09/04/2024 - 08:24

Phim hoạt hình Nhật phát triển ở thị trường quốc tế 

Những năm gần đây, ngành công nghiệp phim hoạt hình Nhật phát triển ổn định với những bước ngoặt về doanh thu và giải thưởng. Sức hút của phim hoạt hình Nhật ngày càng tăng trên thị trường quốc tế.

"The First Slam Dunk".

Theo Hiệp hội Hoạt hình Nhật Bản, ngành công nghiệp hoạt hình quốc gia đạt trị giá 20 tỉ USD vào năm 2022, tăng 6,8% so với năm 2021. Đây là con số cao nhất từng được ghi nhận trong lịch sử ngành công nghiệp này. Giá trị tổng thể của ngành đã tăng hơn gấp đôi trong khoảng thời gian mười năm, trong đó gần một nửa tổng doanh thu (gần 10 tỉ USD) đến từ bên ngoài Nhật Bản. Một số tác phẩm nổi bật, đạt doanh thu cao là: "The First Slam Dunk" (108,1 triệu USD), "Detective Conan: Black Iron Submarine" (94,2 triệu USD), "The Boy and the Heron" (60 triệu USD). Hoạt hình Nhật cũng đã hình thành các chuỗi phim thương hiệu "ăn khách" như: Demon Slayer, Dragon Ball, Jujutsu Kaisen, Detective Conan.

Thành công của ngành công nghiệp phim hoạt hình Nhật ở thị trường quốc tế được cho là nhờ xu thế phát triển đa dạng nội dung trên nhiều nền tảng. Chance Huskey, Giám đốc phân phối của GKids, nhà phân phối độc lập nội dung hoạt hình ở Bắc Mỹ, cho biết: "Thị trường ngày càng yêu cầu đa dạng các thể loại nội dung, cả từ phía người tiêu dùng và nhà rạp. Vì thế, mảng phim hoạt hình cũng ngày càng được quan tâm phát triển". Chance Huskey cho biết thêm, thật ra có nhiều nhóm tuổi, nhiều thế hệ yêu thích phim hoạt hình Nhật, từ thiếu nhi đến cả trung niên. Nhiều thế hệ khán giả vốn đã yêu thích hoạt hình Nhật Bản qua những băng VHS và DVD ngày xưa, nên việc có thêm phim chiếu rạp hay các nền tảng trực tuyến lại càng thuận lợi tiếp cận và duy trì sự yêu thích. Ví như những phim hoạt hình đã tạo được thương hiệu: "Dragon Ball", "Demon Slayer" hay các phim của nhà Studio Ghibli. Yoshi Ikezawa, nhà sản xuất kỳ cựu của Toei Animation (Nhật), đánh giá: "Phát trực tuyến là chìa khóa trong việc xây dựng khán giả cho phim hoạt hình. Người xem ngẫu nhiên muốn tìm hiểu sâu hơn về nhân vật và những nội dung tiếp theo của phim".

Bên cạnh các thị trường Bắc Mỹ và châu Âu thì thị trường ở châu Á cũng chiếm vị trí quan trọng với phim hoạt hình Nhật. Theo số liệu của Hiệp hội Hoạt hình Nhật Bản thì Trung Quốc (có 587 phim được cấp phép phát hành), Hàn Quốc (552 phim), Mỹ (529 phim)... là những thị trường phát hành phim hoạt hình Nhật lớn trong năm 2022. Mặc dù phương Tây là thị trường mà các ngành công nghiệp giải trí muốn hướng tới, nhưng với ngành công nghiệp phim hoạt hình Nhật, thị trường là tùy theo nhu cầu của khán giả. Nhà sản xuất Yoshi Ikezawa nói: "Khán giả thích giải trí dựa trên các giá trị văn hóa của riêng họ. Giá trị văn hóa của một chương trình càng cụ thể thì càng có thể tiếp cận những người có cùng giá trị đó". Ví dụ điển hình là thành công của phim hoạt hình bóng rổ "The First Slam Dunk" do Toei Animation sản xuất. Phim có thể kiếm đến 38 triệu USD ở Hàn Quốc nhưng chỉ mang về khoảng 1,3 triệu USD ở Mỹ. Chance Huskey, Giám đốc phân phối của GKids, phân tích: "Mỹ vẫn là một thị trường lớn, nhưng ở cấp độ cơ bản thì khán giả ở Đông Á và rộng hơn là châu Á sẽ cởi mở hơn với phim hoạt hình Nhật". Nhà sản xuất Yoshi Ikezawa cho biết: "Ở mỗi thị trường, chúng tôi có những đối tác khác nhau, như CJ ENM ở Hàn Quốc, Studio La Cachette ở Pháp và Manga Productions ở Saudi Arabia. Điều này sẽ giúp chúng tôi tìm ra câu chuyện phù hợp nhất cho từng thị trường".

BẢO LAM (Tổng hợp từ Screen Daily, Variety)

 

Chia sẻ bài viết