12/11/2013 - 22:44

PHÁT HUY TRUYỀN THỐNG, PHẨM CHẤT “BỘ ĐỘI CỤ HỒ”

Thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW, ngày 14-5-2011 của Bộ Chính trị về "Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", hơn một năm qua, Hội Cựu chiến binh (CCB) xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền tiếp tục có nhiều hoạt động thiết thực nhằm giúp hội viên giảm nghèo, nâng cao đời sống.

Giúp hội viên nâng cao mức sống

Nhờ tham gia CLB trồng nhãn của Chi hội CCB ấp Thị Tứ Vàm Xáng, thu nhập của gia đình ông Nguyễn Thành Trung tăng gần gấp đôi so với 2 năm trước.  

Nhằm cụ thể hóa việc làm theo tấm gương đạo đức của Bác, năm 2011, Chi hội CCB ấp Thị Tứ Vàm Xáng, xã Nhơn Nghĩa, thành lập Câu lạc bộ (CLB) trồng nhãn với 13 thành viên. Sau khi thành lập, Ban Chủ nhiệm CLB đã xây dựng ngay tổ kỹ thuật và tổ vần công để phát huy năng lực từng cá nhân trong CLB. Ông Nguyễn Thành Trung, Chi hội trưởng CCB ấp, Chủ nhiệm CLB, cho biết: "Các anh em trong tổ kỹ thuật là những người có nhiều kinh nghiệm trong việc trồng nhãn. Vì vậy, nhiệm vụ của các anh là hướng dẫn, hỗ trợ các thành viên trong chăm sóc, thu hoạch nhãn; còn tổ vần công chúng tôi lập ra để hỗ trợ nhau công lao động nhằm tiết kiệm chi phí làm vườn…". Hiện nay, CLB trồng nhãn của Chi hội CCB ấp Thị Tứ Vàm Xáng có 22 hội viên, với diện tích gần 9 ha, (tăng 2,8 ha cách đây 2 năm). Đến với CLB, các thành viên được học tập cách phòng ngừa sâu bệnh, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có hiệu quả… Nhờ thường xuyên trao đổi kinh nghiệm cũng như được sự hỗ trợ từ Hội CCB xã, Trung tâm Khuyến nông huyện mà lợi nhuận hằng năm của 1 ha nhãn của các thành viên CLB đạt khoảng 70 triệu đồng, tăng gần gấp đôi so với năm 2011. Các thành viên CLB còn thành lập tổ góp vốn xoay vòng với số tiền gần 4,5 triệu đồng/tháng. Số tiền này sẽ ưu tiên dành cho các thành viên CLB giải quyết khó khăn đột xuất. CLB trồng nhãn ấp Thị Tứ Vàm Xáng có 6 hội viên CCB, ai cũng có đời sống kinh tế khấm khá. Trước đây, CLB có 1 hội viên khó khăn là ông Lê Văn Nốp. Tuy nhiên, sau một thời gian tham gia CLB, ông Nốp đã thoát nghèo. Ông Nguyễn Thành Trung, Chủ nhiệm CLB, kể: "Trước khi tham gia CLB, gia đình anh Nốp thuộc diện hộ nghèo, số đỏ phải thế chấp cho ngân hàng. Biết hoàn cảnh của anh, chúng tôi đã góp tiền cho anh mượn chuộc sổ đỏ ra. Nhờ tham gia CLB mà nay anh Nốp đã thoát nghèo, xây được nhà lớn, cuộc sống ổn định… Ngoài chia sẻ kinh nghiệm làm vườn, các hội viên CCB, thành viên CLB đều tích cực hỗ trợ nhau cây giống, con giống để phát triển sản xuất. Anh em bán cây giống, con giống cho hội viên với giá rẻ và việc thu vốn có khi kéo dài cả năm. Chính vì vậy, tình cảm các anh em vô cùng gắn bó". Theo ông Nguyễn Thành Trung, trước đây, CLB đã vay được 100 triệu đồng để phát triển sản xuất. Thời gian tới, Ban Chủ nhiệm CLB sẽ nhờ Hội CCB xã hỗ trợ để nâng mức vay lên khoảng 200 triệu đồng, nhằm giúp hội viên đầu tư cây giống mới, mua phân bón... . Bên cạnh đó, Ban Chủ nhiệm sẽ tiếp tục tìm hiểu, nhân rộng một số giống nhãn cho năng suất cao để tăng thu nhập cho anh em.

Theo ông Trần Văn Quý, Chủ tịch Hội CCB xã Nhơn Nghĩa, từ năm 2009 đến nay, Hội CCB xã đã thành lập được 6 CLB trồng xoài, nhãn, vú sữa,…với số lượng từ 13- 23 thành viên/CLB. Do vận dụng linh hoạt những mô hình kinh tế phù hợp với từng ấp nên thành viên các CLB không còn ai khó khăn, nhiều hội viên có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Bên cạnh đó, Hội CCB xã cũng nhiệt tình trong việc giúp Ban Chủ nhiệm các CLB học tập kinh nghiệm sản xuất, hỗ trợ vay vốn... Ông Trần Văn Quý nói: "Nhờ thực hiện tốt việc xây dựng các mô hình kinh tế và có sự hỗ trợ thiết thực từ Hội CCB xã, đến nay, Hội CCB xã Nhơn Nghĩa không còn hội viên thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo. Sắp tới, chúng tôi sẽ tập trung vào xây dựng thêm một số mô hình về kinh tế để có thể đáp ứng nhu cầu làm kinh tế của hội viên".

Khó trăm lần dân liệu cũng xong

Phát huy truyền thống "Bộ đội Cụ Hồ" và thực hiện việc làm cụ thể theo gương Bác, từ đầu năm 2013 đến nay, các Chi hội CCB trong xã Nhơn Nghĩa tích cực vận động nhân dân xây dựng các công trình phúc lợi tại địa phương. Cụ thể, Hội CCB xã đã vận động nhân dân làm 5 tuyến đường giao thông, với chiều dài 2,3km, 1 đê bao khép kín dài 2,8 km… Giới thiệu với chúng tôi về tuyến đường dài gần 200 mét do Chi hội CCB ấp Nhơn Phú đứng ra vận động, thực hiện hồi tháng 5-2013, ông Phạm Văn Be, Chi hội trưởng CCB ấp, cho biết: "Tuyến đường này trước đây mỗi khi nước ngập thì sâu tới đầu gối. 11 hộ dân sống phía trong tuyến đường đi lại rất vất vả. Do vậy, chúng tôi đã bàn với đồng chí Bí thư Chi bộ ấp cũng như xin ý kiến Hội CCB xã làm tuyến đường này với kinh phí 21,5 triệu đồng". Tuyến đường bê - tông cao 0,5m, rộng 1,5m do Chi hội CCB ấp Nhơn Phú vận động nhân dân thực hiện đã giúp các học sinh đi lại thuận tiện hơn. Bên cạnh đó, nhiều người dân có vườn trái cây nằm trong tuyến đường cũng thu hoạch trái cây dễ dàng hơn. Cô Thái Thị Lệ, một người dân trong ấp, chia sẻ: "Hồi trước, do chưa có con đường nên mỗi lần muốn hái trái cây là gia đình tôi phải đi ghe vòng vô vườn. Do ngày nào cũng đi nên cực khổ, tốn kém lắm. Bây giờ, xe chạy ù là tới ngay. Tất cả đều nhờ mấy anh bên Chi hội CCB ấp hết đó!".

Tham gia chiến đấu giúp bạn ở Campuchia từ năm 1983 đến năm 1986, ông Phạm Văn Be trở về với một chân gởi lại trên đất bạn. Dù đi lại khó khăn nhưng người thương binh ¼ này vẫn nhiệt tình đi vận động nhân dân trong ấp đóng góp kinh phí làm cầu, đường. Ông chia sẻ: "Thấy bà con đi lại khó khăn vì đường hư, cầu hỏng, tôi và mấy anh em trong Chi hội không chịu được. Sức mình có bao nhiêu thì giúp bà con bấy nhiêu. Đó là điều tôi luôn nhắc nhở mình trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác". Nhờ sự tâm huyết, nhiệt tình của ông, từ đầu năm 2013 đến nay đã có 2 tuyến đường trong ấp được hoàn thành.

Nói về kế hoạch năm 2014, Chi hội CCB ấp đang vận động để đắp một con đập trong ấp, với chi phí ước tính khoảng 25 triệu đồng. Tuy số tiền vận động khá lớn nhưng ông Phạm Văn Be quả quyết: "Công trình này tốn kém nhất trong mấy năm qua nhưng tôi tin nếu được anh em CCB và bà con ủng hộ sẽ hoàn thành sớm thôi. Chúng tôi làm việc gì cũng nghĩ đến lợi ích của bà con, cũng tranh thủ sự ủng hộ của bà con, vì như Bác Hồ đã nói: "Dễ mười lần không dân cũng chịu. Khó trăm lần dân liệu cũng xong" (*).

Bài, ảnh: PHẠM TRUNG

----------------

(*) Hồ Chí MInh toàn tập, tập 12, NXBCTQG,H.2002.tr. 212

Chia sẻ bài viết