Thời gian qua, diện tích sản xuất nông nghiệp trên địa bàn quận Bình Thủy dần thu hẹp do quá trình đô thị hóa. Vì thế, quận tập trung đầu tư nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng đê bao thủy lợi gắn với tổ chức lại quy trình sản xuất, nâng cao kỹ thuật canh tác của nông dân. Từ đó góp phần hình thành các vùng chuyên canh nông nghiệp chất lượng cao, phù hợp với tiến trình đô thị hóa.
Trước đây, nông dân chỉ sản xuất ba vụ lúa/năm hiệu quả kinh tế mang lại thấp, được sự hỗ trợ kịp thời của ngành nông nghiệp địa phương nên một số nông hộ đã mạnh dạn chuyển sang trồng mỗi năm 3- 4 vụ rau màu, đem lại hiệu quả kinh tế cao gấp 3- 4 lần so với trồng lúa. Ông Triệu Công Đỉnh, Chủ nhiệm hợp tác xã (HTX) Rau an toàn, khu vực Bình Thường A, phường Long Tuyền, cho biết: “Khu vực Bình Thường A nằm ở vùng ven của thành phố có đường giao thông thủy, bộ thuận lợi, có nguồn nước và đất thích hợp để trồng các loại rau màu. Để đáp ứng nhu cầu trong việc cung cấp sản phẩm, được hỗ trợ về giống, kỹ thuật, hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, năm 2005 HTX rau an toàn khu vực Bình Thường A, phường Long Tuyền được thành lập, đến nay HTX có 16 xã viên với 35 lao động, diện tích trồng rau màu là 11,2ha, hoạt động khá ổn định”. Đầu tháng 1-2015, Hợp tác xã Rau an toàn phường Long Tuyền đã khánh thành, đưa vào sử dụng nhà sơ chế đóng gói sản phẩm rau quả với diện tích trên 90m2 , với tổng kinh phí trên 200 triệu đồng (trong đó, phần vốn đối ứng của nông dân trên 90 triệu đồng). HTX còn được Chi cục Bảo vệ thực vật TP Cần Thơ tài trợ 1 máy sục ozone trị giá 30 triệu đồng. Nhà sơ chế, đóng gói đi vào hoạt động nhằm đảm bảo chất lượng nông sản sau khi thu hoạch, tăng thời gian bảo quản. Việc sơ chế và đóng gói nông sản còn tạo điều kiện thuận lợi để HTX đưa sản phẩm vào tiêu thụ tại các siêu thị trên địa bàn thành phố và tạo niềm tin cho người tiêu dùng khi sử dụng sản phẩm rau an toàn do HTX cung cấp.
 |
Hợp tác xã Rau an toàn phường Long Tuyền vừa khánh thành, đưa vào hoạt động nhà sơ chế đóng gói sản phẩm rau quả. |
Với diện tích đất nông nghiệp còn chiếm phần lớn trong tổng diện tích đất tự nhiên nên diện tích canh tác lúa ở Bình Thủy vẫn còn trên 1.300ha. Chuyển đổi sản xuất lúa theo nhu cầu thị trường, hiện nay, trên địa bàn quận có 52 nông hộ ở 3 phường Long Hòa, Long Tuyền và Thới An Đông mạnh dạn chuyển đổi từ sản xuất lúa chất lượng thấp (giống IR50404) sang sản xuất lúa giống, lúa chất lượng cao, theo hợp đồng bao tiêu sản phẩm, lợi nhuận cao gấp 1,5 lần so với sản xuất lúa thường. Ông Nguyễn Văn Đặng, khu vực Thới Hưng, phường Thới An Đông, chia sẻ: “Qua nhiều năm canh tác giống lúa IR50404, tôi nhận thấy giống lúa bắt đầu thoái hóa giống, dễ bị sâu bệnh tấn công, gây hại, giá cả trên thị trường bấp bênh, khó tiêu thụ do chất lượng gạo kém. Năm 2010, được tham gia các lớp tập huấn và các cuộc hội thảo do Trạm Khuyến nông quận tổ chức, tôi đã mạnh dạn chuyển đổi 1ha đất lúa sang trồng các giống lúa chất lượng cao như: OM 5451, OM 4218, OM4900. Do còn thiếu kinh nghiệm nên các vụ lúa đầu năng suất đôi lúc thấp hơn giống IR50404 nhưng bù lại giá cả cao hơn, dễ tiêu thụ, thu được lợi nhuận khá. Qua nhiều năm canh tác giống mới, tôi rút ra được nhiều kinh nghiệm, cũng như áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác như sạ hàng, làm đất, khử lẫn
năng suất từ bằng đến cao hơn giống cũ. Đến nay tôi hoàn toàn yên tâm và tự tin vào việc sản xuất lúa chất lượng cao”.
Với sự năng động và nhạy bén trong sản xuất, nhiều nông dân ở Bình Thủy đã thành công từ những mô hình sản xuất nông nghiệp phù hợp với tiến trình phát triển nông nghiệp đô thị. Như gia đình ông Đặng Văn Công khu vực Bình Phó B, phường Long Tuyền có 2,3ha đất vườn trồng chuyên canh cây ăn trái, với nhiều chủng loại như: Xoài cát Hòa Lộc, chôm chôm, măng cụt, thanh long, dừa sáp, dừa dứa, bưởi da xanh, ổi không hạt và nhiều loại trái cây khác. Hằng năm, lợi nhuận thu được từ kinh tế vườn từ 120-150 triệu đồng. “Từ năm 2005, qua tham quan học hỏi kinh nghiệm làm du lịch sinh thái vườn tại một số địa phương, tôi đã mạnh dạn cải tạo lại sửa sang lại diện tích vườn cây ăn trái, đầu tư phát triển mô hình du lịch sinh thái vườn. Lúc đầu việc xây dựng mô hình cũng gặp một số khó khăn nhưng được địa phương, Sở Văn hóa-Thể thao-Du lịch thành phố quan tâm giới thiệu địa điểm đưa khách du lịch đến tham quan nên việc phát triển mô hình từng bước ổn định, cho thu nhập mỗi năm từ 300-350 triệu đồng”- ông Công chia sẻ. Năm 2011, trên địa bàn quận Bình Thủy chỉ có hộ ông Đặng Văn Công thực hiện cải tạo vườn tạp, phát triển vườn cây ăn trái và xây dựng các kết cấu thiết yếu để phục vụ khách tham quan thì đến nay trên địa bàn quận có 7 hộ tham gia thực hiện mô hình.
Thích ứng với yêu cầu thị trường là một trong những yếu tố sống còn để nông dân tránh tình trạng “được mùa mất giá”. Và ông Lê Văn Bon, khu vực Bình Thường B, phường Long Tuyền là một trong những nông dân đã năng động tìm tòi chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi phù hợp với thị trường và điều kiện canh tác sẵn có. Tháng 8-2014, ông Bon “trúng đậm” vụ nuôi cá lóc và “bỏ túi” 400 triệu đồng chỉ sau 3 tháng thả nuôi. Trước khi nuôi cá lóc, ông Bon còn nổi tiếng với nghề nuôi cá rô cỏ, cá rô đầu vuông và cá sặc rằn cho thu nhập khá ổn định. Sự năng động của người nông dân này là biết lựa chọn đối tượng nuôi theo từng thời điểm thích hợp và nắm vững kỹ thuật nuôi, cách thức phòng trị bệnh để giảm hao hụt, thu lợi nhuận cao nhất. Dưới ao nuôi cá, trên bờ ông trồng tràm để tạo môi trường sinh thái phục vụ nuôi cá sặc rằn. Trong vườn còn có gần trăm gốc măng cụt, sầu riêng cho thu nhập vài chục triệu đồng/năm. Đó là chưa kể 3 công đất trồng lúa để dành nuôi đàn gà thả vườn, gọi là “kiếm thêm” thu nhập hằng tháng cho gia đình. Ông chia sẻ: “Hiện tại, tôi đang đầu tư nuôi cá thác lác cườm, thay vì nuôi cá lóc như vụ trước để đón đầu thị trường Tết. Việc chuyển đối tượng nuôi mới nhằm hạn chế dịch bệnh phát sinh trong ao, song phải nắm vững kỹ thuật thì mới đạt hiệu quả cao”.
Ông Lê Hoàng Tua, Phó Trưởng Phòng kinh tế - Trưởng Trạm Khuyến nông quận Bình Thủy, cho biết: “Thời gian qua, ngành nông nghiệp địa phương tập trung hỗ trợ nông dân phát triển vườn cây ăn trái gắn với du lịch sinh thái, phát triển rau màu theo hướng an toàn, phát triển hoa kiểng quanh năm nhằm tạo cảnh quan đặc sắc của mô hình nông nghiệp đô thị. Hiệu quả kinh tế mang lại là thước đo cho lao động sản xuất của người nông dân. Tuy nhiên, không phải bằng mọi giá để có được hiệu quả kinh tế đó. Ngày nay, lợi nhuận kinh tế phải tính đến tác động môi trường ở mức độ thấp nhất. Đó chính là mục tiêu của nền nông nghiệp đô thị của quận Bình Thủy, hướng đến phát triển lâu dài, bền vững”.
Bài, ảnh: HOÀNG ĐỊNH