13/02/2008 - 15:15

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan dự kỷ niệm 1968 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng

* Nhiều địa phương tưng bừng tổ chức các lễ hội truyền thống

Ngày 12-2 (tức 6 Tết Mậu Tý), tại đền thờ Hai Bà Trưng ở thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc, đã long trọng diễn ra lễ kỷ niệm 1968 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng (Năm 40 - 2008). Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cùng các đồng chí Phùng Quang Thanh, Ủy viên BCT, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Nguyễn Thị Thanh Hòa, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội LHPN VN; đại diện nhiều Bộ, ban, ngành ở Trung ương đã về dự, cùng hàng ngàn người dân có mặt.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan ca ngợi chiến công quật khởi của Hai Bà Trưng, nêu tấm gương truyền thống hào hùng của dân tộc Việt Nam nói chung, phụ nữ Việt Nam nói riêng. Phó Chủ tịch khen ngợi Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Phúc phát huy truyền thống quê hương Hai Bà Trưng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, quê hương, lập được nhiều thành tích trong phát triển kinh tế, xã hội và có nhiều đóng góp cùng các ngành, các địa phương, các nhà hảo tâm trong và ngoài nước làm tốt công tác gìn giữ, tôn tạo di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng du lịch tâm linh đầy ý nghĩa này. Phó Chủ tịch nước kêu gọi toàn dân trong nước cũng như kiều bào ta ở nước ngoài tiếp tục làm tốt hơn nữa trong việc đóng góp công, của hoàn thành giai đoạn hai việc tu bổ, tôn tạo di tích để xứng đáng với tầm vóc, ý nghĩa to lớn mà cuộc khởi nghĩa do Hai Bà Trưng lãnh đạo để lại.

Đông đảo những người dự lễ đã quyên góp, công đức ngay tại chỗ để gây quỹ tôn tạo di tích. Các đồng chí lãnh đạo Trung ương và địa phương đã trồng cây lưu niệm tại khuôn viên đền thờ Hai Bà Trưng.

* Theo truyền thống hàng năm, ngày 12-2 (tức mùng 6 tháng Giêng Mậu Tý), Lễ hội Cổ Loa (Đông Anh-Hà Nội) đã chính thức khai mạc.

Trước đó, hàng ngàn người dân và du khách đã tham gia Lễ tế “Bát xã” được tổ chức theo nghi thức truyền thống, rồi về đền Thượng dâng hương, tưởng nhớ vua An Dương Vương người có công xây thành đắp lũy chống giặc ngoại xâm.

Năm nay lượng khách về dự hội đông hơn mọi năm. Nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, trò chơi dân gian được tổ chức phục vụ nhân dân địa phương và khách thập phương, trong đó có: giải vật truyền thống, giải bóng chuyền, thi bắn nỏ, hát quan họ, hát tuồng truyền thống của xã Cổ Loa và Xuân Nộn, rối nước Đào Thục. Đặc biệt, tại lễ hội Cổ Loa năm nay còn diễn ra hội kén rể Đường Yên, hội kéo lửa thổi cơm thi Lương Quy của xã Xuân Nộn (Đông Anh).

* Cùng ngày, tại xã Phù Linh (huyện Sóc Sơn), Lễ hội đền Sóc cũng được tổ chức trang trọng.

Trong ngày khai hội, nhân dân 6 xã khu vực đền Sóc là Tiên Dược, Phù Linh, Đức Hòa, Xuân Giang, Bắc Phú, Tân Minh thành kính dâng các lễ vật: giò hoa tre, voi chiến, ngà voi, trầu cau, cỏ voi, kiệu Tướng, kiệu cầu Húc tưởng nhớ Thánh Gióng, vị Thánh trẻ tuổi có công dẹp giặc cứu nước. Phần lễ được tổ chức trang trọng, bài văn tế ngắn gọn, súc tích bằng chữ quốc ngữ. Phần hội diễn ra sôi động với các hoạt động: đấu vật, thi đu, bịt mắt đập niêu đất, chọi gà, thi cầu Húc, bóng chuyền.

Lễ hội đền Sóc theo truyền thống diễn ra từ ngày mùng 6 đến mùng 8 tháng Giêng âm lịch, nhưng khách tập trung đông nhất vào ngày 30 Tết và mùng 6 Tết. Năm nay, trời khô ráo, lượng khách đến đông, nhiều người nhân dịp này còn tới lễ Phật tại chùa Non, tham quan Học viện Phật giáo và công trình xây dựng tượng đài Thánh Gióng trên núi Đá Chồng.

* Ngày 12-2 (tức ngày mùng 6 tháng Giêng Mậu Tý), Lễ khai hội chùa Hương năm 2008 đã được tổ chức trọng thể tại khu vực chùa Thiên Trù.

Hệ thống giao thông phục vụ du khách trẩy hội chùa Hương năm nay cả đường bộ từ Hà Nội, Hà Đông và một số tỉnh phía Bắc đến khu danh lam thắng cảnh Hương Sơn và đường thủy đi lại trên dòng suối Yến thực sự thuận lợi. Suối Yến được nạo vét giúp cho khoảng 3.600 xuồng, đò chở khách ra vào chùa Hương thuận tiện và không bị ách tắc trong ngày khai hội. Hệ thống cáp treo hoạt động từ 4g30' sáng đến 20g30' hàng ngày cũng như hệ thống đường bộ từ khu vực chùa Thiên Trù ra vào các hang động trong quần thể di tích thắng cảnh Hương Sơn được đầu tư thêm 10 tỉ đồng trở nên rộng rãi, đi lại thuận tiện, mặc dù số lượng du khách đến chùa Hương gia tăng. Theo Ban tổ chức Lễ hội chùa Hương, trong ngày khai hội chính thức (tính đến 15g), lượng khách đến chùa Hương đã vượt qua con số 3,5 vạn người; trước đó trong những ngày từ mùng 2 đến mùng 5 Tết Mậu Tý, 7,5 vạn du khách đã đi lễ Phật, tham quan, vãn cảnh chùa.

So với các Lễ hội trước, ngày khai hội năm nay không có mưa, nhiệt độ không quá thấp; đường đi lối lại khô ráo càng thuận lợi cho du khách trẩy hội.

Lễ hội chùa Hương năm 2008 được huyện Mỹ Đức, xã Hương Sơn chuẩn bị chu đáo dù lượng khách rất đông nhưng an ninh trật tự đảm bảo an toàn cho du khách.

Cũng trong ngày 12-2, tại Trung tâm TDTT tỉnh Yên Bái, đã diễn ra Lễ trưng bày mâm xôi ngũ sắc 1,2 tấn để du khách tham quan, thưởng ngoạn. Đây là mâm xôi lớn nhất Việt Nam tính đến thời điểm này.

Xôi ngũ sắc là đặc sản của đồng bào Thái vùng Mường Lò (Yên Bái), được làm từ loại gạo nếp Tú Lệ thơm ngon nổi tiếng, và được nhuộm 5 màu từ các loại lá cây rừng. Mâm xôi ngũ sắc với đường kính 2,8 mét, có hình bông hoa 5 cánh tượng trưng của núi rừng Tây Bắc. Để làm được mâm xôi này, Ban tổ chức Lễ hội “Du lịch về nguồn” tỉnh Yên Bái đã chuẩn bị 800kg gạo nếp Tú Lệ, hàng chục kg lá rừng để nhuộm và huy động tới 200 hộ dân, chủ yếu là đồng bào Thái ở xã Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ tham gia đồ xôi. Xôi được đồ chín bằng chõ truyền thống và nguồn nước Tú Lệ. Sau đó, được giữ nóng và vận chuyển bằng ô tô gần 100 km đến trung tâm thành phố Yên Bái để trưng bày.

Đúng 11g30' trưa 12-2, ôtô chở xôi tới thành phố Yên Bái. Các hoạt động đón rước khối lượng xôi khổng lồ đã diễn ra sôi động. Mâm xôi ngũ sắc lớn nhất Việt Nam có ý nghĩa quan trọng, góp phần vào thành công của Lễ khai mạc chương trình du lịch về cội nguồn 2008.

NHÓM PV TTXVN

Chia sẻ bài viết