Hội đồng trường Trường Ðại học Cần Thơ (ÐHCT) nhiệm kỳ 2020-2025 tổ chức phiên họp lần thứ tư mới đây, đã thông qua một số nghị quyết quan trọng về phát triển sắp tới. Trong đó, có chủ trương về việc chuyển trường thành ÐHCT theo mô hình đại học quốc gia và thành lập 4 trường trực thuộc: Trường Nông nghiệp trên cơ sở Khoa Nông nghiệp, Trường Kinh tế trên cơ sở Khoa Kinh tế; Trường Bách Khoa trên cơ sở Khoa Công nghệ; Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông trên cơ sở Khoa Công nghệ thông tin và Truyền thông. Hội đồng trường giao Hiệu trưởng xây dựng đề án; hoàn thiện thủ tục pháp lý chủ trương này trình cơ quan có thẩm quyền quyết định. Ðây là tín hiệu vui không chỉ với TP Cần Thơ, mà của vùng ÐBSCL, vì đã mở rộng cơ hội học tập, nghiên cứu trong vùng.
Sinh viên Khoa Công nghệ thông tin và Truyền thông, Trường ÐHCT.
Thực tế, việc thành lập các trường ÐH trực thuộc ÐHCT theo mô hình đại học quốc gia đã được nhà trường định hướng, có bước chuẩn bị khá lâu về nguồn lực. Cụ thể như 2 trong 4 trường ÐH trực thuộc ÐHCT được thông tin khái quát: Trường Kinh tế có mục tiêu là phát triển năng lực đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực kinh tế và kinh doanh nhằm phục vụ tốt sự nghiệp phát triển kinh tế của đất nước. Sẽ trở thành đơn vị đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực kinh tế và kinh doanh của khu vực Ðông Nam Á đến năm 2030. Trường này sẽ có 4 khoa: Kinh tế, Kinh doanh, Tài chánh - Ngân hàng, Kế toán - Kiểm toán. Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông thành lập trên cơ sở Khoa Công nghệ thông tin và Truyền thông, hiện tại khoa có 6 bộ môn; đang đào tạo 7 chuyên ngành kỹ sư, 3 ngành thạc sĩ và 1 ngành tiến sĩ; với quy mô hơn 5.000 sinh viên, học viên. 100% cán bộ, giảng viên (hơn 100 người) của khoa đạt trình độ sau ÐH, đảm bảo phục vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học.
Tại phiên họp lần thứ nhất Hội đồng Khoa học và Ðào tạo của Trường ÐHCT nhiệm kỳ 2020-2025 hồi giữa tháng 6-2021, GS.TS Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường ÐHCT, đã nhấn mạnh định hướng phát triển trường giai đoạn 2020-2025 là xây dựng theo mô hình đại học quốc gia. Ðơn vị sẽ tự chủ về tài chính. Bên cạnh 4 trường ÐH trực thuộc, ÐHCT còn có 2 phân hiệu ÐH ở Hòa An (tỉnh Hậu Giang) và tỉnh Sóc Trăng. Theo ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, các dự án, chương trình, lĩnh vực của trường có định hướng phát triển phù hợp xu thế phát triển của TP Cần Thơ. Thành phố sẵn sàng hợp tác, tạo mọi điều kiện để trường phát triển. Ðồng thời mong rằng nhà trường tham mưu Chính phủ về chủ trương, cơ chế hoạt động của mô hình đại học quốc gia; tăng cường liên kết với doanh nghiệp trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ để cùng nhau phát triển.
Sau 55 năm hình thành và phát triển, Trường ÐHCT đã đào tạo hàng chục ngàn cán bộ, kỹ sư, cử nhân và cán bộ có trình độ sau đại học. Hiện trường đang đào tạo 99 ngành, chuyên ngành trình độ đại học; 52 ngành, chuyên ngành trình độ thạc sĩ và 19 ngành trình độ tiến sĩ; với gần 48.000 sinh viên và học viên. Trường có 1.815 viên chức, người lao động (trong đó có 15 GS, 141 PGS, 508 TS, 720 Ths). 100% đội ngũ cán bộ giảng dạy của trường có trình độ sau đại học.
Theo lãnh đạo nhà trường, định hướng phát triển Trường ÐHCT theo mô hình đại học quốc gia là nhu cầu và đúng thời điểm, đồng thời thực hiện Luật Giáo dục đại học và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. Cạnh đó, Trường ÐHCT qua 55 năm phát triển, đã trải qua nhiều lần chuyển đổi thành công cơ cấu tổ chức để phù hợp với sự phát triển của nền giáo dục và đào tạo đất nước, cũng như xu thế hội nhập thế giới, đáp ứng sự phát triển của trường. Trong bối cảnh phát triển nhanh về khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo và hội nhập sâu - rộng trong và ngoài nước, Trường ÐHCT cần tiếp tục thay đổi để tạo nền tảng và cột mốc mới trong phát triển. Sự chuyển đổi này sẽ tạo đột phá cho trường, vốn có vai trò đặc biệt quan trọng trong đào tạo nhân lực ở ÐBSCL.
Bài, ảnh: Ng.Ngân