15/06/2021 - 10:28

Phòng, chống thiên tai đảm bảo an toàn, kết hợp với phòng, chống dịch 

Theo Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai (PCTT), những năm gần đây, thiên tai diễn ra không theo quy luật, dị thường và khốc liệt hơn so với trước… Đặc biệt, hằng năm từ giữa tháng 6 đến tháng 11, bão, lũ, sạt lở đất xảy ra liên tiếp, với cường độ mạnh, trên phạm vi rộng gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản, ảnh hưởng nặng nề đến đời sống và sản xuất của người dân. Mùa mưa bão năm 2021 đang vào thời kỳ cao điểm, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT yêu cầu các địa phương khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng ngừa, đảm bảo an toàn tính mạng và hạn chế thấp nhất thiệt hại tài sản của nhân dân.

Ông Nguyễn Ngọc Hè (thứ 2, từ trái sang), Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, kiểm tra và chỉ đạo khắc phục sạt lở trên địa bàn quận Thốt Nốt.

Ông Nguyễn Ngọc Hè (thứ 2, từ trái sang), Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, kiểm tra và chỉ đạo khắc phục sạt lở trên địa bàn quận Thốt Nốt.

Ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục PCTT, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT, cho biết: “Thiên tai xảy ra với mức độ nghiêm trọng cùng với diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, do đó công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả được Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT, các ngành, các địa phương tập trung chỉ đạo, thực hiện quyết liệt, kịp thời các biện pháp khắc phục hậu quả. Bên cạnh đó, nhờ sự chủ động của người dân ở các khu vực thường xuyên xảy ra thiên tai, sự hỗ trợ của tổ chức quốc tế… nên tác hại thiên tai cũng giảm thiểu, sớm khắc phục, sản xuất được khôi phục, ổn định đời sống nhân dân…”.

Những tháng đầu năm 2021, thiên tai (khô hạn, xâm nhập mặn, sạt lở bờ biển, sông, rạch…) liên tiếp xảy ra tại nhiều địa phương trong cả nước, nhất là ở khu vực ĐBSCL. Mới đây (ngày 5-6-2021), tại thị trấn An Phú, huyện An Phú, tỉnh An Giang đã xảy ra sạt lở bờ sông với chiều dài khoảng 70m, ăn sâu vào bờ từ 10-15m; trong đó có đoạn sạt lở nghiêm trọng dài hơn 30m, sâu khoảng 18m, làm 6 căn nhà phải di dời khẩn cấp. Đặc biệt, điểm sạt lở gần tuyến giao thông chính tại huyện An Phú, do đó địa phương đang cần nguồn kinh phí khá lớn để khắc phục, nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, giao thông, sinh hoạt của người dân.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT, Chủ tịch Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và TKCN, chỉ đạo: Ngoài công tác kiện toàn ban chỉ huy PCTT-TKCN các cấp gắn với trách nhiệm của người đứng đầu, duy trì chế độ ứng trực 24/24 giờ khi mưa bão xuất hiện, các bộ, ngành Trung ương, các địa phương, đơn vị chuyên môn cần nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, theo dõi, giám sát thiên tai đảm bảo kịp thời, đủ tin cậy trong công tác phòng ngừa, ứng cứu; tăng cường đầu tư trang thiết bị, công cụ hỗ trợ cho lực lượng làm công tác PCTT tại địa phương; chỉ đạo rà soát, kiểm tra, xây dựng phương án đảm bảo an toàn các công trình PCTT; sẵn sàng phương án ứng phó với thiên tai để không bị động, bất ngờ và tổ chức khắc phục hậu quả, tái thiết sau thiên tai theo phương châm “Bốn tại chỗ”, phù hợp với quy định về phòng, chống dịch bệnh COVID-19…

 

Đơn vị chuyên môn cắt tỉa cây xanh trên địa bàn quận Ninh Kiều, hạn chế cây xanh đổ ngã, ảnh hưởng người đi đường.

Đơn vị chuyên môn cắt tỉa cây xanh trên địa bàn quận Ninh Kiều, hạn chế cây xanh đổ ngã, ảnh hưởng người đi đường.

Ở TP Cần Thơ, từ đầu năm đến nay cũng đã xảy ra 11 điểm sạt lở, làm sụp hoàn toàn 4 căn nhà, 29 căn nhà bị sạt một phần và bị ảnh hưởng, tổng chiều dài sạt lở 282m, tổng thiệt hại tài sản ước khoảng 3,2 tỉ đồng; xuất hiện 3 đợt lốc xoáy làm hư hỏng 8 căn nhà, thiệt hại tài sản trên 180 triệu đồng...

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, các tháng còn lại của năm 2021 có khả năng xuất hiện khoảng 12 đến 14 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực Biển Đông. Trong đó có khoảng 5 đến 7 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta... Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT nhận định: Tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp và sẽ ảnh hưởng đến công tác PCTT và khắc phục hậu quả. Do đó, ngay thời điểm này các địa phương kiện toàn ban chỉ huy PCTT và tìm kiếm cứu nạn (TKCN) các cấp; tổ chức triển khai đồng bộ, thống nhất, có hiệu lực, hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với công tác PCTT, nhất là trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp; nâng cao vai trò, năng lực quản lý nhà nước trên cơ sở củng cố, kiện toàn lực lượng làm công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả từ Trung ương đến địa phương; phát huy mạnh mẽ vai trò của Mặt trận, đoàn thể và nhân dân trong công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai…

Đặc biệt, ngành Y tế từ Trung ương đến địa phương tham mưu kịp thời cho đơn vị làm nhiệm vụ PCTT-TKCN và ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong việc chỉ đạo, triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn dịch bệnh khi xảy ra các tình huống thiên tai. Các bộ, ngành Trung ương và các địa phương chủ động phương án, các điều kiện cần thiết cho lực lượng chuyên môn, bổ sung trang thiết bị bảo hộ, vật tư y tế sẵn sàng phục vụ đảm bảo an toàn phòng, chống dịch cho các thành viên ban chỉ đạo, ban chỉ huy PCTT-TKCN các cấp khi đến hiện trường xảy ra thiên tai làm nhiệm vụ. Bộ Y tế chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, đơn vị trực thuộc và hệ thống y tế các địa phương tham mưu ban chỉ huy PCTT-TKCN rà soát, lồng ghép nội dung đảm bảo an toàn dịch bệnh vào phương án ứng phó thiên tai cho phù hợp, nhất là ở các khu công nghiệp tập trung, các nơi có nguy cơ xảy ra thiên tai và tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp…

Tại TP Cần Thơ, ban chỉ huy PCTT-TKCN các cấp cũng đã kiện toàn, đồng thời quán triệt và thực hiện tốt phương châm “Bốn tại chỗ” và “Ba sẵn sàng” trong công tác ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Trong 5 tháng đầu năm 2021, thành phố đã hỗ trợ và khắc phục thiệt hại do thiên tai gây ra trên địa bàn 321 triệu đồng, từ Quỹ phòng chống thiên tai của thành phố; tổ chức trồng 7.000 cây bần trên các tuyến sông, kênh, rạch ở huyện Phong Điền nhằm bảo vệ bờ sông… Ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN thành phố, cho biết: “Hiện Ban Chỉ huy PCTT-TKCN thành phố rà soát, theo dõi tình hình thiệt hại và tổng hợp nhu cầu hỗ trợ của các quận, huyện để tham mưu, đề xuất UBND thành phố bố trí nguồn kinh phí từ Quỹ PCTT, hỗ trợ cho các hộ dân bị ảnh hưởng khắc phục hậu quả. Đồng thời, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN thành phố sẽ đề xuất UBND thành phố ưu tiên tiêm vắc-xin phòng ngừa dịch bệnh COVID-19 cho thành viên ban chỉ huy, lực lượng làm nhiệm vụ PCTT-TKCN…”.

Mới đây, tại hội nghị toàn quốc về công tác PCTT-TKCN năm 2020 và triển khai nhiệm vụ những tháng cuối năm 2021, các đại biểu cũng kiến nghị Chính phủ xây dựng chiến lược lâu dài cho công tác PCTT; quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống công trình PCTT và từng bước nâng cao khả năng chống chịu thiên tai của các công trình xây dựng; trang bị hệ thống cảnh báo sớm đối với những địa phương thường xuyên bị sạt lở đất, lũ quét… để kịp thời thực hiện biện pháp phòng ngừa.

Theo thống kê, năm 2020 cả nước đã xảy ra 16/21 loại thiên tai, trong đó có 14 cơn bão và 1 áp thấp nhiệt đới, 265 trận giông, lốc, sét; 120 trận lũ quét, sạt lở đất; 90 trận động đất; hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở bờ sông, bờ biển, sạt lún đê biển tại ĐBSCL... Dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương, ảnh hưởng rất lớn đến công tác PCTT. Trong năm, thiên tai đã làm 357 người chết, mất tích; 3.429 căn nhà bị sập, 333.084 nhà bị hư hại, tốc mái; trên 198.000ha lúa và hoa màu bị thiệt hại; 52.000 con gia súc, 4,1 triệu con gia cầm bị chết. Tổng thiệt hại kinh tế gần 40.000 tỉ đồng. So với những năm gần đây, thiệt hại về người và tài sản do thiên tai trong năm 2020 cao gấp nhiều lần. Cụ thể, năm 2019 thiên tai trên cả nước làm chết và mất tích 133 người, thiệt hại tài sản 7.000 tỉ đồng; năm 2018, thiên tai làm chết và mất tích 224 người, thiệt hại tài sản 20.000 tỉ đồng…

Bài, ảnh: HÀ VĂN

Chia sẻ bài viết