05/01/2013 - 22:10

Phong Điền - hướng đến đô thị sinh thái

 Du lịch sinh thái luôn thu hút du khách (Ảnh chụp tại Vườn du lịch Mỹ Khánh). Ảnh: THIỆN KHIÊM

Thiên nhiên ưu đãi, đất đai trù phú, cây trái xum xuê, hệ thống sông ngòi đa dạng phong phú nên Phong Điền được mệnh danh là "lá phổi xanh" của TP Cần Thơ. Mới đây, tại hội thảo "Phong Điền xây dựng và phát triển đô thị sinh thái từ nay đến năm 2025" đã chỉ ra những thế mạnh của vùng đất này để xây dựng và phát triển trở thành đô thị sinh thái...

* Tiêu chí của một đô thị sinh thái

Tại hội thảo, nhiều diễn giả cho rằng, đô thị sinh thái là mô hình đô thị được nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước quan tâm, đang là xu thế phát triển ở nước ta trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Hiện nay, đã có một số địa phương đang triển khai thực hiện, tuy nhiên, loại hình đô thị này còn mới mẻ đối với Phong Điền nói riêng và TP Cần Thơ nói chung. Đến nay, chưa có một văn bản pháp quy nào của Nhà nước xác định rõ những tiêu chí cụ thể của loại đô thị sinh thái tại Việt Nam. Song, tiếp cận và nghiên cứu các mô hình đô thị sinh thái đã được xây dựng ở TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai…cho thấy đô thị sinh thái cần phải đáp ứng các tiêu chí cơ bản như: Các điều kiện sống và phát triển kinh tế- xã hội; quy hoạch đô thị; sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên; đa dạng sinh học trong đô thị; giao thông vận tải, cơ sở hạ tầng… phải đảm bảo thân thiện với môi trường. Tùy theo điều kiện, yêu cầu thực tế của từng vùng, miền có thể xây dựng các tiêu chí đô thị sinh thái sao cho phù hợp với điều kiện của từng địa phương, nhưng tựu trung đều nhằm mục đích giảm thiểu tác động của con người đối với thiên nhiên.

Nhiều diễn giả đến từ các viện, trường, công ty du lịch, đại diện lãnh đạo các sở, ngành hữu quan thành phố đã bàn nhiều vấn đề cốt lõi như: Làm rõ các khái niệm, nguyên tắc, tiêu chí xây dựng đô thị sinh thái; phân tích hiện trạng những thế mạnh và hạn chế của huyện Phong Điền; những định hướng yêu cầu trong quy hoạch, kiến trúc, xây dựng và phát triển đô thị sinh thái trong tương lai; đề xuất những giải pháp về quản lý, khai thác sử dụng nguồn tài nguyên đảm bảo vệ sinh môi trường; những giải pháp thích hợp trong phát triển các ngành, lĩnh vực sản xuất kinh doanh, văn hóa- xã hội, nếp sống văn minh đô thị một cách đồng bộ, gắn kết hài hòa với môi trường tự nhiên và các yếu tố lịch sử, văn hóa truyền thống của huyện Phong Điền xưa và nay; những giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển và khai thác tốt đô thị sinh thái…

* Cần có lộ trình cụ thể

Theo tiến sĩ Huỳnh Thanh Quang, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia khu vực IV, Phong Điền có nhiều lợi thế như: Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm đạt trên 18,58%; các lĩnh vực kinh tế - xã hội có những chuyển biến tích cực; sự ưu đãi của thiên nhiên về đất đai màu mỡ, nước ngọt quanh năm, nhiều vườn cây ăn trái, nhiều khu di tích lịch sử, nét văn hóa độc đáo vùng sông nước… thuận lợi để xây dựng đô thị sinh thái. Tuy nhiên, huyện cũng có những khó khăn do tình hình phát triển kinh tế - xã hội, cơ sở hạ tầng… còn hạn chế. Ngoài ra, việc xây dựng Phong Điền thành đô thị sinh thái còn mang tính định hướng dù đã có chủ trương cơ sở pháp lý xây dựng được xác định từ các văn bản của Trung ương và địa phương từ lâu, nhưng chưa có sự hướng dẫn chỉ đạo về tiêu chí, quy trình, lộ trình, cách thức cụ thể… Đây cũng sẽ là những khó khăn cho huyện khi thực hiện.

Thạc sĩ Trần Văn Kiệt, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Cần Thơ, cũng cho rằng: "Bước xây dựng Phong Điền thành đô thị sinh thái sẽ còn nhiều khó khăn, vướng mắc và bất cập. Chẳng hạn, công tác quy hoạch tổng thể chậm thực hiện; kết cấu hạ tầng có phát triển nhưng vẫn còn hạn chế so với yêu cầu phát triển của huyện; khả năng huy động các nguồn lực chưa cao; công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp còn mang tính tự phát, quy mô nhỏ, số lượng cơ sở ít; chưa khai thác hết tiềm năng thế mạnh…Đây chính là những thách thức cho tiến trình xây dựng và phát triển đô thị sinh thái huyện".

Tại buổi hội thảo này, nhiều diễn giả cũng đưa ra nhiều giải pháp cho việc xây dựng đô thị Phong Điền thành đô thị sinh thái. Theo tiến sĩ Huỳnh Thanh Quang, để xây dựng Phong Điền thành đô thị sinh thái trong quá trình thực hiện các cấp, các ngành, lãnh đạo huyện cần tập trung vào 4 nguyên tắc thiết kế đô thị sinh thái gồm: Xâm hại ít nhất đến môi trường thiên nhiên, kiến trúc công trình trong đô thị được thiết kế và xây dựng theo mô hình gắn bó, hài hòa với môi trường thiên nhiên, tận dụng các giải pháp tự nhiên để cải thiện môi trường; đa dạng hóa việc sử dụng đất, chức năng đô thị và các hoạt động khác của con người; giữ cho hệ thống đô thị được khép kín và tự cân bằng; đảm bảo sự phát triển dân số đô thị và tiềm năng của môi trường được cân bằng một cách tối ưu. Với 4 nguyên tắc cơ bản trên việc hình thành đô thị sinh thái sẽ thiết lập 3 yếu tố kinh tế - xã hội - tự nhiên trong một tổng thể cân bằng và thống nhất. Đây chính là tính ưu việt của đô thị sinh thái.

Ông Trương Công Mỹ, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, cho rằng: Ý tưởng xây dựng Phong Điền thành đô thị sinh thái đã có từ lâu, nhưng việc xây dựng và phát triển đô thị sinh thái không phải đơn giản chỉ đầu tư xây dựng một lần mà nó được thực hiện qua cả một quá trình, thậm chí có thể chia ra từng giai đoạn để đảm bảo tính thích ứng và đồng bộ của đô thị sinh thái đối với điệu kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, môi trường, lịch sử văn hóa… hiện có và nhu cầu phát triển trong tương lai…

Những ý kiến đóng góp của các chuyên gia nghiên cứu, nhà khoa học, các đơn vị liên quan là cơ sở để UBND huyện Phong Điền có thêm các luận cứ khoa học cả về lý luận và thực tiễn giúp huyện có những định hướng đúng đắn trong quá trình phát triển trở thành đô thị sinh thái trong tương lai.

THU HOÀI

Chia sẻ bài viết