14/06/2019 - 18:00

Phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em: Trách nhiệm của người lớn

Những thông tin trên báo về những vụ đuối nước trẻ em gần đây khiến chúng ta không khỏi đau xót, băn khoăn lo lắng!

Gần đây nhất là vụ đuối nước thương tâm xảy ra vào chiều 4-6 tại thị trấn Tân Hiệp, huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang làm 3 em nhỏ 5, 6 và 7 tuổi tử vong. Cách đó chưa đầy một tuần, một vụ đuối nước thương tâm khác đã cướp đi sinh mạng của 5 em học sinh lớp 8 ở Nghệ An. Làm sao quên được một buổi chiều cuối tháng 3, con phố nhỏ Phạm Hồng Thái (phường Hữu Nghị, TP Hòa Bình) yên bình bên dòng sông Đà bỗng trở nên tang tóc khi có 8 em nhỏ cùng xóm bị dòng nước sông Đà cuốn đi vĩnh viễn. Và còn nhiều nữa những vụ đuối nước thương tâm, mà nạn nhân đa phần là trẻ em, học sinh.

Báo cáo gần đây của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho thấy, mỗi năm Việt Nam có trên 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước, trở thành một trong những quốc gia có tỷ lệ trẻ em tử vong do đuối nước cao, cao hơn các nước trong khu vực Đông Nam Á và cao gấp 10 lần các nước phát triển. Nguyên nhân chủ yếu của những vụ đuối nước là do nhận thức của gia đình, cộng đồng, xã hội về nguy cơ gây đuối nước trẻ em còn hạn chế; trẻ em thiếu sự giám sát, trông giữ của cha mẹ, người thân; trẻ em chưa biết bơi, thiếu kỹ năng an toàn trong môi trường nước. Bên cạnh đó, môi trường xung quanh với đặc trưng địa hình có hệ thống sông ngòi chằng chịt của Việt Nam tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây đuối nước trẻ em.

Luật Trẻ em năm 2016 tại Chương 6 đã đề cập trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân trong việc thực hiện quyền và bổn phận của trẻ em, trong đó quyền sống được nêu hàng đầu trong 25 quyền của trẻ em. Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 234/QĐ-TTg, ngày 5-2-2016, phê duyệt chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2016-2020. Mục tiêu tổng quát của chương trình nhằm kiểm soát tình hình tai nạn, thương tích trẻ em, đặc biệt là tai nạn đuối nước và tai nạn giao thông. Mục tiêu cụ thể của chương trình là giảm 6% số trẻ em tử vong do đuối nước so với năm 2015; 40% trẻ em trong độ tuổi tiểu học và THCS biết kỹ năng an toàn trong môi trường nước; 100% tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai thí điểm chương trình bơi an toàn cho trẻ em. Tháng hành động vì trẻ em năm 2019 với chủ đề “Chung tay vì trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số; phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em; phòng, chống đuối nước trẻ em”.

Thế nhưng trên thực tế còn rất nhiều khó khăn để chương trình phòng chống tai nạn đuối nước trẻ em đi vào cuộc sống. Đơn cử như việc hoàn thành chỉ tiêu 40% trẻ em trong độ tuổi tiểu học và THCS biết kỹ năng an toàn trong môi trường nước. Bởi nhiều trường học không đủ điều kiện cơ sở vật chất, nhân lực cho việc đào tạo kỹ năng bơi cho học sinh tại trường. Giải pháp huy động nguồn lực xã hội xây dựng các hồ bơi tư nhân đã được bàn đến nhưng vấn đề là kinh phí, điều đó cần sự chung tay của các cấp, các ngành và đặc biệt là sự quan tâm phối hợp của phụ huynh học sinh.

Điều cốt lõi là phải nâng cao nhận thức của phụ huynh trong việc trang bị cho con em mình kỹ năng bơi lội, kỹ năng an toàn trong môi trường nước. Mùa hè, thay vì bắt trẻ phải nhồi nhét thêm những con chữ nặng nhọc, các bậc phụ huynh hãy dành thời gian dạy trẻ các kỹ năng hòa nhập cuộc sống, đặc biệt kỹ năng sinh tồn. Nhiều phụ huynh đã chủ động cho con em mình học kỹ năng bơi lội từ rất sớm, nhiều em không chỉ biết bơi, mà còn phát triển kỹ năng bơi lội tốt, tham gia các kỳ thi bơi lội.

Phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em trong điều kiện địa hình cả nước nói chung, ĐBSCL và TP Cần Thơ nói riêng có nhiều ao, hồ, sông, suối là trách nhiệm của cả cộng đồng, nhưng trước hết trách nhiệm đó thuộc về các bậc phụ huynh. Từng gia đình quan tâm trông giữ, bảo vệ trẻ em tránh xa các môi trường nguy hiểm có khả năng gây đuối nước. Quan trọng hơn nữa là nhận thức được tầm quan trọng và chủ động cho trẻ học bơi, học kỹ năng an toàn trong môi trường nước.

PHI VƯƠNG

Chia sẻ bài viết