29/06/2019 - 09:32

Đoàn Luật sư TP Cần Thơ

Phấn đấu xây dựng đội ngũ luật sư chuyên nghiệp và chuyên tâm với nghề 

Trong nhiệm kỳ 2013-2018, số luật sư và các tổ chức hành nghề luật sư trên địa bàn TP Cần Thơ tăng gần 160%, cùng với những bước tiến quan trọng trong hiệu quả hành nghề. Qua đó, góp phần đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, phục vụ nhu cầu dịch vụ pháp lý cho người dân và doanh nghiệp, thúc đẩy lành mạnh hóa môi trường kinh doanh và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Trăn trở từ một cảnh đời bị cáo

Trong phiên tòa xét xử vụ án hiếp dâm người dưới 16 tuổi diễn ra gần đây, mặc dù tội phạm này bị xã hội lên án gay gắt, nhưng với vai trò là người bào chữa cho bị cáo, luật sư Trần Văn Sĩ, Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật, Đoàn Luật sư TP Cần Thơ, đã rất trăn trở khi biết được hoàn cảnh của bị cáo Nguyễn Văn Hiếu sinh năm 1999. Bị cha mẹ bỏ rơi, lớn lên trong môi trường thiếu tình thương của người thân, không được giáo dục tốt nên Hiếu không nhận thức được hành vi của mình. Bị cáo chỉ nghĩ đơn giản là bé gái quen biết có tình cảm và cho rằng việc “yêu đương” là bình thường nên đã có những hành vi vượt quá “giới hạn” của trẻ em.

Đoàn Luật sư TP Cần Thơ tư vấn pháp luật miễn phí tại xã Thới Đông, huyện Cờ Đỏ. Ảnh: CTV

Được phân công tham gia bào chữa theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, luật sư Trần Văn Sĩ cho biết: “Khi nhận tham gia bào chữa và qua tiếp xúc, tìm hiểu về hoàn cảnh gia đình bị cáo, tôi nhận thấy bị cáo vừa đáng trách, vừa đáng thương. Thương cho cảnh đời bị cáo lớn lên trong môi trường thiếu thốn tình thương của cha mẹ, phải tự sớm bươn chải cuộc sống, không hiểu biết về pháp luật. Nhưng đáng trách là bị cáo cũng đã không biết kiềm chế và để dục vọng lấn át, dẫn đến hành vi phạm tội hình sự".

Trong quá trình tiếp xúc, luật sư Sĩ phải phân tích rất nhiều bị cáo mới hiểu ra hành vi của mình là vi phạm pháp luật. Thực tế có nhiều trường hợp bị cáo có hoàn cảnh khó khăn, trình độ học vấn thấp, không có điều kiện tiếp cận pháp luật nên sẽ gặp nhiều hạn chế khi vướng vào vòng tố tụng. Khi có luật sư bào chữa, những “góc khuất”, hay những cảnh đời như thế sẽ được trình bày đầy đủ, thuyết phục, được xem xét thấu đáo để cân nhắc hình phạt hợp lý. Vì vậy, việc bào chữa hoặc tư vấn pháp luật miễn phí cho những đối tượng này là một trong những việc làm hữu ích để giúp họ bảo vệ được quyền và lợi ích chính đáng của mình, góp phần đảm bảo công bằng về quyền được pháp luật bảo vệ của mọi công dân.

Vụ án trên là 1 trong 524 trường hợp luật sư được phân công tham gia bào chữa theo yêu cầu của các cơ quan tiến hành tố tụng, từ giai đoạn điều tra đến truy tố và xét xử, trong nhiệm kỳ qua. Tuy được quy định là nghĩa vụ của luật sư, nhưng nhiều trường hợp luật sư tự nguyện tham gia nhiều “án chỉ định” cũng được ghi nhận là một nghĩa cử cao đẹp, vừa đong đầy chữ "nghĩa" vừa thấm đậm chữ "tình" của nghề luật sư!

Đến hành trình xây dựng đội ngũ luật sư vừa hồng vừa chuyên

Trong 5 năm qua, Đoàn Luật sư thành phố Cần Thơ đã có những bước phát triển nhanh về cả số lượng và chất lượng. Cuối năm 2013, Đoàn Luật sư TP Cần Thơ có 169 luật sư, đến cuối năm 2018 đã tăng lên 270 luật sư thành viên, đứng thứ 4 so với cả nước (sau Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh, TP Hà Nội và tỉnh Đồng Nai). Các tổ chức hành nghề luật sư thuộc Đoàn Luật sư TP Cần Thơ đã nhận thực hiện 6.249 vụ việc, với tổng doanh thu trên 32 tỉ đồng (nhiệm kỳ trước là trên 19 tỉ đồng). Bên cạnh đó, các luật sư còn cung cấp nhiều dịch vụ pháp lý khác ngoài lĩnh vực truyền thống là tham gia tranh tụng, như tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp hay các dịch vụ pháp lý, vừa đa dạng trong các lĩnh vực hành nghề vừa có phạm vi rộng rãi trên nhiều địa bàn trong cả nước. Các luật sư Đoàn Luật sư thành phố Cần Thơ đã tham gia tranh tụng nhiều vụ án có quy mô lớn, thu hút sự quan tâm của công chúng, như: vụ án Vietcombank Tây Đô gây thất thoát 1.800 tỉ đồng; vụ án đại gia thủy sản Tòng Thiên Mã lừa đảo gây thiệt hại hơn 219 tỉ đồng; vụ án lừa đảo hàng trăm tỉ đồng xảy ra tại Công ty TNHH An Khang…    

Tuy nhiên, các tổ chức hành nghề luật sư vẫn còn xảy ra một số vi phạm như: không mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho luật sư; không đăng báo khi thay đổi nội dung Giấy đăng ký hoạt động; hợp đồng dịch vụ pháp lý không ghi nhận đầy đủ các nội dung theo quy định của pháp luật. Luật sư Trần Minh Trị, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Cần Thơ, cho biết: “Đoàn Luật sư thành phố hiện có 270 luật sư thành viên, tương đương với tỷ lệ 1 luật sư/4.800 dân, là tỷ lệ luật sư rất cao so với mặt bằng chung trong cả nước, nhưng thực tế vẫn chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu dịch vụ pháp lý của khách hàng. Thực tế chỉ có khoảng 30-40% luật sư hành nghề chuyên nghiệp, còn lại một số luật sư lớn tuổi không hành nghề, hoặc do thiếu vụ việc, hoặc làm việc toàn thời gian cho các cơ quan, tổ chức kinh tế khác. Điều này cho thấy có một thực trạng là luật sư vẫn còn gặp nhiều khó khăn để theo đuổi đam mê thật sự sống bằng nghề nghiệp của mình. Và đây cũng là một thách thức rất lớn đối với Ban Chủ nhiệm trong nhiệm kỳ mới, trong nhiệm vụ hỗ trợ, bồi dưỡng nâng chất đội ngũ ngày càng chuyên tâm, chuyên nghiệp hơn, để giữ gìn và vun đắp niềm tin và uy tín nghề nghiệp của giới luật sư”.

Thời gian tới, Đoàn Luật sư TP Cần Thơ tiếp tục phấn đấu xây dựng đội ngũ luật sư vừa hồng, vừa chuyên, đủ về số lượng, mạnh về chất lượng, có khả năng đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế. Luật sư Trần Minh Trị cho biết: Đoàn Luật sư thành phố sẽ tập trung kiện toàn các cơ quan chuyên trách, mục tiêu quan trọng nhất là nâng cao hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ luật sư, giám sát hoạt động tập sự và trách nhiệm của luật sư hướng dẫn để phát triển đội ngũ luật sư trẻ năng động và lành nghề. Nhiệm kỳ vừa qua đã tập trung phát triển đội ngũ đạt tỷ lệ khá cao, nên nhiệm vụ đặt ra trong nhiệm kỳ tới là chú trọng hoạt động bồi dưỡng kỹ năng hành nghề chuyên nghiệp và khuyến khích luật sư hoạt động chuyên sâu theo từng lĩnh vực để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng. Với mong muốn đạt được mục tiêu này, Đoàn Luật sư sẽ tổ chức nhiều hoạt động học tập, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn hành nghề, phối hợp với các đơn vị đào tạo tổ chức các hình thức hội thảo, tọa đàm về kiến thức mới, về kỹ năng hiện đại, hay các hình thức thông tin bồi dưỡng nghiệp vụ…; đồng thời, vận động các tổ chức hành nghề tạo điều kiện cho các luật sư thành viên tham gia học tập nâng cao trình độ chuyên môn, tích lũy kinh nghiệm, kỹ năng để luôn tự tin và mạnh mẽ trong hoạt động hành nghề luật sư.

HOÀNG YẾN

Chia sẻ bài viết