(CT)- Ngày 12-9-2018, TAND TP Cần Thơ tiếp tục xét xử vụ án liên quan Công ty Thiên Mã và Ngân hàng VDB Cần Thơ. Bị cáo Phan Bá Tòng, Giám đốc Công ty Thiên Mã; Trần Thị Diễm, Kế toán trưởng Công ty Thiên Mã bị truy tố tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản; các bị cáo: Nguyễn Thị Mai, Lâm Chí Công, Huỳnh Thanh Trúc, là cán bộ Ngân hàng VDB Cần Thơ, bị truy tố tội cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Phan Bá Tòng và Huỳnh Thanh Trúc trả lời thẩm vấn HĐXX. Ảnh: KIỀU CHINH
Buổi sáng, HĐXX tiếp tục phần xét hỏi về các khoản vay, mục đích sử dụng, xác định rõ hơn vai trò từng bị cáo trong quá trình lập khống hồ sơ, xét duyệt vay vốn, đường đi các dòng tiền… Tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát trình bày quan điểm luận tội. Kinh doanh thua lỗ, mất vốn chủ sở hữu, các khoản nợ đến hạn thanh toán mà Công ty Thiên Mã không có khả năng chi trả nên Tòng lợi dụng chính sách ưu đãi về tín dụng xuất khẩu để vay tiền VDB Cần Thơ mục đích kinh doanh mặt hàng thủy sản xuất khẩu. Khi bán được hàng, Tòng không trả nợ cho VDB như cam kết mà trả cho các nơi khác. Đến hạn tất toán, Tòng chỉ đạo Diễm cùng một số nhân viên sử dụng các bộ chứng từ với nội dung không có thật, cung cấp cho ngân hàng để lập hồ sơ đề nghị vay vốn tiếp…, gây thiệt hại trên 120 tỉ đồng cho VDB. Kết quả điều tra cho thấy, Tòng chỉ sử dụng một phần tiền vay mua cá giống, cá nguyên liệu…, còn lại sử dụng sai mục đích.
Viện kiểm sát cho rằng, trong vụ án này, Tòng là người chủ mưu, đề xướng, xúi giục người khác phạm tội, đồng thời, là người duy nhất hưởng lợi nên phải chịu trách nhiệm hình sự cao nhất. Diễm là người làm công, thực hiện theo chỉ đạo của Tòng nên xét giảm một phần trách nhiệm. Các bị cáo Mai, Công, Trúc là những người có nhiệm vụ quyền hạn trong việc thẩm định, xét duyệt, đề xuất cho Công ty Thiên Mã vay. Tuy nhiên, các bị cáo không kiểm tra các điều kiện tín dụng được phê duyệt, không kiểm soát nguồn tiền khách hàng… Khi phát hiện Công ty Thiên Mã sử dụng vốn sai mục đích một số khoản vay nhưng các bị cáo vẫn tiếp tục ký tờ trình đề nghị duyệt giải ngân, dẫn đến việc để Tòng và Diễm chiếm đoạt tiền như trên.
Viện kiểm sát nhận định, hành vi các bị cáo gây nguy hiểm đối với xã hội, xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, xâm phạm quyền sở hữu tài sản Nhà nước được pháp luật bảo vệ, cần phải trừng trị nghiêm để răn đe, phòng ngừa chung. Theo đó, về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đề nghị hình phạt đối với Phan Bá Tòng là 17-18 năm tù, bồi thường số tiền gây thiệt hại; Trần Thị Diễm 7-8 năm tù về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; Nguyễn Thị Mai và Lâm Chí Công, mỗi người 12-13 năm tù; Huỳnh Thanh Trúc 6-7 năm tù.
Trong phần tranh luận, luật sư bào chữa cho Phan Bá Tòng đề nghị chuyển đổi tội danh bị cáo từ lừa đảo chiếm đoạt tài sản sang tội sử dụng trái phép tài sản; luật sư bào chữa cho Diễm đề nghị miễn trách nhiệm hình sự vì bị cáo chỉ thực hiện theo sự phân công, không hưởng lợi, Tòng đã cam kết chịu trách nhiệm sự chỉ đạo của mình; nhóm luật sư bào chữa cho bị cáo Công, Mai đề nghị xem xét lại tính chất, hành vi phạm tội, có những lỗi không cố ý mà chỉ làm theo chỉ đạo…
Ngày 13-9, phiên tòa dự kiến tiếp tục phần tranh luận.
KIỀU CHINH