22/11/2009 - 21:03

Cơ chế chính sách xuất khẩu gạo

Phải là đòn bẩy cho nông dân trồng lúa

Sau những bất cập từ cơ chế, cách điều hành xuất khẩu gạo trong thời gian qua, dự thảo nghị định xuất khẩu gạo được soạn thảo đưa ra góp ý tại các cuộc hội thảo về cơ chế xuất khẩu gạo. Tuy nhiên, nội dung chính dự thảo nghị định xuất khẩu gạo cho rằng gạo là ngành hàng kinh doanh có điều kiện. Doanh nghiệp (DN) tham gia xuất khẩu gạo phải có đủ các điều kiện theo qui định mới để được cấp giấy chứng nhận… đã cho thấy DN vừa và nhỏ sẽ rất khó khăn trong việc tìm chỗ đứng trong việc tham gia thị trường xuất khẩu gạo. Xoay quanh vấn đề này, những người tham gia trong chuỗi sản xuất, mua bán lúa gạo xuất khẩu đã được dịp bày tỏ ý kiến…

* QUÁ TẦM DN VỪA VÀ NHỎ?

Thu mua gạo chế biến xuất khẩu tại Công ty TNHH Gạo Việt (thuộc Công ty cổ phần Gentraco) ở Thốt Nốt, TP Cần Thơ. Ảnh: KHÁNH TRUNG 

Theo một DN tư nhân tham gia xuất khẩu gạo nhiều năm qua tại TP Cần Thơ, dự thảo nghị định mới đưa ra cho rằng, gạo là ngành hàng kinh doanh có điều kiện cần có: nhà máy xay xát công suất 10 tấn/giờ, kho trữ, điều kiện gạo dự trữ trong kho, điều kiện khi ký hợp đồng... chẳng khác nào làm khó để loại bỏ các DN vừa và nhỏ. Ông nhắc lại vào cuối những năm 1998-1999, Bộ Thương mại (cũ trước đây) từng khuyến khích tất cả các DN đều được tham gia xuất khẩu gạo và xuất khẩu có thưởng. Đó là lúc thị trường còn khó, còn nay thấy làm ăn dễ ăn thì... muốn loại DN vừa và nhỏ.

DN này phân tích, trên thực tế sản lượng xuất khẩu gạo nước ta mỗi năm khoảng 5 triệu tấn thì hãy so sánh sự tham gia của 2 DN lớn là Tổng Công ty lương thực miền Bắc và Tổng Công ty Lương thực miền Nam chỉ chiếm khoảng hơn 2,5 triệu tấn. Trong khi đó phần còn lại là những DN khác cùng tham gia xuất khẩu. Như vậy sẽ thật không công bằng nếu chỉ xếp những DN lớn được quyền xuất khẩu, còn các DN vừa và nhỏ mà chủ yếu là các DN tư nhân sẽ trở thành DN chạy hàng cung ứng và theo cung cách “xin-cho”, tái lập tiêu cực bất bình đẳng xảy ra nếu như muốn tham gia làm ăn (!).

Trao đổi với một số cán bộ công tác lâu năm trong các DN lương thực trong vùng, họ thừa nhận một mặt khác nữa đó là trong những năm qua, thị trường lúa gạo ở ĐBSCL đã có sự phân khúc trong phân công lao động và vai trò tham gia từng thành phần vào chuỗi sản xuất, cung ứng, xay xát, chế biến tới xuất khẩu gạo. Đó là một đặc thù riêng ở một vùng sông rạch chằng chịt, sản xuất lúa gạo còn manh mún, nhỏ lẻ khác hẳn với Thái Lan, một nước có bề dày kinh nghiệm trong sản xuất và xuất khẩu lúa gạo. Ngay cả như 2 Tổng Công ty lương thực miền Bắc và Tổng Công ty lương thực miền Nam thực tế cũng không mua lúa trực tiếp từ nông dân và đa số thu mua gạo lứt nguyên liệu về chế biến lau bóng xuất khẩu. Tất nhiên, trong dự thảo nghị định xuất khẩu gạo mới cần đổi mới trong cách quản lý không thể điều hành như cũ. Đó là công khai minh bạch. Tất cả các DN đều có quyền bình đẳng theo cơ chế thị trường trong sản xuất kinh doanh thương mại như nhau và tuân thủ các qui định thực hiện theo kế hoạch xuất khẩu của Chính phủ. DN nào quản lý sản xuất kinh doanh yếu kém, vi phạm qui định sẽ bị phạt, thậm chí bị cấm không được tham gia xuất khẩu gạo.

Vấn đề khê đọng, trầm lắng thị trường lúa gạo như từng xảy ra vừa qua rõ ràng không thể đổ lỗi cho các DN lớn hay các DN nhỏ và là sự tác động từ thị trường xuất khẩu gạo thế giới và cách điều hành xuất khẩu gạo. Từ đó vấn đề giá cả lúa gạo trong vùng lên xuống đều theo điều tiết từ thị trường. Bởi nếu thử hình dung, nếu chỉ một nhóm DN xuất khẩu gạo và không có thành phần DN vừa và nhỏ tham gia thì sự gò ép độc quyền giá có xảy ra hay không? Đó là chưa nói tới sự tồn tại của những DN này từng tham gia thị trường xuất khẩu gạo trong thời gian qua họ đã có những mối quan hệ liên kết gắn kết bạn hàng, mối lái và uy tín với ngân hàng, khách hàng thân quen. Rõ ràng, sự đa dạng trong hoạt động làm ăn mua bán tuân thủ theo pháp luật của các DN cùng tham gia vào một ngành hàng nào đó, sự tồn tại là do khả năng quản trị kinh doanh hiệu quả chứ không nhất thiết buộc phải loại bỏ bằng biện pháp hành chính.

* MỘT MÔ HÌNH THAM KHẢO

Đã có những ý kiến góp ý tại hội thảo được dư luận đồng tình, đó là còn nhiều khoản hở khi chưa đề cập tới việc DN kinh doanh xuất khẩu gạo thực hiện ký kết với vùng nguyên liệu. Từ đó tạo cơ sở bổ sung những khiếm khuyết, tạo động lực cho sản xuất và nâng cao phẩm chất lúa gạo và để chia sẻ lợi nhuận cho nông dân.

TS Nguyễn Ngọc Đệ, Viện Nghiên cứu và Phát triển ĐBSCL (Trường Đại học Cần Thơ), nêu ra một mô hình nông dân liên kết giữa sản xuất-chế biến-tiêu thụ lúa gạo của Công ty cổ phần Nông nghiệp Tam Nông (Đồng Tháp) đang xây dựng. Trong đó, nông dân có cổ phần trong công ty, họ là những công nhân, nhân viên công ty. Như thế mọi thành viên đều có trách nhiệm tới khâu cuối cùng. nông dân bán lúa cho công ty xem như tham gia cổ phần. Công ty có hợp phần tín dụng cho nông dân vay lãi suất thấp để chi xài, đầu tư vật tư nông nghiệp cho vụ sau. Cuối năm, Công ty kết toán chi phí, có lợi nhuận chia cổ tức cho cổ đông theo tỷ lệ đóng góp. Chỉ có như thế nông dân mới là cổ đông công ty và ngược lại nông dân sản xuất theo qui trình công ty đưa ra bảo đảm chất lượng, giá trị hạt gạo được nâng lên thì cổ tức càng cao hơn. Đây là mô hình điểm liên kết 4 nhà của huyện Tam Nông. Theo đó qui mô ban đầu trên 10.000ha bao gồm 2 hợp tác xã nông nghiệp Tân Cường và Phú Cường và sau này sẽ mở rộng trên qui mô toàn huyện. Bên cạnh đó, trong mô hình kêu gọi DN liên kết đầu tư từ xay xát, chế biến, kho trữ, chế biển phụ phẩm từ lúa gạo như trấu, rơm... sản xuất theo mô hình canh tác tổng hợp.

Thực tế tại TP Cần Thơ, Nông trường Cờ Đỏ đang chuyển đổi mô hình quản lý sản xuất kinh doanh theo hình thức DN – Công ty Nông nghiệp Cờ Đỏ. Trong đó, mỗi hộ nông dân trong nông trường là một thành viên, nông trường vẫn duy trì các khâu cung ứng dịch vụ cày ải, bơm tưới, vật tư nông nghiệp. Giống do công ty kiểm soát, cung cấp mỗi vụ 80% diện tích dùng giống Jasmine 85 và VD – 20, còn lại 20% sử dụng giống lúa chất lượng cao khác. Nếu nông dân thiếu vốn có tổ chức tín dụng ghi nợ, cuối vụ thu bằng lúa tính theo theo giá thị trường. Nông dân sau khi làm nghĩa vụ, phần lúa dư ra bán cho nông trường hoặc có thể tạm trữ chờ giá.

Theo Tiến sĩ Đệ, với sự tham gia đầu tư của DN xuất khẩu gạo như trên, hạt gạo Việt Nam sẽ nâng cao giá trị, xóa bỏ dần tình trạng đấu trộn gạo và tiến tới xây dựng thương hiệu gạo ngon, có chỉ dẫn địa lý, có nhãn hàng. Đối với việc DN tham gia xuất khẩu gạo, nếu xây dựng được sự hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị, thực hiện giao hàng đúng hạn, đúng chất lượng thì nên cho phép. Về quản lý Nhà nước nên chú trọng vào 2 vấn đề: chỉ tiêu xuất khẩu gạo hàng năm, sau khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) và Bộ Công thương phối hợp cân đối nhu cầu tiêu dùng trong nước, đảm bảo an ninh lương thực. Phần dự trữ lương thực do Nhà nước đảm trách. Còn phần lúa gạo hàng hóa sau khi cân đối dư ra sẽ lưu thông trên thị trường mở ra cho các DN tham gia xuất khẩu. Vai trò của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) chỉ cung cấp số liệu và tư vấn, Bộ Công thương theo dõi sát thị trường để quyết định giá sàn xuất khẩu để tránh tình trạng tranh mua tranh bán, gây thiệt thòi cho nông dân và làm mất giá hạt gạo nước nhà.

HỮU ĐỨC

Chia sẻ bài viết