ví bằng thép, hai đầu trui đến độ thép xanh luồn vào hai ổ trục (không dùng bạc đạn). Hai bánh đường kính 4cm2 (mỗi bánh 12 căm) bằng gỗ giáng hương tiện khá sắc sảo, ngoài cùng bọc lòng máng (niềng bằng sắt) để tròng lớp vỏ cao su cắt ra từ vỏ xe tải xe hơi, nối hai đầu cao su bằng một cọng kẽm cứng. Một bộ yên lưng bằng da có hai quai lồng vào hai gọng đặt hai bên vai ngựa. Sợi yên lưng xuôi trên sống lưng ngựa và lồng vào đuôi (để khi xuống dốc ngựa ghìm chiếc xe lại), ngoài ra có dây bụng mắc vào dưới bộ yên lưng có tác dụng nâng ngựa khi xe chạy, xà ích đôi khi nhờ khách ngồi dịch lên trên hoặc lùi xuống chút là để cho ngựa không bị tải trọng đè vai hoặc bó chặt ngực khó chạy.

Bên trong thùng xe, khách ngồi trên chiếc chiếu bông đâu mặt nhau, chân co về một phía, guốc dép máng ở hai cọc sắt phía sau hai góc thùng, ít người thì khách ngồi thòng chân ở phía có bàn đạp lên, xuống dễ dàng. Phía đầu thùng xe hai bên là cặp tai đèn. Hai cái vè chở hàng (porte bagage) bằng gỗ bề ngang hơn tấc tay, uốn lượn như dợn sóng rất thẩm mỹ, cặp trên hai bên thùng xe có sức chịu lực mỗi bên khoảng ba bốn mươi ký. Trên cùng là cái mui uốn cong, lợp thiếc nhô ra tới nửa mình ngựa, khum lại như cái vành mũ”.3

Sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất, chiếc xe đạp đầu tiên đã xuất hiện ở Sài Gòn. Vào thời điểm này, chiếc xe đạp là một phương tiện hết sức tiện dụng cho người sử dụng nó. Nó được các công chức đạp đến công sở, đi chợ, đi chơi... dần dần chiếc xe đạp được đưa xuống các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Để đáp ứng cho công việc của mình, người dân Đồng bằng sông Cửu Long không chỉ sử dụng xe đạp làm phương tiện đi lại mà còn cải tạo biến nó thành phương tiện vận chuyển hành khách, chuyên chở hàng hóa đi các nơi. Người ta tận dụng cái ba-ga phía sau bằng cách hàn thêm những cây sắt cho dài và rộng ra, hoặc đóng một cái kệ gỗ phía sau dùng để chuyên chở hàng hóa. Như: chở thùng kem phía sau đi bán, chở gạo, chở củi... Để chở được nhiều khách và nhiều hàng hóa, người ta đóng thêm một cái thùng gỗ dài phía sau. Xe này được gọi là xe lôi đạp, có nơi người ta gọi là xe vua. Có lẽ do người khách được ngồi chễm chệ phía sau như vua (?!). Loại xe này chở được bốn người, có khi còn tận dụng chở đến sáu người. Hai người ngồi ở băng sau, hai người ngồi ở băng trước, nhưng đâu mặt lại với hai người ngồi phía sau. Còn phía trước cạnh ba -ga thì hai người ngồi hai bên, cạnh người đạp xe, mặt hướng về phía trước. Chiếc xe này chở được rất nhiều hàng hóa. Các mặt hàng mà loại xe này thường chở là nông sản, cây kiểng...

Cho đến thập niên 1940 - 1960 thì ở Việt Nam xuất hiện các loại xe gắn máy của châu Âu như Mobylette, Sach,... và khoảng thời gian từ năm 1967 trở về sau, ở Việt Nam còn xuất hiện các loại xe Honda SS67, Honda Dame, Suzuki, Yamaha... Từ khi xe gắn máy có mặt, người dân ở Đồng bằng sông Cửu Long cũng bắt nhịp với thời đại, bằng cách sắm xe gắn máy cải tiến xe lôi đạp thành xe lôi máy. Hàng hóa được vận chuyển nhanh hơn, hành khách cũng được di chuyển nhanh hơn, tiết kiệm được rất nhiều thời gian và tiền bạc.

Từ ngày 01 tháng 01 năm 2008, Chính phủ đã ban hành văn bản cấm các loại xe kéo, xe ba gác, xe ba bánh tự chế lưu thông trên đường... cũng đồng nghĩa vai trò lịch sử của các loại xe này chấm dứt. Các loại phương tiện này đã từng đóng một vai trò hết sức quan trọng cho việc đi lại cũng như vận chuyển hàng hóa của cư dân Đồng bằng sông Cửu Long. Việc chấm dứt vai trò lịch sử của các loại phương tiện này là một quy luật tất yếu của sự phát triển. Tuy nhiên, phải nhìn nhận rằng, đây là những phương tiện đã từng một thời vang bóng, đóng góp rất nhiều vào sự phát triển văn hóa, xã hội, kinh tế của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Bài, ảnh: TRẦN PHỎNG DIỀU

1 Trịnh Hoài Đức: Gia Định thành thông chí, tập hạ. Nha Văn Hóa - Phủ Quốc Vụ Khanh - Đặc Trách Văn Hóa xuất bản - SG -1972. Tr. 15

2 Thạch Phương - Hồ Lê - Huỳnh Lứa - Nguyễn Quang Vinh: Văn hóa dân gian người Việt ở Nam bộ.Tr. 126.

3 Minh Trị: Xe thổ mộ, trong cuốn “Nam bộ đất và người, tập 3”. NXB Trẻ - 2005. Tr. 556.

Chia sẻ bài viết