25/04/2021 - 09:15

Phía sau sự hợp tác Trung - Hàn 

Châu Á đang trở thành làn sóng mới của ngành công nghiệp điện ảnh toàn cầu, sau những thắng lợi vào năm 2020. Ðó là Trung Quốc trở thành thị trường có doanh thu lớn nhất, trong khi Hàn Quốc làm nên kỳ tích với chiến thắng tượng vàng Oscar Phim xuất sắc nhất với “Parasite”. Mới đây, hai nền điện ảnh hàng đầu châu Á này lại cùng bắt tay hợp tác trong nhiều dự án, mở ra những triển vọng phát triển mạnh mẽ hơn cho ngành công nghiệp giải trí.

Phim “Backstreet Rookie”.

Tại Hàn Quốc, ngành công nghiệp giải trí đang có sự phát triển mạnh mẽ khi các hãng phim đều có tham vọng và chiến lược mở rộng thị trường ra toàn cầu. Một số đơn vị đã tận dụng lợi thế của các nền tảng phát trực tuyến để thực hiện mục tiêu đưa các tác phẩm vươn ra thế giới. Các dịch vụ phát trực tuyến, nhất là Netflix đã hợp tác với các hãng phim của Hàn Quốc, tạo cơ hội để phim của xứ sở Kim Chi tiếp cận thị trường đa dạng hơn. Thế nhưng, việc phim Hàn Quốc xâm nhập vào thị trường Trung Quốc không mang lại hiệu quả như mong muốn của các hãng phim. Nguyên nhân là bởi chính quyền Trung Quốc từng ngăn cấm tất cả các nội dung phim Hàn Quốc vào năm 2017. Ngành giải trí của hai quốc gia này gần như tuyệt giao và đối đầu.

Tuy nhiên, những định kiến đó đang dần thay đổi trong bối cảnh dịch bệnh khiến ngành công nghiệp điện ảnh toàn cầu điêu đứng hiện nay. Vào tháng 12-2020, Cơ quan quản lý truyền thông Trung Quốc đã nới lỏng các quy định khi cho phép một số nội dung Hàn Quốc xuất hiện ở quốc gia này. Sự thay đổi mang lại nhiều lợi ích cho các đơn vị khai thác nền tảng trực tuyến. Trước đó, iQIYI - dịch vụ nội dung giải trí của Trung Quốc, đã mua bản quyền phát sóng phim “Cliffhanger” của tvN Hàn Quốc và phim sẽ được phát sóng trên hệ thống iQIYI toàn cầu. Dịch vụ này cũng đã mua hơn 30 tác phẩm khác của Hàn Quốc, trong đó nổi bật là: “The Spice Who Love Me”, “Backstreet Rookie”… Ðộng thái này được xem là một phần trong chiến lược mà iQIYI thực hiện nhằm mở rộng thị trường, hướng đến khán giả ở nhiều nước khác nhau, thông qua việc mang đến những nội dung đa dạng, chất lượng hơn. Ðây được xem là một sự cạnh tranh ở lĩnh vực dịch vụ phát trực tuyến trước các đối thủ WeTv, Youku (Trung Quốc), hay Netflix, Disney+ (Mỹ).

Các chuyên gia cho biết việc bổ sung nội dung giải trí Hàn Quốc có chất lượng cho hạ tầng trực tuyến là việc quan trọng, nếu đơn vị muốn hướng mục tiêu vào thị trường châu Á. Nhà phê bình văn hóa Kim Sung Soo, nói: “Việc các đơn vị Trung Quốc mua nội dung giải trí của Hàn Quốc là một phần trong chiến lược cạnh tranh nội dung và thị phần khán giả ở châu Á giữa các công ty Trung Quốc và Mỹ trong kinh doanh trực tuyến. Ðây là lý do vì sao gần đây, các công ty Trung Quốc đã chi tiền đầu tư cho sản xuất các sản phẩm từ Hàn Quốc. Họ có thể tự sản xuất phim nhưng vẫn muốn đa dạng hóa thị trường, nên lựa chọn đầu tư thêm các nội dung Hàn Quốc”.

Nguyên do phim Hàn được Trung Quốc lựa chọn là do có lợi thế cạnh tranh tại thị trường châu Á, cũng như  yếu tố văn hóa tương đồng. Phim Mỹ có thể được sản xuất rất hay nhưng khó mà được chấp nhận và yêu thích bởi số đông khán giả ở châu Á. Ngược lại, phim Hàn Quốc có nội dung gần gũi, tương đồng về văn hóa, lối sống cộng đồng, tôn trọng gia đình, nên người châu Á dễ chấp nhận, nhất là khu vực Ðông Nam Á. Hơn nữa, kỹ thuật diễn và công nghệ làm phim của Hàn Quốc cũng không thua kém Mỹ, nên phim được nhiều khán giả ở châu Á yêu thích. Kim Sung Soo cũng cho rằng thành công của “Sweet Home” là một điển hình. Ðược Netflix chi tiền đầu tư hơn 30 tỉ Won, phim “Sweet Home” đã thành công không chỉ ở thị trường châu Á mà còn tiến vào thị trường Bắc Mỹ và châu Âu. Theo nhận định ban đầu của Netflix, Hàn Quốc mới chỉ là một phép thử ở thị trường châu Á, nhưng thành công ngoài mong đợi của “Sweet Home” khiến cho đơn vị phải nhìn nhận Hàn Quốc là xưởng phim hiệu quả, có thể sản xuất những tác phẩm có sức ảnh hưởng toàn cầu.

Các công ty có dịch vụ phát trực tuyến đã nhận ra hướng đi mới đầy tiềm năng với nội dung phim Hàn Quốc, dẫn đến một cuộc cạnh tranh gay gắt. Ngoài việc mua những thành phẩm phim Hàn Quốc, phía Trung Quốc cũng bắt đầu tham gia vào quá trình đầu tư như Netflix để có những nội dung độc quyền. Cụ thể, WeTv đã đầu tư khoảng 91,1 triệu USD vào JTBC Studio để sản xuất “The World of The Married”. Sau khi hoàn thành, phim sẽ được phát hành trên nền tảng trực tuyến này để tiếp cận nhiều thị trường.

Tuy nhiên, việc liên kết hợp tác như thế cũng đặt ra một số vấn đề đáng lo ngại. Ðó là việc đưa các sản phẩm quảng cáo vào nội dung phim. Nhà phê bình văn hóa Ha Jae Geun, nói: “Có khả năng phim Hàn Quốc sẽ bị ảnh hưởng bởi tiền bạc và chịu sự kiểm soát nội dung theo văn hóa của các nhà đầu tư. Nếu các hãng nhận tiền nhiều hơn từ các nhà đầu tư Trung Quốc, buộc họ phải tuân theo các chỉ dẫn nhiều hơn. Ðiều này có thể tác động đến việc tự do thể hiện nội dung”. Dẫu vậy, nhà phê bình văn hóa Kim Sung Soo nói: “Nếu bạn là một đạo diễn địa phương được một nhà đài địa phương thuê, bạn buộc phải tuân thủ theo các quy định. Thế nhưng ở nội dung giải trí trả tiền thì không thể cứng nhắc theo quy định như vậy. Bởi lẽ các đơn vị sẵn sàng chi trả để có những đạo diễn, biên kịch tài năng hơn, tạo ra những sản phẩm chất lượng hơn. Do đó, họ sẽ gây áp lực nhiều hơn. Chỉ những nhà làm phim không đủ năng lực mới lệ thuộc nhiều vào bên đầu tư”.

BẢO LAM (Theo Korea Times)    

Chia sẻ bài viết