Theo bà Nguyễn Thị Thúy, Chủ tịch LHPN huyện Cờ Đỏ, tùy đặc điểm, tình hình của từng đơn vị, các cơ sở Hội đã xây dựng, nhân rộng nhiều mô hình cụ thể, thiết thực. Năm 2024, các cấp Hội đăng ký thực hiện 24 mô hình Dân vận khéo trên các lĩnh vực. Ðến nay, tất cả mô hình đã hoàn thành, tiếp tục được nhân rộng và nâng chất. Các mô hình tập trung vào việc vận động, hỗ trợ hội viên, phụ nữ tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình, xây dựng nông thôn mới, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, chăm lo an sinh xã hội.
Mô hình vận động hội viên phụ nữ tham gia đan dây nhựa, gia công móc câu được Hội LHPN xã Thạnh Phú thành lập, duy trì, và nâng chất trong 3 năm qua, góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động nhàn rỗi tại địa phương. Theo chị Hồ Thị Bảo Trân, Phó Chủ tịch Hội LHPN xã, đến nay, tổng số thành viên mô hình lên đến 215 chị, thu nhập từ 2,5-3 triệu đồng/người/tháng. Chị Trần Thị Kiều Oanh ở ấp Thạnh Hòa C, xã Thạnh Phú, trước đây ở nhà nội trợ, chăm sóc con nhỏ, kinh tế gia đình phụ thuộc tiền công làm mướn của chồng. Năm 2022, được cán bộ Hội động viên, hướng dẫn, chị bắt đầu tham gia làm sản phẩm, hiện mỗi tháng có thu nhập khoảng 3 triệu đồng.
Cùng mô hình vận động hội viên phụ nữ tham gia đan dây nhựa, gia công móc câu của Hội LHPN xã Thạnh Phú, còn nhiều mô hình tiêu biểu trên lĩnh vực kinh tế, như: Tổ hợp tác Đan ráp lú của Hội LHPN xã Trung Hưng đang giải quyết việc làm cho 47 chị, thu nhập 3-4 triệu đồng/người/tháng; Tổ hợp tác Đan ráp lú do Hội LHPN xã Trung Thạnh xây dựng, đã thành lập 4 tổ, với 70 thành viên, thu nhập 5-7 triệu đồng/người/tháng; Tổ hợp tác Đan dây nhựa do Hội LHPN xã Thới Hưng xây dựng, nâng chất, hiện đang giải quyết việc làm cho 235 chị, thu nhập 3-4 triệu đồng/người/tháng …
Trên lĩnh vực chăm lo an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới, các cấp Hội LHPN huyện Cờ Đỏ tập trung xây dựng nhiều mô hình hiệu quả. Cụ thể, để góp phần xây dựng xã nông thôn mới, từ năm 2017, Hội LHPN xã Đông Hiệp xây dựng mô hình Vận động hội viên phụ nữ có mặt tại địa phương tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), thực hiện điểm ban đầu tại ấp Đông Thạnh. Từ hiệu quả mô hình, Hội LHPN xã đã nhân rộng tất cả 4 ấp. Hằng năm, các chị thực hiên đạt và vượt chỉ tiêu được giao. Mô hình đã được khen thưởng Dân vận khéo cấp huyện liên tục từ năm 2017-2024. “Năm 2024, Hội LHPN đã vận động 4/4 ấp đạt tỷ lệ 100% hội viên có mặt tại địa phương và thân nhân tham gia BHYT” - chị Trần Thị Tường Vi, Chủ tịch Hội LHPN xã thông tin.
Bà Trần Thị Dành, ở ấp Thới Hữu, trước đây chưa quan tâm về chính sách BHYT. Nhờ sự kiên trì vận động, giải thích của các cán bộ Hội giúp gia đình bà Dành dần hiểu và đồng thuận. Bà Dành bộc bạch: “Ban đầu, tôi chưa tham gia BHYT vì chưa thật sự thấy được lợi ích thiết thực của BHYT mang đến. Nhờ cán bộ Hội tới lui giải thích cặn kẽ, hiện tại, cả nhà tôi gồm 4 thành viên đều tham gia BHYT”.
Mô hình vận động xã hội hóa cất tặng Mái ấm tình thương cho phụ nữ nghèo, khó khăn về nhà của Hội LHPN xã Đông Hiệp cũng được đánh giá cao. Năm 2024, Hội vận động cất 2 Mái ấm tình thương trị giá hơn 115 triệu đồng. Trường hợp chị Trần Thị Nhí, hội viên phụ nữ xã Đông Hiệp, thuộc diện hộ cận nghèo. Gia đình không đất đai sản xuất, vợ chồng chị làm mướn, có 2 con nhỏ đang tuổi đi học. Căn nhà cũ lụp xụp nhưng gia đình chị không có điều kiện sửa chữa. Năm 2024, chị Nhí được Hội LHPN xã vận động hỗ trợ xây dựng Mái ấm tình thương trị giá 65 triệu đồng. Chị Nhí bộc bạch: “Ngoài việc được hỗ trợ cất nhà, cán bộ Hội thường xuyên thăm hỏi, động viên tôi cố gắng làm lụng nuôi con ăn học. Các con tôi được Hội hỗ trợ cặp, tập vở dịp năm học mới”.
Bà Nguyễn Thị Thúy, Chủ tịch LHPN huyện Cờ Đỏ, phấn khởi thông tin: “Qua bình xét cuối năm, tất cả 24 mô hình đều được Ban Dân vận Huyện ủy công nhận là mô hình Dân vận khéo cấp huyện; trong đó, 12 mô hình đạt hiệu quả cao, được UBND huyện tặng giấy khen. Phong trào thi đua Dân vận khéo đã góp phần hoàn thành các nhiệm vụ chính trị ở địa phương. Chúng tôi tiếp tục chỉ đạo, hỗ trợ kịp thời để các mô hình phát huy được hiệu quả trong thời gian tới”.
Bài, ảnh: HẢI THƯ