15/03/2019 - 20:33

Phân loại rác, bảo vệ môi trường 

Ở phường trung tâm của quận Thốt Nốt nhưng nhiều hộ gia đình còn gặp khó khăn do xe rác chưa tới được chỗ thu gom rác. Các hội viên phụ nữ trong mô hình Phân loại rác tại hộ gia đình chia sẻ nhiều cách xử lý rác thải sinh hoạt đảm bảo vệ sinh, an toàn, góp phần bảo vệ môi trường sống xung quanh.

Cô Phạm Thị Ngọc Hương tận dụng tro đốt từ rác thải hữu cơ để trồng rau xanh. 

Cô Phạm Thị Ngọc Hương, ngụ khu vực Long Thạnh 2, phường Thốt Nốt chỉ tay về phía góc sân, giới thiệu với chúng tôi phần rác hữu cơ đã được cô tận dụng, đem đốt thành tro để dành làm phân bón cho cây. Cô Hương nói rõ quy trình xử lý rác của gia đình: “Rác sinh hoạt hằng ngày tôi chia làm 4 loại. Rác nguy hiểm, độc hại để riêng; các loại rác có thể tái chế tôi gom chung dành bán phế liệu; rác có thành phần ni lông nhưng không tái chế được, tôi đem đốt; rác hữu cơ các loại chờ khô cũng đem đốt. Phần tro rác hữu cơ này tôi để ngoài sân phơi khô, thỉnh thoảng tưới nước để tro bớt mặn, sau đó trộn chung với đất, rơm mục để trồng cây”. Lớn tuổi, cô Hương dành thời gian rảnh trồng trọt, chăm sóc các loại rau trái, hoa kiểng thư giãn. Nhờ nguồn phân từ rác hữu cơ, cô Hương vừa tiết kiệm phân bón cho cây, vừa xử lý rác sinh hoạt hết sức an toàn, hiệu quả. Đặc biệt, thấy cách cô xử lý rác, nhiều hội viên trong xóm cũng làm theo. Cô Hương phấn khởi khoe: “Nhiều hộ cùng xóm cũng ủ phân từ rác hữu cơ, rồi tận dụng phần đất ít ỏi xung quanh nhà, trồng được giàn mướp, bầu... Như vậy, gia đình vừa có rau sạch để ăn, vừa xử lý rác không để ô nhiễm môi trường”.

Chị Trần Ngọc Hạnh, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) phường Thốt Nốt cho biết: “Mô hình Phân loại rác tại hộ gia đình được thành lập năm 2016, nhằm khuyến khích hội viên phụ nữ tham gia bảo vệ môi trường thiết thực nhất. 5 khu vực có 18 hội viên tham gia. Đây là những hội viên có uy tín, có khả năng tuyên truyền, thuyết phục. Theo đó, các thành viên mô hình gương mẫu thực hiện phân loại rác thải, xử lý rác hợp vệ sinh và tuyên truyền, hướng dẫn cách làm, giải thích tác hại của rác đối với môi trường để các hội viên phụ nữ khác trong khu vực cùng tự nguyện thực hiện phân loại rác. Đây là một trong những mô hình góp phần giữ vệ sinh, làm đẹp cảnh quan, môi trường sống, giúp phường giữ vững danh hiệu phường văn minh đô thị”. 3 tháng sinh hoạt một lần, các thành viên mô hình cùng chia sẻ cách làm hay trong xử lý rác thải sinh hoạt, những kiến thức mới về bảo vệ môi trường, thông tin về hiệu quả hoạt động mô hình ở từng khu vực,... Qua đó, các hội viên tiếp tục nâng cao kiến thức, tuyên truyền hiệu quả hơn.

  Cô Nguyễn Thị Gọn thực hiện phân loại rác rất kỹ tại hộ gia đình. 

Cô Nguyễn Thị Gọn ở khu vực Long Thạnh 1, phường Thốt Nốt luôn giữ sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ. Trong đó, cô rất quan tâm xử lý rác thải sinh hoạt đúng cách. Từ trước khi tham gia mô hình, cô đã tự thực hiện phân loại rác thải tại nhà. Mỗi loại rác có 1 giỏ chứa khác nhau, treo ở khu vực riêng bên ngoài hiên nhà bếp. Cô Gọn chia sẻ: “Các thành viên trong nhà đều nhất trí thực hiện phân loại rác đúng cách. Vì xe gom rác chưa đi tới nhà gom rác được, nên cứ mỗi buổi chiều, ông xã tôi tự chở mấy bọc rác đã phân loại kỹ lưỡng ra khu vực thùng rác công cộng để bỏ. Các loại rác là thức ăn thừa, tôi đem cho một hộ tận dụng bổ sung thức ăn chăn nuôi. Tôi thường xuyên quét dọn sạch sẽ ngõ hẻm trước nhà. Ngoài ra, tôi làm Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và vay vốn, có dịp gặp, trò chuyện với hội viên thì tranh thủ động viên, giới thiệu cách xử lý rác của gia đình mình và nêu tác hại của rác thải, nhất là rác ni lông đối với môi trường. Từ đó, ý thức giữ gìn vệ sinh của mọi người cũng được nâng lên”.

Phụ nữ thường là người chủ động quán xuyến bếp núc, sinh hoạt trong gia đình. Vì thế, phụ nữ nắm vững kiến thức phân loại rác, cùng tuyên truyền cho các thành viên trong gia đình và người quen xung quanh làm theo là cách làm hay của Hội LHPN phường Thốt Nốt góp phần thực hiện tốt phong trào “5 không, 3 sạch” và tham gia bảo vệ môi trường.

Bài, ảnh: Mỹ Tú

Chia sẻ bài viết