12/10/2008 - 10:41

Phòng tránh bệnh tim mạch ở người cao tuổi

Trong hơn 86 triệu người Việt Nam, có trên 6 triệu người cao tuổi. Tuổi càng cao, khả năng miễn dịch và sức đề kháng càng giảm, khiến người cao tuổi dễ mắc bệnh hơn, đặc biệt là những bệnh liên quan quá trình lão hóa như bệnh ở hệ tim mạch. Theo các thống kê của Tổ chức y tế thế giới, khoảng 60% người cao tuổi tử vong do bệnh tim mạch.

Để phát hiện sớm, dự phòng và điều trị thích hợp các biểu hiện của bệnh tim mạch ở người cao tuổi, cần phải khám định kỳ và khám khi có biểu hiện bất thường, như:

+ Tăng huyết áp: là bệnh phổ biến nhất trong các bệnh tim mạch. Đối với huyết áp tâm thu, từ 90 đến 139 mmHg là bình thường, từ 140 trở lên là cao. Đối với huyết áp tâm trương, dưới 90 mmHg là bình thường, từ 90 trở lên là tăng huyết áp. Người cao tuổi phải dùng thuốc liều thấp để hạ huyết áp từ từ; không nên hạ huyết áp bằng cách dùng quá nhiều thuốc. Huyết áp 140/90 là tốt nhưng đôi khi phải tạm chấp nhận mức huyết áp cao hơn, chẳng hạn: 160/95.

Thường cơn kịch phát tăng huyết áp hay tụt huyết áp đột ngột sẽ gây ra tai biến mạch máu não. Đây là tình trạng bệnh lý tổn thương cấp tính và trầm trọng ở não với hậu quả nặng nề đe dọa tính mạng và để di chứng lâu dài. Theo kết luận của Tổ chức Y tế Thế giới, tai biến mạch máu não có khả năng dự phòng hiệu quả. Bên cạnh việc can thiệp làm giảm các yếu tố nguy cơ gây bệnh khác, việc phòng tránh “đỉnh huyết áp lúc sáng sớm” là biện pháp quan trọng trong kế hoạch dự phòng tai biến mạch máu não.

Vì vậy, ngoài việc khống chế huyết áp bằng loại thuốc tác dụng kéo dài, cần kiểm soát được cả thời điểm nguy cơ cao nhất vào lúc sáng sớm. Khi thức giấc, dù đêm hay ngày, người cao tuổi nên bình tĩnh nằm yên ở tư thế cũ khoảng 3-5 phút. Nếu tập thở nhịp nhàng thì càng tốt, sau đó hãy dậy. Như vậy, cơ thể sẽ thích nghi dần với nhu cầu tăng nhanh của hệ tuần hoàn; tim, não không bị thiếu máu, thiếu oxy, có thể tránh được biến cố cấp thời về tim mạch.

+ Đau thắt ngực: là triệu chứng của thiếu máu và nhồi máu cơ tim. Trường hợp điển hình là khi gắng sức hay xúc động, bệnh nhân sẽ có cảm giác bị đè nặng như bóp nghẹt giữa ngực, có thể thấy tê cả hàm hay tay trái, kéo dài vài phút, kèm theo khó thở hay vã mồ hôi. Nếu ngưng việc và nghỉ ngơi thì triệu chứng sẽ hết trong vài phút. Tuy nhiên, nhiều người cao tuổi bị thiếu máu cơ tim mà không có triệu chứng gì. Để chẩn đoán thiếu máu cơ tim chính xác nhất, cần phải chụp mạch vành.

Nhồi máu cơ tim là mức độ nặng nhất, khi đó mạch máu nuôi tim bị tắc hoàn toàn. Biểu hiện cũng là đau thắt ngực nhưng mức độ dữ dội hơn và kéo dài hơn 30 phút. Đây là tình trạng cấp cứu, cần nhập viện càng sớm càng tốt mới điều trị thành công.

+ Triệu chứng của suy tim: Tim bị suy yếu không bơm máu đến các cơ quan đầy đủ, người bệnh sẽ thấy mệt khi vận động. Ngoài ra, máu bị ứ lại ở phổi sẽ gây khó thở khi gắng sức, ứ lại ở gan gây đau ở sườn bên phải, ứ lại ở chân gây sưng phù mu bàn chân.

+ Triệu chứng của loạn nhịp tim: các loại rối loạn nhịp tim (như: rung nhĩ, nhịp nhanh thất) đều gây triệu chứng hồi hộp, đánh trống ngực, đôi khi gây chóng mặt và ngất xỉu. Ngoài ra, nếu tự sờ mạch ở tay hay cổ, người bệnh cũng có thể biết nhịp tim không đều. Để chẩn đoán rối loạn nhịp tim, cần phải đo điện tâm đồ.

Bên cạnh việc theo dõi phát hiện sớm các biểu hiện bệnh tim mạch để dự phòng và điều trị sớm, người cao tuổi cần quan tâm đến chế độ dinh dưỡng hợp lý. Việc hạn chế cà phê, bỏ thuốc lá và bỏ rượu bia sẽ rất có lợi cho sức khỏe tim mạch ở người cao tuổi. Để giảm huyết áp, Viện Tim, Phổi và Máu Quốc gia của Hoa Kỳ đưa ra lời khuyên:

+ Nếu bạn chỉ ăn 1 hoặc 2 phần rau/ ngày, hãy cố gắng ăn thêm một phần nữa vào bữa trưa và một phần nữa vào bữa tối.

+ Dần dần chuyển sang dùng sữa không béo hoặc ít béo, giảm uống soda và các loại nước ngọt khác.

+ Chọn thực phẩm ngũ cốc nguyên cám. Ngũ cốc nguyên cám sẽ cung cấp thêm chất dinh dưỡng và chất xơ.

+ Chọn thức ăn có nồng độ muối hoặc natri thấp nhất.

+ Bắt đầu tập thể dục bằng 15 phút đi bộ mỗi ngày và tăng dần.


Bác sĩ PHẠM VĂN CHÍNH (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết