Nhóm PV Báo Khmer ngữ
❝Các chương trình, dự án đặc thù của Chính phủ đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng dân tộc; từ đó, nâng cao chất lượng cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Ðời sống vật chất thay đổi, đời sống tinh thần của đồng bào cũng được nâng lên. Ðó là nền tảng để các địa phương ở ÐBSCL tiếp tục thực hiện có hiệu quả Quyết định số 1719/QÐ-TTg ngày 14-10-2021 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030❞.
Bài 1: ÐỜI SỐNG AN VUI NƠI VÙNG QUÊ KHỞI SẮC
Ðồng bào Khmer vùng ÐBSCL có đặc điểm là sống đan xen với các dân tộc Kinh, Hoa, Chăm ở xóm, ấp; một số sống tập trung tạo thành các phum sóc. Ở vùng châu thổ Cửu Long này, bà con dân tộc Khmer sinh sống nhiều ở Sóc Trăng, Trà Vinh, Kiên Giang… Trung ương, địa phương luôn dành nguồn lực đầu tư để vùng đồng bào dân tộc ngày càng khởi sắc, bà con có được đời sống an vui trên mảnh đất quê hương mình.
![Phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở ÐBSCL](https://baocantho.com.vn/image/fckeditor/upload/2023/20230804/images/10-2.jpg)
Bà Lý Thị Diệu ở phường Phước Thới, quận Ô Môn, TP Cần Thơ, hân hoan khi được Nhà nước hỗ trợ cất nhà mới. Ảnh: L.G
An cư cho hộ DTTS
Bà Lý Thị Diệu ở khu vực Bình Khánh, phường Phước Thới, quận Ô Môn, TP Cần Thơ, cho biết: “Tôi được Nhà nước hỗ trợ cất nhà Ðại đoàn kết. Các con góp thêm xây nên căn nhà khang trang. Nhờ Nhà nước chăm lo đồng bào Khmer, nên tôi mới an hưởng tuổi già trong căn nhà tường mình hằng ao ước”. Theo anh Trương Thạnh Tài, Trưởng khu vực Bình Khánh, 2 đứa cháu ngoại ở chung nhà của bà Diệu cũng được Nhà nước hỗ trợ học hành. Ðứa lớn đang học ở Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Cần Thơ; đứa nhỏ đang học tại Trường Tiểu học Nguyễn Huệ, dự định cũng sẽ dự tuyển vào Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú để ba mẹ đỡ lo. Nhận nhà xong, cuối năm 2022, hộ bà Diệu vươn lên cận nghèo. Nếu công việc của 2 con bà thuận lợi như hiện nay thì cuối năm 2023, hộ bà Diệu sẽ thoát nghèo. Cũng theo anh Tài, hầu hết các hộ dân tộc Khmer trong khu vực đều được thụ hưởng các chính sách ưu đãi đặc thù về nhà ở của Nhà nước, nên không còn nhà lá, nhà tạm bợ. Các chương trình dạy nghề, dự án sinh kế cũng đã giúp nhiều hộ có cuộc sống ổn định. Hiện nay, toàn khu vực không có hộ Khmer nghèo, chỉ còn 3 hộ cận nghèo.
Theo ông Nguyễn Hoàng Ba, Bí thư Quận ủy Ô Môn, ngoài hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ có đất ở, quận còn thực hiện có hiệu quả Quyết định số 74/2008/QÐ-TTg, Quyết định số 29/2013/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ giải quyết đất ở và giải quyết việc làm cho đồng bào DTTS nghèo, khó khăn. Cụ thể, quận đã xây dựng khu dân cư dành cho đồng bào DTTS theo Quyết định số 2531/QÐ-UBND của UBND thành phố ở khu vực Bình Yên, phường Trường Lạc, với diện tích trên 6.854m2, tổng kinh phí đầu tư thực hiện dự án gần 7 tỉ đồng, bố trí 80 nền nhà, mỗi nền 40m2. Công trình hoàn thành, quận đã cấp đất ở cho 39 hộ đồng bào DTTS. Do các hộ còn khó khăn nên quận xây dựng 39 căn nhà Ðại đoàn kết trên các nền nhà này, giúp đồng bào DTTS an cư trong khu dân cư.
Việc lo “an cư” cho hộ DTTS được các tỉnh thành có đông đồng bào DTTS sinh sống ở vùng ÐBSCL thực hiện tốt. Tỉnh Vĩnh Long đã triển khai thực hiện các chương trình, dự án đặc thù của Nhà nước dành cho đồng bào DTTS và lồng ghép các chương trình, dự án khác để giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất ở các xã có đông đồng bào DTTS sinh sống. Từ đó, hàng ngàn hộ nghèo có nhà ở ổn định, cuộc sống an vui. Riêng trong năm 2022, Vĩnh Long kêu gọi, vận động các nhà hảo tâm ủng hộ và triển khai xây dựng mới trên 2.220 căn nhà Ðại đoàn kết, trong đó có 307 căn nhà Ðại đoàn kết cho hộ nghèo, cận nghèo là người dân tộc Khmer. Còn ở tỉnh Sóc Trăng, ngoài hàng ngàn căn nhà Ðại đoàn kết, nhà tình thương đã bàn giao, tỉnh cũng đang triển khai xây dựng hơn 1.200 căn từ nguồn xã hội hóa…
Vùng quê ngời sáng
Trở lại xã Phú Mỹ, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng, chúng tôi cảm nhận rõ rệt niềm vui, sự phấn khởi của đồng bào Khmer nơi đây khi vùng quê ngày càng đổi mới, cuộc sống ngày càng được nâng lên, nhất là đường giao thông nông thôn đã được bê tông hóa nối đến phum sóc, đáp ứng nhu cầu sản xuất, đi lại, vận chuyển hàng hóa của đồng bào.
![Phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở ÐBSCL](https://baocantho.com.vn/image/fckeditor/upload/2023/20230804/images/10-1.jpg)
Đường nông thôn ở xã Phú Mỹ, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: LÝ THEN
Là xã có trên 90% dân số là đồng bào dân tộc Khmer, Phú Mỹ thụ hưởng nhiều chính sách đặc thù của Ðảng, Nhà nước đầu tư phát triển vùng dân tộc. Xác định giao thông nông thôn là bàn đạp thúc đẩy phát triển KT-XH nên xã tranh thủ nhiều nguồn lực để đầu tư xây dựng các tuyến đường giao thông nông thôn. Hiện nay, trên 13km đường trục xã, liên xã được bê tông hóa, tất cả đường trục ấp và đường liên ấp được cứng hóa, đường từ trung tâm xã đến huyện được nhựa hóa. Ông Mã Lương Thiện, Bí thư Chi bộ ấp Tá Biên, cho biết: “Ngày xưa, ấp này có gần 50% là hộ nghèo. Từ khi Nhà nước đầu tư nhiều chính sách cho vùng dân tộc Khmer, vùng quê bắt đầu thay đổi. Hiện nay, hệ thống thủy lợi hoàn chỉnh, có nước ngọt quanh năm nên bà con Khmer ai cũng chăm lo sản xuất. Ðiện, nước sạch đến tận nhà, nhất là đường giao thông nông thôn được bê tông hóa, rộng rãi nối liền các ấp, nên việc buôn bán, sản xuất thuận lợi. Ngoài ra, bà con Khmer còn biết kinh doanh hàng hóa, vật tư nông nghiệp, vật tư xây dựng, trang trí nội thất... nên có người cất nhà hàng tỉ đồng”. Theo ông Thạch Minh Lây, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Mỹ, thành quả trên là nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy đảng, chính quyền nhằm thực hiện đồng bộ và hiệu quả các chương trình, dự án của Nhà nước.
Từ các nguồn vốn, chương trình đầu tư, vùng dân tộc ở ÐBSCL đã thay đổi tích cực về hạ tầng cơ sở. Hầu hết các xã có đông đồng bào DTTS đều đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Ông Danh Phúc, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Kiên Giang, bộc bạch: “Các xã có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống trên địa bàn tỉnh được lồng ghép nhiều nguồn vốn, bên cạnh vốn từ các chương trình dự án đặc thù làm cho điện, đường, trường, trạm đạt chuẩn, cơ sở thiết yếu đầy đủ… Từ đó, vùng DTTS khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào ngày càng nâng lên, khoảng cách về điều kiện thụ hưởng giữ thành thị và vùng sâu, vùng xa dần ngắn lại. Ðiển hình như hạ tầng cơ sở ở vùng Sóc Ven của xã Ðịnh A, huyện Gò Quao, hay xã Bàn Thạch, huyện Giồng Riềng… trước đây cũ kỹ, lạc hậu thì nay khang trang, có đầy đủ các dịch vụ thiết yếu như ở thành thị. Kiên Giang còn linh động trong lồng ghép các chương trình, dự án để phát triển vùng dân tộc. Chẳng hạn như việc chọn xã đặc biệt khó khăn là Ðịnh Hòa, huyện Gò Quao, làm xã điểm xây dựng nông thôn mới. Ngay khi Ðịnh Hòa về đích nông thôn mới, xã cũng ra khỏi Chương trình 135”.
Theo đánh giá của Ủy ban Dân tộc, bằng nỗ lực và tính chủ động, các địa phương có đông đồng bào DTTS sinh sống ở ÐBSCL triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình, cùng với việc lồng ghép các chương trình dự án khác. Từ đó, hạ tầng cơ sở vùng dân tộc ngày càng khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào DTTS ngày càng nâng cao. Ðặc biệt là việc các địa phương tập trung nâng cao dân trí, làm nền tảng để xây dựng nguồn nhân lực DTTS có chất lượng, phục vụ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa vùng dân tộc nói riêng và vùng châu thổ Cửu Long nói chung.
(Còn tiếp)
-------------
Bài 2: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực