22/05/2016 - 15:18

Phụ nữ mang thai và thai nhi: đối tượng chịu ảnh hưởng bởi vi rút Zika

Hiện nay, nhiều người dân hoang mang, lo lắng vì bệnh do vi rút Zika. Tại hội thảo với báo chí tại TP Hồ Chí Minh ngày 17-5-2016, theo đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Cục Y tế dự phòng, người dân không nên quá lo sợ vì căn bệnh này không nghiêm trọng, nguy hiểm như nhiều người nghĩ ...

Việt Nam có thể tiếp tục có ca mắc bệnh do vi rút Zika

Zika là bệnh truyền nhiễm cấp tính do muỗi Aedes truyền, có thể lây truyền qua đường tình dục, đường máu và từ mẹ sang con. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), từ năm 2007 đến tháng 5-2016, ghi nhận 70 quốc gia và vùng lãnh thổ có lưu hành hoặc có sự lây truyền của vi rút Zika. Trong đó có 57 quốc gia và vùng lãnh thổ tiếp tục có sự lây truyền của vi rút Zika do muỗi truyền. Tại Việt Nam, từ đầu năm 2016 đến nay, các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur lấy 2.266 mẫu xét nghiệm vi rút Zika, qua đó ghi nhận 2 mẫu dương tính với vi rút Zika tại tỉnh Khánh Hòa và TP Hồ Chí Minh. Dự báo thời gian tới, có thể tiếp tục ghi nhận trường hợp mắc bệnh do vi rút Zika. Tiến sĩ Trương Đình Bắc, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cho biết: "Sau khi phát hiện 2 trường hợp nhiễm vi rút Zika đến nay, Việt Nam chưa phát hiện thêm trường hợp nào nhưng thời gian tới, Việt Nam có thể ghi nhận thêm các trường hợp mắc bệnh do sự giao lưu, đi lại; muỗi Aedes truyền bệnh sốt xuất huyết (SXH) và Zika lưu hành phổ biến tại các tỉnh phía Nam. Trong khi phần lớn bệnh nhân nhiễm Zika (80%) không có biểu hiện triệu chứng nên khó phát hiện sớm, xử lý triệt để ổ dịch. Người dân chưa có miễn dịch trong cộng đồng; chưa có vắc – xin cũng như thuốc điều trị đặc hiệu".

Ông Emmanuel Eraly chia sẻ thông tin tại Hội thảo báo chí phòng, chống dịch bệnh do vi rút Zika và các dịch bệnh mùa hè.  

Theo Cục Y tế Dự phòng, sắp tới, ngành y tế tiếp tục đẩy mạnh việc giám sát, lấy mẫu xét nghiệm để phát hiện sớm các trường hợp; tổ chức theo dõi, hướng dẫn, chăm sóc thai nghén cho phụ nữ mang thai, người mang thai bị nhiễm Zika; giám sát chứng đầu nhỏ trước sinh và trẻ sơ sinh tại các cơ sở sản - nhi trong cả nước; duy trì đường dây nóng về dịch bệnh Zika (0989 671 115). Các cơ sở khám, chữa bệnh, cơ sở sản - nhi cần sẵn sàng nhân lực, vật tư, trang thiết bị, giường bệnh để đảm bảo việc thu dung, điều trị bệnh nhân...

Zika không đáng sợ bằng bệnh sốt xuất huyết

Trong khi nhiều người dân lo lắng về bệnh Zika, ông Emmanuel Eraly, chuyên gia truyền thông của WHO tại Hà Nội, cho rằng, vi rút Zika không phải là vấn đề quan ngại lớn về sức khỏe cộng đồng, lý do đây chỉ là bệnh nhẹ, đa số người mắc Zika không biết bị bệnh và tự khỏi. Vấn đề khiếm khuyết sơ sinh liên quan bệnh này là nghiêm trọng nhưng hiện chúng ta vẫn chưa biết được diễn biến, giai đoạn nào của thai kỳ thì thai nhi có thể bị nhiễm và ảnh hưởng não bộ bởi vi rút Zika. Nói vi rút Zika gây ra hội chứng đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh đối với phụ nữ mang thai, nhưng không phải phụ nữ mang thai nào nhiễm vi rút Zika thì cũng sinh ra trẻ bị hội chứng đầu nhỏ. Thực tế, phần lớn phụ nữ mang thai nhiễm vi rút Zika đều sinh ra trẻ bình thường, không bị khiếm khuyết gì. Vì thế, vi rút Zika tấn công thai phụ ở giai đoạn nào của thai kỳ sẽ ảnh hưởng thai nhi vẫn là câu hỏi cần tiếp tục được các nhà khoa học nghiên cứu. Tiến sĩ Trương Đình Bắc, Phó Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng cho biết thêm: "Bệnh SXH và Zika có thể dễ nhầm lẫn vì có các triệu chứng bệnh gần giống với SXH nhưng mức độ bệnh Zika nhẹ hơn, chỉ xét nghiệm mới chẩn đoán chính xác và phân biệt 2 bệnh này. Thai phụ nhiễm Zika chưa chắc sinh con bị khuyết tật nhưng nếu bệnh SXH khi đang mang thai thì rất có thể dẫn đến sảy thai, thậm chí nguy hiểm tính mạng cả mẹ và con. Như vậy, có thể nói SXH nguy hiểm hơn Zika. Khu vực các tỉnh, thành phía Nam, SXH lưu hành quanh năm và muỗi truyền bệnh SXH cũng truyền bệnh Zika. Cả hai bệnh này đều không có vắc-xin và thuốc điều trị đặc hiệu nên biện pháp hữu hiệu là diệt muỗi, lăng quăng và phòng muỗi đốt".

Theo phân tích của ông Emmanuel Eraly, hội chứng đầu nhỏ có thể làm cho não bộ của trẻ chậm phát triển. Đây là một khiếm khuyết, không phải một căn bệnh. Ở giai đoạn đầu thai kỳ, một phụ nữ mang thai nhiễm vi rút Zika đi siêu âm vẫn chưa thể biết thai nhi có phát triển triệu chứng đầu nhỏ hay không mà phải đợi đến giai đoạn cuối của thai kỳ siêu âm hoặc phân tích nước ối mới biết được nhưng giai đoạn này, không dễ ngăn được quá trình sinh sản, có thể thai phụ không muốn chấm dứt thai kỳ. Ông Emmanuel Eraly cho rằng: "Nếu đứa trẻ sinh ra bị mắc khuyết tật đầu nhỏ, chúng ta cần tuyên truyền để mọi người giúp đứa trẻ hòa nhập cộng đồng như bao đứa trẻ bị khuyết tật khác".

Cục Y tế dự phòng khuyến cáo phụ nữ có thai cần áp dụng các biện pháp phòng muỗi đốt. Phụ nữ có thai hoặc dự định có thai không nên đến vùng dịch nếu thật sự không cần thiết. Đối với phụ nữ có thai tại vùng dịch hoặc đi từ vùng có dịch nếu có triệu chứng như: sốt, phát ban... cần đến cơ sở y tế khai báo về tiền sử đi lại và được khám, tư vấn... Vợ, chồng, bạn tình đang sống hoặc trở về từ vùng dịch nếu có ý định mang thai, cần đến cơ sở y tế khám, tư vấn trước khi mang thai. Người từ vùng dịch trở về cần sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục hoặc không quan hệ tình dục với vợ, bạn tình trong quá trình mang thai để tránh lây truyền vi rút Zika cho mẹ và con.

Đến thời điểm này, đối tượng cần lưu ý về căn bệnh này chủ yếu là phụ nữ mang thai và người chuẩn bị có thai nhưng đại diện WHO cũng cho rằng, con người chưa hiểu hết về căn bệnh này và cần tiếp tục có nhiều nghiên cứu sâu hơn.

Bài, ảnh: H.HOA

Chia sẻ bài viết