01/04/2023 - 19:41

Phối hợp chặt chẽ, sớm triển khai các dự án phát triển bền vững ÐBSCL thích ứng với biến đối khí hậu 

 (CT) - Ngày 1-4, tại TP Cần Thơ, ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Ðầu tư (KH&ÐT) chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo các dự án phát triển bền vững ÐBSCL ứng phó với biến đối khí hậu (Mekong DPO). Ðại diện Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lãnh đạo UBND các tỉnh, thành khu vực ÐBSCL, các đối tác nước ngoài tham dự.

Công trình kè sông Cần Thơ thích ứng biến đổi khí hậu. Ảnh: ANH KHOA

Về phía TP Cần Thơ, ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, dự.

Từ tháng 3-2022, Bộ KH&ÐT đã phối hợp cùng 6 đối tác phát triển phương án nguồn vốn nước ngoài cho các dự án (Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), Ngân hàng Tái thiết Ðức (KfW), Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc (KEXIM), Ngân hàng Thế giới (WB)) tổ chức hơn 10 chuyến khảo sát, làm việc với 13 tỉnh, thành và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để trao đổi về quy mô, hướng tuyến, tiêu chuẩn kỹ thuật của dự án. Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và 13 tỉnh, thành ÐBSCL đã xây dựng 16 đề xuất dự án. Tổng mức đầu tư khoảng 94.328 tỉ đồng; trong đó, vốn đối ứng khoảng 28.046 tỉ đồng; vốn vay nước ngoài khoảng 66.282 tỉ đồng. Bộ KH&ÐT đã gửi văn bản lấy ý kiến các đơn vị liên quan đối với các đề xuất dự án. Hiện nay, Bộ KH&ÐT đang tiếp tục hoàn thiện nội dung trên cơ sở ý kiến của lãnh đạo Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương. Dự kiến tháng 6-2023 phê duyệt đề xuất, tháng 12-2023 phê duyệt chủ trương đầu tư.

Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Nguyễn Ngọc Hè phát biểu tại cuộc họp.

Nhận thức ý nghĩa, vai trò và tầm quan trọng của các dự án đối với sự phát triển của vùng ÐBSCL, trong cuộc họp, các đại biểu đã nghiên cứu tổng thể của toàn bộ 16 đề xuất dự án. Trên cơ sở đó, tập trung trao đổi, thảo luận về các vướng mắc, khó khăn, thách thức trong quá trình chuẩn bị và đề xuất, kiến nghị giải pháp tháo gỡ. Các ý kiến xoay quanh sự cần thiết, phù hợp và tính ưu tiên của các dự án đối với quy hoạch vùng, quy hoạch ngành và quy hoạch của địa phương; sự phối hợp giữa các bên liên quan để đảm bảo tính đồng bộ; vấn đề hỗ trợ tiếp cận hồ sơ, thủ tục; cơ chế tài chính; đề xuất đầu tư đồng bộ, khép kín tuyến đường ven biển khu vực ÐBSCL. Bên cạnh đó, cần có sự phối hợp giữa các bộ, ngành, các địa phương để sớm triển khai các dự án đáp ứng nhu cầu phát triển cũng như mong mỏi của nhân dân khu vực ÐBSCL…

Phát biểu tại cuộc họp, ông Trần Quốc Phương nhấn mạnh: Mekong DPO là dự án có quy mô lớn và mang tính liên kết các tỉnh, thành vùng ÐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu. Do vậy, 13 tỉnh, thành khu vực ÐBSCL cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan thực hiện hiệu quả các công việc triển khai trong thời gian sắp tới. Ðể đẩy nhanh tiến độ, sớm triển khai dự án, áp dụng theo dự án nào hoàn thành hồ sơ thủ tục sẽ trình dự án đó trước, trên cơ sở đã có cơ chế tài chính, không đợi hoàn thành tất cả các dự án mới trình cấp trên xem xét. Ông Trần Quốc Phương mong muốn các đối tác phát triển sẽ hỗ trợ kỹ thuật để giúp trực tiếp các dự án, các địa phương, cũng như cân nhắc về việc đơn giản hóa quy trình thủ tục với các dự án…

 Tin, ảnh: T. TRINH

Chia sẻ bài viết