23/11/2008 - 20:43

Thực hiện quy chế dân chủ ở Trung Thạnh và Thới Thuận:

Phát huy sáng kiến, tinh thần tự nguyện của nhân dân

Thời gian qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể ở xã Trung Thạnh và Thới Thuận (huyện Thốt Nốt) luôn chú trọng thực hiện nghiêm quy chế dân chủ trong các mặt hoạt động, công tác, nhờ vậy tạo sự đồng thuận, phát huy tinh thần làm chủ của nhân dân, thúc đẩy các mặt phong trào hành động cách mạng xây dựng quê hương…

Vận động mua xe cứu thương phục vụ nhân dân

Từ xã Trung Thạnh đến thị trấn Thốt Nốt chỉ hơn 10km, nhưng do nhiều tuyến đường hẹp, bị xuống cấp, hệ thống cầu tạm bị hư hỏng nhiều nên đi lại rất khó khăn. Trước nhu cầu đó, Chi ủy xã vận động nhân dân từng bước thực hiện mở rộng, bê tông hóa tuyến đường chính trong xã để phục vụ lưu thông dễ dàng. Bên cạnh việc triển khai rộng khắp trong nhân dân về ý nghĩa của việc xây dựng giao thông nông thôn, Đảng ủy, chính quyền xã Trung Thạnh chỉ đạo thực hiện nghiêm túc nguyên tắc dân chủ. Trong từng công trình, các khoản hỗ trợ của Nhà nước, đóng góp của nhân dân, kinh phí sử dụng... đều được công khai để nhân dân được biết. Chính nhờ sự công khai, minh bạch trong các khoản thu, chi đã tạo được niềm tin trong nhân dân, năm 2008, bà con trong xã đã đóng góp gần 1,9 tỉ đồng, hiến 670m đất và hơn 300 ngày công lao động để xây dựng 7 cây cầu kiên cố, mở rộng và bê tông hóa toàn bộ các tuyến đường từ cầu An Thạnh đến Bắc Đuông, từ Bắc Đuông đến Xẻo Dứa, cầu Sa Mau đến giáp xã Trung Hưng... dài 4.590m, đảm bảo xe 4 bánh có thể lưu thông dễ dàng.

Bà con xã Thới Thuận đến chùa Khánh Vân (huyện Thốt Nốt) làm những bộ sườn nhà chuẩn bị cất nhà tình thương cho các hộ nghèo. 

Các đồng chí cán bộ lãnh đạo xã Trung Thạnh kể: Trước đây, đường khó đi nên ở xã Trung Thạnh đã xảy ra một số trường hợp thương tâm do người bệnh không kịp đưa đến bệnh viện. Sau khi xây dựng, sửa chữa đường giao thông, trong các buổi họp dân, một số bà con bày tỏ mong muốn xã có một chiếc xe làm công tác cứu thương, kịp thời đưa những người bệnh đi cấp cứu. Từ những mong muốn của bà con, năm 2008, Chi ủy xã Trung Thạnh đề ra chủ trương mua xe cứu thương để góp phần phục vụ, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Đồng chí Hồ Văn Gầm, Trưởng Khối Dân vận xã Trung Thạnh, cho biết: “Lồng ghép vào các buổi họp, sinh hoạt của các đoàn thể xã, Ban Nhân dân ấp, chúng tôi triển khai lấy ý kiến của bà con về chủ trương ấy. Được sự thống nhất của bà con, xã thành lập Ban Vận động, tổ chức vận động các mạnh thường quân, nhà hảo tâm và bà con trong xã đóng góp. Bên cạnh đó, lãnh đạo xã liên hệ với Đoàn Cải lương Tây Đô tổ chức đêm văn nghệ gây quỹ mua xe. Mục đích tốt đẹp của việc vận động được bà con trong xã đồng tình ủng hộ. Sau đợt vận động, xã thu được gần 150 triệu đồng. Từ số tiền thu được, chúng tôi chi hơn 100 triệu mua xe cứu thương, còn lại gây quỹ khuyến học, đền ơn đáp nghĩa”.

Từ tháng 6-2008 đến nay, xe đã phục vụ hơn 80 lượt, trong đó có nhiều chuyến đi xa đến bệnh viện ở Long Xuyên và các bệnh viên ở trung tâm TP Cần Thơ. Những trường hợp nghèo, có hoàn cảnh khó khăn đều được chuyển viện miễn phí, còn bà con nào có điều kiện muốn hỗ trợ tiền xăng bao nhiêu thì tùy. Nhờ chiếc xe cứu thương ấy, nhiều bà con ở Trung Thạnh và những xã lân cận đã được đưa đi cấp cứu, kịp thời vượt qua nguy kịch. Trò chuyện với chúng tôi, gia đình chị Võ Thị Kiều ở ấp Thạnh Lộc 1, xã Trung Thạnh vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhắc đến sự cố vào giữa tháng 8-2008. Chị Kiều bị băng huyết khi sinh con. Trong lúc nguy kịch, các hộ sinh ở Trạm Y tế xã đã gọi điện cho xe cấp cứu của xã đưa chị đến Bệnh viện chữa trị kịp thời. Anh Trần Văn Tín, chồng chị Kiều, kể: “Đêm đó trời mưa rất lớn, cũng may nhờ có xe cứu thương kịp thời chở vợ tôi đến Bệnh viện Đa khoa huyện Thốt Nốt. Đến nơi, các bác sĩ đều bảo nếu chậm trễ một chút thì sẽ khó giữ được tính mạng”. Chị Võ Thị Phước, ở ấp Thạnh Lợi, cũng không giấu được xúc động khi kể lại nhờ có xe cứu thương của xã mà mẹ chị đã qua cơn nguy kịch. Bà Mai Thị Mùi, mẹ chị Phước, đã 78 tuổi lại bị bệnh không đi lại được. Hai tháng trước, bệnh trở nặng, bà Mùi bị hôn mê. Trong lúc gia đình còn đang lúng túng chưa biết đưa bà đến bệnh viện bằng cách nào thì chị Phước chợt nhớ đến chiếc xe cứu thương của xã. Chị Phước kể: “Gia đình tôi vừa điện thoại một lát là xe đến đưa má tôi đến Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ. Hôm má tôi xuất viện, các chú ở xã cùng cho xe đến tận bệnh viện để rước về. Do hoàn cảnh khó khăn nên gia đình tôi chỉ hỗ trợ tiền xăng 300 ngàn đồng, nếu so với chi phí phải thuê xe thì thấp hơn rất nhiều. Nhờ đến bệnh viện kịp thời mà sau đợt điều trị ấy, giờ má tôi rất khỏe”...

Nhờ phát huy dân chủ, khơi dậy sức dân nên từ đầu năm đến nay bà con xã Trung Thạnh còn tích cực đóng góp cùng chính quyền xây dựng 22 căn nhà tình thương, mỗi căn trị giá 7 triệu đồng; 4,5 tấn gạo, 80 phần quà tặng các gia đình chính sách, hộ nghèo...

Huy động sức dân chăm lo cho người nghèo

Trong những ngày cuối năm, đến thăm chùa Khánh Vân, xã Thới Thuận, huyện Thốt Nốt, chúng tôi bắt gặp nhiều bà con đang đục, đẽo cây bạch đàn thành những cây cột, kèo... Ông Võ Văn Út, Trưởng Ban Trị sự Phật giáo Hòa Hảo xã, cho biết: “Bà con chuẩn bị 13 bộ sườn nhà để cất nhà tình thương cho những hộ nghèo chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Kỷ Sửu”.

Nhiều người bệnh được cấp cứu kịp thời nhờ xe cứu thương xã Trung Thạnh, huyện Thốt Nốt. 

Xã Thới Thuận có hơn 90% đồng bào theo đạo. Trong quá trình sinh hoạt tôn giáo, bà con đã triển khai thực hiện nhiều hoạt động nhân đạo xã hội, như xây cầu, làm đường, giúp đỡ các hộ nghèo... Đồng chí Trương Thị Nhiệm, Đảng ủy viên, Trưởng Khối Dân vận xã, cho biết: “Phát huy lợi thế này, thời gian qua, xã đã triển khai thực hiện phong trào “xã hội hóa trong xây dựng nhà tình thương”, vận động nhân dân giúp đỡ các hộ nghèo có chỗ ở ổn định, được nhân dân tích cực hưởng ứng”.

Thực hiện sự chỉ đạo của Đảng ủy, lãnh đạo khối Dân vận, Mặt trận cùng các đoàn thể xã đã xây dựng kế hoạch cất nhà tình thương cho hộ nghèo. Nhằm thực hiện đạt kết quả, bảo đảm sự công bằng, dân chủ, tập hợp, huy động được nhiều ngành, đoàn thể, các tổ chức doanh nghiệp, cá nhân tham gia, Khối dân vận xã tổ chức thành lập Ban vận động xây dựng nhà tình thương do đồng chí Chủ tịch UBMTTQVN xã làm trưởng ban với các thành viên là chính quyền, các đoàn thể, Ban Xây dựng của Ban Trị sự Phật giáo Hòa Hảo xã. Ông Đỗ Duy Tiến, Chủ tịch UBMTTQVN xã Thới Thuận, cho biết: “Căn cứ danh sách các hộ nghèo do các ấp gửi đến, Ban vận động đến khảo sát cuộc sống của từng hộ rồi tổ chức họp Tổ Nhân dân tự quản để lấy ý kiến, khi bà con thống nhất thì hộ đó mới được hỗ trợ cất nhà. Những khoản đóng góp của nhân dân, mạnh thường quân cũng được Ban vận động công khai cho người dân được biết”. Việc công khai, dân chủ trong bình xét, sử dụng các khoản phí đóng góp đã làm tăng niềm tin trong nhân dân, trợ giúp đúng đối tượng. Ông Đỗ Duy Tiến bộc bạch: “Có những trường hợp như gia đình của N.T.H., N.V.T, là hộ nghèo nhưng khi đưa ra lấy ý kiến bà con không đồng ý, vì trong gia đình còn thành viên chưa tốt, trộm cắp vặt, chơi số đề... Sau khi bà con góp ý, các cán bộ ấp tiếp tục giáo dục, gia đình đã có chuyển biến nên bà con đồng ý hỗ trợ cất nhà”. Chúng tôi đến thăm gia đình anh Nguyễn Văn Mum ở ấp Thới Thạnh, cảm nhận được niềm vui của anh khi có căn nhà mới. Đã nhiều năm qua, vợ chồng anh che chòi ở tạm trên phần đất của người bà con, hàng ngày vợ chồng đi làm thuê kiếm tiền chỉ đủ chạy cơm 2 bữa cho 4 người con. Cuộc sống gia đình ngày càng khó khăn khi chứng bệnh thần kinh tọa luôn hành hạ khiến anh không thể làm những việc nặng. Anh tâm sự: “Nhờ cha mẹ vợ cho một phần đất, bà con hỗ trợ giúp đỡ mà gia đình tôi cất được căn nhà. Vợ chồng tôi mừng lắm!”. Cùng chung niềm vui đó là gia đình chị Nguyễn Đẹp Như Thơ ở ấp Thới An. Chị Thơ cho biết: “Khi ra riêng, được cha mẹ cho đất cất nhà nhưng 2 vợ chồng tôi chỉ làm thuê kiếm sống, lo miếng cơm hàng ngày đã vất vả thì đâu dám nghĩ đến chuyện cất nhà. Được Nhà nước cất cho căn nhà tình thương, tôi mừng không sao ngủ được. Giờ đây, mỗi khi mưa gió lớn là các con tôi không phải chạy sang nhà bà ngoại trú mưa nữa. Tôi còn được Hội Phụ nữ giới thiệu vay vốn bán chuối nướng, đậu phộng, ấu... mỗi ngày kiếm thêm hơn 40 ngàn đồng. Cuộc sống đỡ vất vả nên năm rồi gia đình tôi trả sổ hộ nghèo”. Anh Nguyễn Cư Gia ở ấp Thới Hòa, nói: “Sau khi được cất nhà tình thương, vợ và con tôi còn được Hội Chữ thập đỏ xã giới thiệu vào làm công nhân cho công ty chế biến cá, mỗi tháng được 1,3 triệu đồng. Có lúc hàng nhiều thì được 1,8 triệu đồng. Cuộc sống đỡ vất vả hơn trước, giờ tôi cố gắng làm ăn để lo cho 3 đứa nhỏ tiếp tục học hành đến nơi đến chốn”.

Từ đầu năm đến nay, toàn xã Thới Thuận đã xây dựng được 48 căn nhà tình thương. Trong đó, có 13 căn do xã vận động nhân dân đóng góp. Theo đồng chí Trương Thị Nhiệm, Đảng ủy viên, Trưởng Khối dân vận xã Thới Thuận, từ nay đến Tết nguyên đán Kỷ Sửu, xã Thới Thuận sẽ cất thêm 13 căn để phấn đấu được công nhận địa phương cơ bản xóa xong nhà tre lá lụp xụp. Đồng chí Nhiệm bộc bạch: “Bài học kinh nghiệm trong công tác vận động quần chúng ở Thới Thuận là tất cả mọi việc phải được công khai, dân chủ. Từ chỗ được biết, được bàn sẽ tạo được niềm tin và bà con sẽ đồng thuận. Làm công tác vận động quần chúng phải tôn trọng và phát huy tinh thần, việc làm xã hội từ thiện, không phân biệt thành phần, tôn giáo, dân tộc, tạo được sự đoàn kết gắn bó để mọi người sống chan hòa, yêu thương, đùm bọc lẫn nhau”...

* * *

Những kinh nghiệm về việc phát huy dân chủ ở Trung Thạnh và Thới Thuận đã huy động sức dân chăm lo cuộc sống nhân dân là bài học tốt, cách làm hay cần được nhân rộng, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, thúc đẩy địa phương ngày càng phát triển.

Bài, ảnh: THANH THY

Chia sẻ bài viết