21/06/2014 - 21:54

Phụ nữ Tân Văn - tờ báo uy tín bị bức tử vì tố cáo tiêu cực

* Nguyễn Hữu Hiệp

Cách nay đúng 80 năm, một tờ báo uy tín của miền Nam bị chính quyền thực dân bức tử vì đã dũng cảm tố cáo quan tham ăn của đút lót. Đó là tờ "Phụ nữ Tân Văn", tờ báo phụ nữ thứ hai, sau tờ "Nữ giới chung" do bà Sương Nguyệt Anh làm chủ bút.

"Phụ nữ tân văn" ra số đầu tiên ngày 2-5-1929. Ngoài việc kế thừa chủ trương xướng xuất nam nữ bình đẳng, phát huy nữ quyền, giải phóng phụ nữ- giống tờ "Nữ giới chung"- báo tuy tuyên bố là "không làm chính trị" nhưng luôn đứng trên lập trường dân tộc để bênh vực và thiết thực giúp đỡ dân nghèo. Báo tổ chức thực hiện những công tác từ thiện xã hội như: "Bữa cơm bình dân" giúp đỡ những người thất nghiệp khi đói khổ; "Hội Dục anh" để người nghèo gởi con khi đi làm công… Đồng thời, "Phụ nữ tân văn" cũng công khai bày tỏ cảm tình với những người yêu nước. Điều này thể hiện trong Hồi ký của ký giả Thiếu Sơn (trích dẫn từ Địa chí văn hóa Tp. Hồ Chí Minh, T. II, 1988, NXB. TP. HCM, 1988, trang 345): "Ảnh hưởng rộng lớn nhất phải kể đến tờ "Phụ nữ tân văn" của ông bà Nguyễn Đức Nhuận, Đào Trinh Nhất làm chủ bút (...) Hồi đó cuộc khởi nghĩa Yên Bái và vụ xử án những nhà cách mạng Việt Nam quốc dân đảng, chính độc giả ngoài Bắc lại trông đứng trông ngồi những số báo "Phụ nữ tân văn" từ trong Nam gởi ra để được nghe những lời nói cam đảm bênh vực những người hy sinh cho giống nòi và đất nước. Những lời nói như thế không thể có được ở báo giới miền Bắc hồi bấy giờ".

Báo Nữ giới chung.

Có lẽ đó là nguyên nhân khiến "Phụ nữ tân văn" bị nhà cầm quyền Pháp "để ý" từ lâu, để rồi dẫn đến lệnh cấm lưu hành không lý do ở miền Bắc. Ngay sau khi lệnh cấm ấy ban hành, tập "Sách chơi xuân" (in năm 1932, của Nam Ký thư quán, do Á Nam Trần Tuấn Khải và Xích Việt Nguyễn Tường giúp biên tập, tổ chức bản thảo) có bài "Vì chút cảm tình" với đồng nghiệp như sau: "Nói cho phải thì có lẽ từ khi có báo Quốc ngữ đến nay, chưa có tờ báo nào mà có tiếng vang đến xã hội một cách mạnh mẽ sâu xa như tờ "Phụ nữ tân văn"".

Sau vài lời phi lộ, "Sách chơi xuân" đăng nguyên văn bức thư của Phụ nữ tân văn tạm biệt độc giả miền Bắc, xin trích vài đoạn sau đây:

"Kính các bạn đồng chí Bắc Hà,

Bổn báo rất lấy làm đau đớn mà viết bức thơ nầy để từ biệt các ông, các bà, các anh, các chị ở Bắc Hà ta, là bạn đồng chí của Bổn báo.

(…) Bổn báo phải viết thơ trần tình và từ biệt, trừ cái cảm tình đã bày tỏ ở trên ra, còn có hai điều băn khoăn như vầy:

Một là sợ đồng bào tưởng P.N.T.V. đã bị cấm lưu hành và tàng trữ, thì có lẽ những số báo cũ cũng phải đốt đi.

Không. Điều này luật pháp chỉ định rõ ràng, Bổn báo xin nói để các bạn khỏi điều ái ngại trong lòng.

Báo cũ, từ số 97 trở về trước, đồng bào cứ việc lưu lại làm chút kỷ niệm của người bạn gái bất hạnh này, chớ không việc gì phải đốt phải bỏ đi cả.

Hai là về khoản tiền mua báo có hạn, từ ngày nay trở đi, Bổn báo không gởi báo ra được nữa, thì có nhiều vị độc giả mới mua gần đây, còn dư tiền lại ở ty quản lý của Bổn báo. Khoản tiền còn dư ấy, nếu vị nào có hảo tâm cho vào học bổng, Bổn báo xin cảm ơn, bằng không thì xin để trong năm ba tháng, hoặc may ra Bổn báo còn trông mong tái ngộ với độc giả Bắc Hà, hoặc Bổn báo xin tính toán sổ sách, mà gởi lại trả đủ. Về sự tiền bạc và công việc làm, bao giờ Bổn báo cũng thành tâm và minh bạch như thế…".

Báo Phụ nữ Tân Văn.

Việc bị cấm lưu hành ở miền Bắc không làm "Phụ nữ tân văn" sợ hãi. Những năm sau đó, "Phụ nữ tân văn" theo sát những sự kiện liên quan đến ông Bùi Quang Chiêu, một lãnh tụ đảng Lập Hiến Đông Dương. "Sách chơi xuân" cũng có bài trích nói rõ bắt đầu từ chuyện năm 1932 thuế xuất cảng gạo nhà nước đánh tới 45%, ở Nam Kỳ vì vậy gạo không bán được, tình hình rất khốn quẫn. Nhà máy đóng cửa, tiệm buôn khánh tận, nhà nông không tiền nộp thuế... Trong tình hình kinh tế như thế, chính quyền lại tổ chức bữa tiệc rất lớn, rất long trọng, đãi quan thượng P. Reynaud của đảng lập hiến. Bùi Quang Chiêu hô hào cổ động số người dự tiệc được 380 vị, số tiền thâu được ngót 4.000 đồng. Kẻ xướng có người họa, các ông nghị ngoài Bắc cũng "họa" luôn theo đảng Lập Hiến, số người dự tiệc và số tiền thâu được chẳng kém gì trong Nam.

Tháng 4-1933 Bùi Quang Chiêu cùng với Trương Văn Bền, Nguyễn Phan Long, Lê Quang Liêm (tự Bảy Mập), Nguyễn Văn Sâm, Trần Văn Khá ra tranh cử Hội đồng thành phố Sài Gòn, bị báo chí công khai phơi bày mặt thật. Mỗi "nhân vật" mỗi "tội". Tội của Chiêu là lĩnh 50.000 đồng của hãng rượu Fontaine. Số tiền hối lộ lớn ngoài tưởng tượng! Báo "Phụ nữ tân văn" không để yên, đăng ngay thông tin Bùi Quang Chiêu nhận tiền đút lót của tên đại tư bản thực dân Homberg.

Chính bài báo này đã khiến báo "Phụ nữ tân văn" bị chính quyền thực dân ra lệnh đóng cửa vào năm 1934. "Phụ nữ tân văn" là tờ báo dũng cảm, quyết không thỏa hiệp với những tiêu cực xã hội.

Chia sẻ bài viết