07/10/2009 - 07:55

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm chủ trì phiên thảo luận mở của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc

* Hội đồng Bảo an LHQ nhất trí thông qua Nghị quyết “Phụ nữ và Hòa bình, An ninh” do Việt Nam soạn thảo

Theo phóng viên TTXVN tại Liên Hiệp Quốc, ngày 5-10, mở đầu tháng Việt Nam đảm nhiệm chức Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBA LHQ) lần thứ 2 trong nhiệm kỳ thành viên không thường trực, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm, HĐBA đã tiến hành cuộc thảo luận mở về chủ đề “Phụ nữ và Hòa bình, An ninh” do Việt Nam đề nghị.

Phát biểu trong phiên thảo luận, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm nhấn mạnh phiên thảo luận này của HĐBA có ý nghĩa đặc biệt nhằm kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết 1325 về phụ nữ, hòa bình và an ninh được HĐBA thông qua năm 2000 vì mục tiêu nhân đạo sâu sắc và cao cả là bảo vệ phụ nữ, trẻ em gái - những người dễ bị tổn thương, bị tác động nặng nề nhất trong xung đột, chiến tranh - và nhằm thực hiện hiệu quả hơn trách nhiệm hàng đầu của HĐBA là duy trì hòa bình, an ninh quốc tế.

Phó Thủ tướng cho rằng những nỗ lực to lớn của cộng đồng quốc tế trong việc thực hiện Nghị quyết 1325 đã có những kết quả tích cực. Cộng đồng quốc tế đã nhận thức được rằng để duy trì và bảo vệ hòa bình và an ninh, cần triển khai các biện pháp để đáp ứng các nhu cầu của phụ nữ cũng như tăng cường sự tham gia bình đẳng và đầy đủ của phụ nữ trong các quá trình hòa giải và thương lượng, trong tất cả các giai đoạn của hoạt động gìn giữ hòa bình, việc quản lý các hoạt động trợ giúp nhân đạo và quá trình tái thiết sau xung đột. Tuy nhiên, tình hình còn nhiều bất cập với những thách thức lớn, đặc biệt trong giai đoạn hậu xung đột. Đó là tình trạng khả năng đóng góp của phụ nữ đối với công cuộc xây dựng hòa bình bị hạn chế do không được tham gia đầy đủ vào quá trình hoạch định chính sách và việc thiếu các nguồn tài chính cho việc triển khai các biện pháp và hoạt động nhằm đáp ứng các nhu cầu cấp thiết của họ.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh từ kinh nghiệm của mình về khắc phục hậu quả chiến tranh, vươn lên thu được những thành tựu được quốc tế ghi nhận về phát triển đất nước, đảm bảo quyền lợi của phụ nữ và trẻ em, Việt Nam cho rằng, thứ nhất, cần nhận thức đầy đủ tầm quan trọng hàng đầu của việc loại trừ những nguyên nhân xung đột, ngăn ngừa và giải quyết hoà bình các tranh chấp quốc tế. Các biện pháp bảo vệ những quyền lợi của phụ nữ, trẻ em gái cần đi cùng với việc phát huy vai trò của họ trong các nỗ lực chấm dứt xung đột và tái thiết hậu xung đột. Việc sớm lồng ghép trong quá trình tái thiết những ưu tiên về quyền lợi của phụ nữ, trẻ em gái và đảm bảo sự tham gia của họ sẽ góp phần tạo tiền đề thuận lợi cho triển khai đồng bộ, lâu dài các biện pháp cần thiết.

Thứ hai, quá trình tái thiết đòi hỏi những nỗ lực toàn diện, đáp ứng những nhu cầu cơ bản của người dân về lương thực, nhà cửa, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, giải quyết những chấn động tâm lý, phục hồi cơ sở hạ tầng và củng cố các thể chế của xã hội, trong đó có vai trò quan trọng của gia đình. Nhà nước và xã hội cần quan tâm đầy đủ đến cả phụ nữ dân thường và những người phụ nữ đã tham gia lực lượng vũ trang hoặc phục vụ chiến đấu.

Thứ ba, hệ thống LHQ có vai trò đặc biệt trong việc giải quyết xung đột và tái thiết sau xung đột theo sứ mệnh được các nước thành viên giao phó, và cũng do có được kinh nghiệm, tri thức tích lũy ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Điều quan trọng là tôn trọng, phát huy được sự tự chủ của Chính phủ và người dân sở tại, hình thức hỗ trợ đa dạng tùy vào điều kiện cụ thể của mỗi nước, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các tổ chức LHQ và giữa các tổ chức này với các đối tác khác.

Phó Thủ tướng khẳng định “Là một dân tộc đã trải qua nhiều mất mát của chiến tranh, Việt Nam luôn tích cực ủng hộ những nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế nhằm ngăn chặn chiến tranh, bảo vệ hòa bình. Đó cũng là định hướng chủ đạo cho sự tham gia của Việt Nam trong hai năm qua tại HĐBA với tư cách là ủy viên không thường trực. Với tinh thần đó, Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, đóng góp vào công việc trong thời gian tới trong lĩnh vực được thảo luận”.

Đại diện các nước thành viên HĐBA và các tổ chức phi chính phủ đánh giá cao việc Việt Nam nêu chủ đề của cuộc thảo luận, thể hiện tinh thần nhân đạo cao cả, bảo vệ quyền lợi của phụ nữ và trẻ em gái trong thời kỳ sau xung đột cũng như nhấn mạnh sự tham gia của họ trong tất cả các giai đoạn của tiến trình hòa bình.

HĐBA đã nhất trí thông qua Nghị quyết 1889 của HĐBA do Việt Nam soạn thảo. Nghị quyết yêu cầu các nước, các tổ chức quốc tế và khu vực cần có các biện pháp để mở rộng việc tham gia của phụ nữ vào tất cả các giai đoạn của tiến trình hòa bình, đặc biệt là tham gia vào giải quyết xung đột cũng như tái thiết sau xung đột. Các bên liên quan đến cuộc xung đột phải tôn trọng quyền của phụ nữ, lên án mạnh mẽ mọi hành động vi phạm luật pháp quốc tế chống lại phụ nữ và bé gái. Nghị quyết cũng yêu cầu Tổng Thư ký LHQ cần có chiến lược để ngày càng có nhiều phụ nữ được bổ nhiệm đảm nhận các vị trí trong bộ máy của LHQ. Các nước, các cơ quan của LHQ cũng như các tổ chức xã hội phải đảm bảo quyền tiếp cận giáo dục một cách bình đẳng cho phụ nữ, bé gái trong thời kỳ hậu xung đột.

Chia sẻ bài viết