12/04/2018 - 14:39

Phát hiện bệnh Takayasu hiếm gặp 

(CTO) - Ngày 12-4-2018, bác sĩ Bùi Hùng Việt, Trưởng khoa Sốt xuất huyết (SXH), Bệnh viện (BV) Nhi đồng Cần Thơ cho biết: Lần đầu tiên, BV phát hiện bệnh nhân bị SXH trên nền bệnh Takayasu. Bệnh lý này hiếm gặp, khó chẩn đoán và dễ nhầm lẫn, bỏ sót do các biểu hiện không điển hình. 

Bác sĩ Trần Thị Minh Tuyến tư vấn cho mẹ bệnh nhân. Ảnh: H.Hoa

Bệnh nhân là em L.M.H, 15 tuổi ở xã Thạnh Xuân, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang. H. được BV tuyến dưới chuyển lên với chẩn đoán ban đầu là SXH, dọa sốc, bệnh nhân đang đến kỳ kinh nguyệt. Tại BV Nhi đồng Cần Thơ, bệnh nhân mất mạch, huyết áp khó đo.

Sau khi xử trí chống sốc, các bác sĩ khoa SXH khai thác kỹ tiền sử bệnh, khám toàn thân, cho các xét nghiệm về tim mạch và phát hiện bệnh nhân bị sốt SXH trên nền bệnh Takayasu. Hiện nay, bệnh nhân đã được điều trị khỏi bệnh SXH. BV đang làm thủ tục để chuyển em lên BV Nhi đồng 1, TP Hồ Chí Minh để điều trị bệnh Takayasu.

Bác sĩ Trần Thị Minh Tuyến, trực tiếp điều trị cho bệnh nhân H. cho biết, bệnh Takayasu là bệnh viêm các động mạch có kích thước lớn và vừa gây hẹp, tắc hoặc phình động mạch. Bệnh được bác sĩ nhãn khoa người Nhật Bản tên Takayasu mô tả lần đầu tiên năm 1908.

Nguyên nhân của bệnh chưa được biết rõ, có thể do nhiễm trùng lao, virus, bệnh tự miễn hoặc yếu tố di truyền. Biểu hiện lâm sàng của bệnh có thể chia làm 3 giai đoạn: Giai đoạn đầu tiên triệu chứng lâm sàng không đặc hiệu như: sốt , giảm cân, nhức đầu, mệt, đổ mồ hôi về đêm… Giai đoạn thứ hai là giai đoạn mạch máu bao gồm triệu chứng của hẹp, tắc hay phình độngmạch. Giai đoạn thứ ba là giai đoạn thuyên giảm 1 phần triệu chứng lâm sàng.

Tuy nhiên, các giai đoạn lâm sàng thường chồng chéo lên nhau và khó phân biệt rõ. Nếu không được phát hiện sớm, gây biến chứng tổn thương các mạch máu lớn, gây nên tình trạng phình động mạch chủ, huyết áp cao, suy tim, đột quỵ, nhồi máu cơ tim…

Theo lời mẹ bệnh nhân, đây là lần thứ 4, H. bị SXH. Trong 4 lần bị SXH, có 2 lần bị sốc. Bác sĩ Bùi Hùng Việt khuyến cáo khi bệnh nhân bị SXH, có hiểu hiện sốc, các bác sĩ cần khai thác kỹ bệnh sử, khám kỹ toàn thân, thực hiện các cận lâm sàng để tránh chẩn đoán nhầm. 

H.Hoa

Chia sẻ bài viết