Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG
ÐBSCL là vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm của cả nước, đóng góp phần lớn các loại lúa gạo, trái cây, thủy sản phục vụ xuất khẩu và đảm bảo an ninh lương thực cho quốc gia. Với nhiều hoạt động sản xuất nông nghiệp cùng hệ sinh thái đa dạng, cảnh quan tự nhiên đẹp, ÐBSCL có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch nông thôn và hoạt động sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch. Ðây cũng là cách làm hiệu quả để phát triển thị trường tiêu thụ nông sản và nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp.
Nông sản được bán tại một điểm du dịch gắn với nông nghiệp trên địa bàn TP Cần Thơ.
Nhiều tiềm năng
ÐBSCL có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp 18% GDP quốc gia và là vùng sản xuất nông nghiệp trù phú nhất của nước ta. Nơi đây đóng góp phần lớn các loại nông sản phục vụ xuất khẩu, trong đó có 90% tổng sản lượng gạo và 70% sản lượng thủy sản xuất khẩu của cả nước. Với hai mùa mưa - nắng tách biệt và chênh lệch cao về lưu lượng dòng chảy từ thượng nguồn sông Mekong về ÐBSCL trước khi ra biển đã hình thành cho vùng một hệ sinh thái tự nhiên rất đặc trưng, với nhiều tiểu vùng sinh thái đa dạng và có nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp gắn các cánh đồng lúa, hoa màu và miệt vườn sông nước. Ðây là những điều kiện thuận lợi để vùng phát triển du lịch gắn với nông nghiệp và nông thôn.
Do nhiều nguyên nhân ÐBSCL vẫn chưa được khai thác đúng mức các tiềm năng trong phát triển du lịch, cũng như giá cả đầu ra nhiều loại nông sản còn chưa ổn định và chưa đảm bảo cho người nông dân có được mức thu nhập tương xứng. Tuy nhiên, thời gian qua nhiều địa phương trong vùng cũng đã quan tâm phát triển nông nghiệp gắn với du lịch và đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Nhiều loại nông sản của nông dân đã được “xuất khẩu tại chỗ” và bán với giá tốt hơn thông qua khách du lịch trong nước và quốc tế. Nhờ làm nông gắn với du lịch mà nông dân cũng nâng cao nhận thức về bảo vệ, làm đẹp cảnh quan thiên nhiên và sản xuất nông nghiệp theo hướng xanh, sạch, an toàn cho sức khỏe con người và thân thiện với môi trường.
Qua thống kê của ngành chức năng cho thấy, mô hình phát triển nông nghiệp gắn với du lịch đã hình thành tại nhiều địa phương vùng ÐBSCL. Ở tỉnh Ðồng Tháp, mô hình điểm tham quan du lịch gắn với nông nghiệp và trải nghiệm làng nghề đã hình thành và phát triển mạnh tại tỉnh này từ năm 2016 đến nay. Tỉnh đã có hơn 60 điểm tham quan du lịch gắn với nông nghiệp và trải nghiệm làng nghề. Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Ðồng Tháp, các mô hình hoạt động khá hiệu quả đã giúp kéo dài chuỗi giá trị và gia tăng giá trị nông sản, tạo thêm việc làm ở nông thôn, đem lại nguồn thu ổn định cho nhiều nông dân. Tại TP Cần Thơ, cũng đã có hàng chục mô hình làm nông và trang trại nông nghiệp gắn với phát triển du lịch, đặc biệt là mô hình vườn cây ăn trái gắn với du lịch, qua đó giúp nông dân có mức thu nhập cao hơn khá nhiều so với chỉ làm nông đơn thuần.
Thúc đẩy phát triển
Nhằm góp phần ổn định giá cả đầu ra cho nông sản và phát triển du lịch nông thôn tại vùng ÐBSCL, Khoa Kinh tế Trường Ðại học Cần Thơ vừa phối hợp với Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị TP Cần Thơ và Viện Friedrich Naumann Foundation (FNF) của Ðức tổ chức hội thảo “Ðầu tư phát triển thị trường nông sản và du lịch nông thôn ở ÐBSCL”. Tại hội thảo này, các chuyên gia và đại biểu đã phân tích, đề xuất nhiều giải pháp nhằm phát triển, ổn định thị trường tiêu thụ nông sản và khơi dậy tiềm năng phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn tại ÐBSCL.
Nhiều ý kiến cho rằng, các bộ, ngành và địa phương vùng ÐBSCL cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để nâng cao nhận thức và hành động của người dân, doanh nghiệp trong gìn giữ và phát huy các tiềm năng thế mạnh về phát triển nông nghiệp gắn với du lịch, cũng như gìn giữ các cảnh quan thiên nhiên. Quan tâm tăng cường liên kết, hợp tác giữa các bên liên quan để nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm cho nông sản, cũng như phát triển sản xuất đa dạng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu du lịch. Chú ý phát huy các loại hình du lịch cộng đồng. Theo ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, để phát triển du lịch nông nghiệp và nông thôn tại vùng ÐBSCL, các địa phương cần quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp phát triển các mô hình và loại hình du lịch cộng đồng gắn với sản xuất nông nghiệp, làng nghề truyền thống ở nông thôn và việc phát triển các sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm). Ðồng thời, ngành chức năng cần quan tâm thực hiện tốt công tác quản lý và giám sát để những nơi thực hiện các mô hình du lịch gắn với nông nghiệp và nông thôn đảm bảo hình ảnh uy tín, chất lượng các sản phẩm, dịch vụ… để thu hút và “giữ chân” được du khách.
ÐBSCL cũng rất cần có một “nhạc trưởng” để chủ trì phát triển du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn và các bên liên quan cần hiểu rõ giá trị của hệ sinh thái tự nhiên, tài nguyên để khai thác, phát triển bền vững. Theo PGS.TS Lê Khương Ninh, Trưởng Khoa Kinh tế Trường Ðại học Cần Thơ, hệ thống sinh thái tự nhiên của vùng ÐBSCL rất tốt và có nhiều tiềm năng cho phát triển du lịch nông thôn bởi nó rất xanh và đa dạng. Những không gian xanh, tươi đẹp của tự nhiên là cái mà nhiều du khách trên thế giới đang quan tâm, tìm đến để du lịch nhằm thưởng thức được những cái tốt nhất của tự nhiên. ÐBSCL cần gìn giữ hệ sinh thái tự nhiên để thu hút khách du lịch và phát triển kinh tế dựa trên du lịch nông nghiệp, nông thôn. Ngành chức năng cần quan tâm đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn để người dân hiểu về nguồn tài nguyên, tài sản mình đang có để bảo tồn, phát triển và khai thác hiệu quả. Bên cạnh đó, các địa phương trong vùng cần liên kết, phối hợp chặt với nhau nhằm phát huy tốt các tiềm năng, lợi thế của chung và tại từng địa phương, tránh hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh.