08/07/2016 - 10:00

Phát triển thành công mũi điện tử nhạy nhất từ trước tới nay

Thời gian qua, nhiều loại "mũi điện tử" đã được giới thiệu, song các nhà nghiên cứu ở Đại học Leuven (Bỉ) khẳng định loại mũi điện tử họ vừa sáng chế có mức độ nhạy cảm cao nhất từ trước tới nay, có thể "đánh hơi" các hóa chất độc hại ngay cả khi nồng độ tập trung của chúng cực thấp.

     Ảnh: Joris Snaet

Trước đó vào năm 2012, các nhà nghiên cứu tại Đại học California (Mỹ) từng giới thiệu một nguyên mẫu mũi điện tử làm bằng vật liệu nano, có khả năng phát hiện dấu hiệu của các chất độc hại ở mức độ một phần tỉ (ml hóa chất/lít không khí). Trong khi đó, nhóm sáng chế tại Đại học Leuven cho biết nền tảng của mũi điện tử mới được sản xuất từ một vật liệu đặc biệt được gọi là khung hữu cơ-kim loại (MOF). Đặc điểm nhiều lỗ nhỏ và xốp của vật liệu này cho phép thiết bị có khả năng phát hiện dấu hiệu của hóa chất - chẳng hạn như khí độc thần kinh sarin và dư lượng thuốc trừ sâu trong rau quả - ở mức độ chỉ một phần nghìn tỉ.

Không chỉ có chức năng nhận diện mùi, loại mũi điện tử làm từ MOF cũng có thể được tùy chỉnh dễ dàng để phục vụ những mục đích sử dụng khác như lọc nước, làm vật liệu chế tạo pin và lưu trữ khí. Trong tương lai, nhóm nghiên cứu tin rằng có thể tích hợp cảm biến hóa học này vào một màng phim mỏng dùng phủ trên các bề mặt như mạch điện để ứng dụng vào các thiết bị di động (như điện thoại thông minh) để biến chúng thành cảm biến cầm tay, giúp chúng ta nhận biết nhanh không khí bị nhiễm độc.

XUÂN ANH (Theo Gizmag, Digital Trends)

Chia sẻ bài viết