15/06/2012 - 23:03

Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII:

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời chất vấn về những giải pháp của Chính phủ đẩy mạnh tăng trưởng, kiềm chế lạm phát

Sáng 15-6, theo Chương trình kỳ họp, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đăng đàn trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội về việc chỉ đạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Chính phủ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước và việc giải quyết các kiến nghị có liên quan; chỉ đạo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí và giải quyết những tồn tại, sai phạm của các tập đoàn kinh tế, tình trạng khiếu nại, tố cáo. Phó Thủ tướng cũng giải trình làm rõ thêm một số vấn đề về điều hành thực hiện kế hoạch kinh tế-xã hội năm 2012.

Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, cập nhật thông tin về chỉ tiêu kinh tế vĩ mô cho thấy, những tháng gần đây, nền kinh tế tiếp tục có chuyển biến tích cực hơn các tháng trước, tăng trưởng GDP quý II ước đạt 4,5% cao hơn quý I (4%). Tính chung tốc độ tăng trưởng 6 tháng đầu năm ước đạt 4,31%; lạm phát đã được kiềm chế, mức tăng giá tiêu dùng 6 tháng đầu năm ước khoảng 3%, thấp nhất trong 3 năm qua. Chính phủ chủ trương quyết tâm thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát mà Đảng, Quốc hội đã đề ra, đồng thời đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh doanh, phấn đấu mức tăng trưởng GDP năm 2012 đạt khoảng 6%, lạm phát 7 - 8% và đạt mức cao nhất các chỉ tiêu đã đề ra trong Nghị quyết của Quốc hội.

Giải đáp băn khoăn của đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa - Vũng Tàu) về giải pháp khả thi để vừa thực hiện được mục tiêu phát triển kinh tế, vừa giải quyết tốt những vấn đề xã hội đặt ra và trách nhiệm của Chính phủ trong vấn đề này, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, tái cơ cấu kinh tế sẽ triển khai mạnh mẽ đồng bộ, có lộ trình tối đa và hạn chế tối đa các vấn đề xã hội phát sinh; phát triển kinh tế đi liền với vấn đề xã hội. Theo đề án tái cơ cấu, doanh nghiệp nhà nước sẽ có sự điều chỉnh mạnh mẽ hơn, chắc chắn quá trình đó có một bộ phận người lao động mất việc làm, sẽ phát sinh một số vấn đề xã hội. Việc giải quyết này, hàng năm sẽ báo cáo Quốc hội đặc biệt là các mô hình tăng trưởng ngân sách hàng năm của nhà nước cho vấn đề xã hội để trình Quốc hội thông qua, làm tốt đề án tái cơ cấu một cách toàn diện.

Giải đáp câu hỏi của đại biểu Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long) liệu nền kinh tế nước ta liệu có rơi vào suy giảm hay không, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, quý I kinh tế tăng trưởng 4%, nhiều doanh nghiệp bị giải thể, ngừng sản xuất kinh doanh, thất nghiệp lớn trong cả đất nước. Quý II tăng trưởng khá hơn, doanh nghiệp ít giải thể, phá sản hơn. Đặc biệt là chỉ số hàng tồn kho giảm nhanh, số doanh nghiệp phá sản dừng lại và nhập khẩu nguyên liệu cho sản xuất cũng khá hơn, chính vì vậy nước ta đã vượt qua thời kỳ khó khăn nhất và bắt đầu có xu hướng phát triển tốt.

Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) chất vấn về những tồn tại trong cải cách thủ tục hành chính. Trả lời vấn đề này Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã ra 25 nghị quyết để đơn giản 4.800 thủ tục cần phải thay đổi, sửa đổi, bổ sung, thậm chí hủy bỏ. Tuy nhiên, trên thực tế còn nhiều biểu hiện nhũng nhiễu, tiêu cực, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Chính phủ sẽ tiếp tục cải cách thủ tục hành chính và tạo điều kiện cho môi trường kinh doanh, đầu tư, người dân tốt hơn nữa. Chính phủ sẽ đẩy nhanh tiến độ ra các thủ tục hành chính trong năm 2012; thực hiện nghiêm việc đánh giá tác động thủ tục hành chính trong dự án, dự thảo quy phạm pháp luật. Đặc biệt thực hiện hiệu quả công tác tiếp nhận, xử lý phản ánh kiến nghị của cử tri, cá nhân, tổ chức về quy định hành chính để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong đó có việc áp dụng một cửa, một cửa lưu thông điện tử ở các cấp, đặc biệt cấp quận, cấp xã, phường trong thời gian tới.

Các đại biểu đại biểu Đồng Hữu Mạo (Thừa Thiên - Huế); Phan Văn Tường (Thái Nguyên); Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP Hồ Chí Minh); Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng); Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) chất vấn về trách nhiệm của các bộ kinh tế tổng hợp, chuyên ngành trong kiểm tra, giám sát hoạt động các tập đoàn, tổng công ty; tính minh bạch, công khai trong hoạt động của các đơn vị này. Phó Thủ tướng khẳng định các bộ tổng hợp và các bộ chuyên ngành đều phải có trách nhiệm trong việc thất thoát tài sản của Nhà nước tại các tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước nhằm đảm bảo duy trì, phát triển vốn Nhà nước. Chính phủ đã yêu cầu là tất cả các tập đoàn, tổng công ty nhà nước phải công khai, minh bạch trong thời gian tới; công bố thông tin cụ thể để có sự giám sát tốt hơn; góp phần hạn chế tham nhũng, tiêu cực. Phó Thủ tướng chỉ rõ, theo quy định của pháp luật, Chính phủ là cơ quan hành chính, cơ quan hành pháp quản lý toàn diện kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước chúng ta theo qui định của pháp luật. Vì vậy, mỗi một thất thoát, mỗi một hiện tượng xã hội nào không tốt trong xã hội, đều liên quan đến trách nhiệm của Chính phủ, đến các bộ, ngành. Chính vì vậy, Chính phủ nhận thức được vấn đề này và đã phân công, phân cấp trong quá trình xử lý giải quyết. Đặc biệt trong quý III, Chính phủ sẽ ban hành đầy đủ các văn bản quản lý Tập đoàn, Tổng công ty để làm rõ trách nhiệm của các bộ ngành và công khai trước nhân dân để phát huy nguồn lực quan trọng này trong xây dựng đất nước, chống thất thoát, lãng phí trong thời gian tới.

QUANG VŨ - THANH VÂN (TTXVN)

Chia sẻ bài viết