28/08/2010 - 20:50

Phim truyền hình Việt: "tiên trách kỷ, hậu trách nhân"

H iện nay phim truyền hình Việt mỗi năm sản xuất khoảng 60 bộ có độ dài trung bình 30-40 tập/phim. Hầu hết những bộ phim này đều lấy đề tài tình cảm lứa đôi với bối cảnh chính là đời sống thành thị. Thế nhưng, những bộ phim có thể để khán giả nhớ thì chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Nếu so với thời kỳ đầu của phim truyền hình thì hiện nay có công nghệ, kỹ thuật, nhân lực làm phim tiến xa hơn về lượng và chất. Thế nhưng, so với những bộ phim được làm từ cuối những năm 1990 đầu 2000 như “Những người sống bên tôi”, “Đồng tiền xương máu”, “Giã từ dĩ vãng”, “Hướng nghiệp”... thì nhiều phim “tâm lý xã hội” thời nay rất nhạt nhòa. Những phim đã nói ở trên gây ấn tượng sâu đậm trong lòng công chúng bởi đã khắc họa sinh động và gần gũi cuộc sống, việc làm và những xung đột trong tình yêu, tình thân của những người trẻ giai đoạn nước ta vừa thoát khỏi tình trạng bao cấp. Những vấn đề kinh tế - xã hội hiện nay của nước ta càng phong phú và đa dạng hơn, nảy sinh nhiều vấn đề và lĩnh vực mới cũng với những mâu thuẫn trong lối sống của giới trẻ - là mảnh đất màu mỡ hơn để các nhà làm phim khai thác; nhưng hết phim này đến phim khác lên sóng cứ nhàn nhạt, khiên cưỡng, thậm chí xa rời cuộc sống hiện thực một cách đáng ngạc nhiên.

Nhiều năm sau khi phát sóng, DVD phim “Đồng tiền xương máu” vẫn được khán giả tìm mua .  

Điểm đầu tiên có thể thấy là phim truyền hình Việt hiện nay được làm từ kịch bản chắp vá, hời hợt. Phim tâm lý tình cảm quanh đi quẩn lại với những câu chuyện tình yêu kiểu “lọ lem và hoàng tử”, “mẹ kế con chồng”, “mẹ chồng nàng dâu”, mâu thuẫn do không môn đăng hộ đối, nghịch cảnh do hận thù nhiều đời, chuyện tình tay ba tay tư éo le, kẻ xấu hãm hại... Trong cái vòng luẩn quẩn mà người ta đã gặp hằng chục năm trước và hiện nay của phim Đài Loan, Hàn Quốc; nhiều phim Việt trùng lắp chi tiết, lời thoại vô nghĩa, mạch phim kéo dài lê thê. Khi đã “xào nấu” hết các ý tưởng cũ, nhiều nhà làm phim Việt bắt đầu “Việt hóa” các kịch bản nước ngoài mà lại không hay bằng người ta, càng khiến phim truyền hình Việt làm khán giả chán ngán.

Đã gần 15 năm trôi qua, nhưng người xem vẫn nhớ vai Toàn vừa thực dụng vừa đáng thương của Chi Bảo hay Lan Anh mạnh mẽ quyết đoán của Trương Ngọc Ánh trong “Đồng tiền xương máu”, một Thi trọng tình trọng nghĩa của Quốc Tuấn và Nguyệt Hà phù phiếm của Lan Hương trong “Những người sống bên tôi”... Ngày nay, phim thì nhiều, diễn viên toàn là “tiên đồng, ngọc nữ” nhưng khán giả khó mà nhớ được vai diễn tiêu biểu của các diễn viên đang “phủ sóng” trên rất nhiều phim truyền hình hiện nay. Tính cách và số phận của các nhân vật mà các diễn viên này thủ vai na ná, trùng lắp. Những diễn viên luôn bị đóng khung trong vai diễn. Thí dụ như Lương Thế Thành thật thà tốt bụng, Thanh Vân thông minh sắc sảo, Mai Phương yếu đuối, Khương Ngọc ăn chơi phá phách, Nguyệt Ánh hiền lành cam chịu, Thanh Ngọc trẻ trung nhí nhảnh, Lê Khánh thông minh cứng cỏi, Hòa Hiệp nửa chính nửa tà... Có nhiều người nói rằng diễn xuất của nhiều diễn viên trẻ như “rôbốt” đã được lập trình, không cảm xúc.

Ngành Điện ảnh nước ta hiện đang kêu gọi nhà nước có chính sách bảo hộ phim ảnh nước nhà trước sự xâm nhập của phim ảnh Âu Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản... Đó là yêu cầu chính đáng. Nhưng trước hết các nhà làm phim hãy nghiêm túc xem lại cách thức làm phim của mình. Cần có sự thay đổi từ chính những người làm phim, để tạo những kịch bản sát đời thực, những thước phim hay, những nhân vật thuyết phục để khán giả mới không quay lưng với phim truyền hình Việt.

XUÂN VIÊN

Chia sẻ bài viết