31/05/2012 - 20:54

Phương pháp mới giúp phát hiện sớm bệnh loãng xương

Bệnh loãng xương khiến xương của bệnh nhân trở nên xốp và dễ gãy.

Bệnh loãng xương thường tiềm ẩn rất lâu, có khi nhiều năm, trước khi nó được chẩn đoán thực sự do ở bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng như yếu xương hay dễ bị gãy tay, chân dù chỉ va chạm nhẹ. Nhưng mới đây, các nhà khoa học Mỹ tin rằng họ đã tìm ra cách có thể tầm soát chứng bệnh này ở giai đoạn sớm nhất.

Phương pháp do các nhà khoa học thuộc Đại học Bang Arizona và Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) phát triển tập trung phân tích các đồng vị canxi, được chiết xuất từ xương. Họ cho biết sự cân bằng hoặc mức độ phong phú của các đồng vị canxi thay đổi khi xương bị hủy hoại và hình thành, điều có thể giúp chúng ta phát hiện sớm những thay đổi ở mật độ xương. Thử nghiệm được tiến hành trên các tình nguyện viên khỏe mạnh, những người được yêu cầu nằm liên tục trên giường trong 30 ngày - điều được cho có thể dẫn đến tình trạng mất xương, hay nói cách khác là giảm mật độ xương. Kết quả là kỹ thuật của các chuyên gia có thể phát hiện sự mất xương chỉ sau một tuần tình nguyện viên nằm trên giường. Đặc biệt, không giống như các xét nghiệm sinh hóa khác, kỹ thuật này có thể giúp chúng ta đo trực tiếp mật độ xương bị mất, sớm hơn rất nhiều so với việc chờ đến khi triệu chứng bệnh xuất hiện và tiến hành chẩn đoán qua hình ảnh, chẳng hạn như phim X-quang.

Nhóm nghiên cứu cho biết họ sẽ kiểm chứng phương pháp mới trên bệnh nhân loãng xương trước khi dùng vào chẩn đoán lâm sàng. Ngoài loãng xương, kỹ thuật này cũng có thể giúp theo dõi các bệnh khác có ảnh hưởng đến xương, kể cả ung thư.

VI VI (Theo BBC)

Chia sẻ bài viết