05/07/2019 - 08:46

Pháp hành động trước trào lưu “chống vắc-xin” 

Trước tác động tiêu cực từ phong trào “chống vắc-xin”, tức miễn cưỡng hoặc không tiêm chủng do lo sợ phản ứng của vắc-xin, chính quyền Pháp buộc phải vào cuộc nhằm nâng cao nhận thức và sự tin tưởng của người dân.

Trẻ em Pháp bắt buộc tiêm ngừa đầy đủ nếu muốn đến trường. Ảnh: Independent

Hồi tháng 2, chuyến đi nghỉ dưỡng đến Costa Rica của một gia đình người Pháp nhanh chóng trở thành ác mộng khi đứa con trai 5 tuổi của họ phát bệnh sởi. Được biết, bé trai này chưa từng tiêm vắc-xin phòng bệnh và cha mẹ của bệnh nhi cũng dương tính với virus sởi do không chích ngừa. Đây là ca nhiễm sởi đầu tiên tại Costa Rica kể từ năm 2014, đồng nghĩa gia đình Pháp này đã bị lây nhiễm mầm bệnh trước khi đến đây.

Sởi là căn bệnh có tính lây nhiễm nhanh qua đường hô hấp, thậm chí có khả năng cao trở thành dịch bệnh hơn cả trường hợp mắc bệnh do virus Ebola, lao hay cúm. Virus sởi có thể sống tới 2 giờ trong không gian nơi người nhiễm bệnh ho hoặc hắt hơi và hiện thế giới chưa có thuốc điều trị đặc hiệu mà chủ yếu chỉ điều trị các triệu chứng xảy ra, kết hợp chế độ chăm sóc.

Theo dữ liệu năm 2017, Costa Rica có tỷ lệ tiêm phòng sởi đến 96% trong khi tỷ lệ này ở Pháp đạt trung bình 90%. Để bảo vệ cộng đồng, Giám đốc Dự án niềm tin vắc-xin tại Trường Y học Nhiệt đới và Vệ sinh Luân Đôn (Anh) Heidi Larson cho biết tỷ lệ tiêm vắc-xin sởi cần đạt đến 95% dân số. Trong giai đoạn 2010-2017, ước tính có hơn 500 trẻ sơ sinh tại Pháp không được tiêm liều vắc-xin sởi đầu tiên. Năm ngoái, Pháp là một trong 10 quốc gia có tỷ lệ mắc sởi cao nhất với các ca bệnh tăng từ hơn 500 năm 2017 lên gần 3.000 trường hợp.

Trào lưu đáng lo ngại

Tỷ lệ bao phủ vắc-xin sởi ở một quốc gia phát triển như Pháp chỉ đạt mức trung bình không khiến nhiều chuyên gia ngạc nhiên. Được biết, tỷ lệ người dân Pháp cho rằng các loại vắc-xin nói chung đều không an toàn đang ở mức cao nhất thế giới. Pháp cũng chỉ đứng sau Liberia khi cứ 5 người thì có một tin rằng vắc-xin không hiệu quả.

Sự thiếu tin tưởng này bắt nguồn từ bê bối và cách xử lý của Chính phủ Pháp trước đây đối với hàng loạt mối đe dọa y tế. Sự việc bị nhắc nhiều trong những năm qua là vụ Pháp đặt mua 94 triệu liều vắc-xin cúm H1N1 hồi năm 2009 với chi phí gần 1 tỉ euro. Khi phần lớn vắc-xin đã chuyển giao, người ta mới nhận ra đại dịch này ít nguy hiểm so với dự đoán. Cuối chiến dịch tiêm chủng vào tháng 1-2010, Chính phủ Pháp phải hủy bỏ hoặc tìm cách bán nguồn vắc-xin dư thừa. Quá trình này khiến công chúng giận dữ và sụp đổ niềm tin với chính phủ. Tỷ lệ tiêm chủng giảm xuống ở Pháp còn bị ảnh hưởng bởi xu hướng “anti vaccine” đang lan rộng trên thế giới. Trào lưu này với những câu chuyện đáng sợ và thông tin sai lệch về vắc-xin đặc biệt lan truyền với tốc độ chóng mặt trên các mạng xã hội.

Trước độ tin cậy thấp vào vắc-xin hiện nay, Tiến sĩ Larson cảnh báo việc người dân trì hoãn hoặc bỏ chích ngừa có thể tạo “lỗ hổng” miễn dịch, làm tăng nguy cơ bùng phát các dịch bệnh nguy hiểm. Hồi tháng 3, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã xác định miễn cưỡng hoặc từ chối tiêm vắc-xin là một trong 10 mối đe dọa lớn nhất đối với sức khỏe toàn cầu năm 2019 khi mà người dân ở những quốc gia thu nhập cao với hệ thống y tế phát triển lại đang dễ chết vì các bệnh có thể phòng ngừa.

Lạc quan thận trọng

Trong nỗ lực chống lại ảnh hưởng đang gia tăng của các nhóm bài trừ vắc-xin, hàng loạt cơ quan y tế Pháp bắt đầu phổ cập thông tin trên mạng xã hội như Twitter, Facebook và LinkedIn. Kể từ tháng 1-2018, Pháp ra quy định ngoại trừ trường hợp được miễn trừ y tế, phụ huynh nước này nếu muốn gởi con em theo học ở trường công thì phải cho trẻ tiêm đầy đủ 11 loại vắc-xin. Kể từ khi luật được ban hành, niềm tin vào vắc-xin và tỷ lệ tiêm chủng tại Pháp bắt đầu tăng lên. Theo khảo sát hồi tháng 2-2019, 91% phụ huynh có con nhỏ tin tưởng tiêm chủng là quan trọng đối với sức khỏe và 87% nói rằng tiêm chủng là cần thiết để bảo vệ cộng đồng. Trong đó, tỷ lệ trẻ sơ sinh Pháp được tiêm vắc-xin não mô cầu nhóm C đã tăng từ 39% năm 2017 lên 76% vào năm 2018.

Tiêm phòng bắt buộc là một trong những cách thành công nhất để tăng tỷ lệ tiêm chủng, theo WHO. Không riêng Pháp, các thành viên khác của Liên minh châu Âu (EU) như Ý, Hungary, Bulgaria, Croatia, Cộng hòa Séc, Latvia, Ba Lan, Slovakia và Slovenia hiện cũng ban hành luật buộc trẻ em tiêm chủng đầy đủ.

Tuy nhiên, WHO cùng nhiều quan chức, bác sĩ và giới học giả tỏ ra lạc quan thận trọng trước viễn cảnh tỷ lệ tiêm chủng tiếp tục tăng ở châu Âu nói riêng và thế giới nói chung, đặc biệt ở những quốc gia có môi trường “chính trị hóa” như Pháp.

ĐƯỜNG THẤT (Theo CNN)

Chia sẻ bài viết