10/09/2020 - 08:56

Ông Ngô Anh Tín, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ:

Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp theo hướng hội nhập sâu rộng, hiệu quả 

Qua hơn 2 năm thực hiện Kế hoạch số 175/KH-UBND của UBND TP Cần Thơ về việc “Hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST) TP Cần Thơ đến năm 2020, định hướng đến năm 2025”, các hoạt động truyền thông, đào tạo về khởi nghiệp sáng tạo được Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) TP Cần Thơ tổ chức đồng bộ và đa dạng. Qua đó, nhiều startup của thành phố hình thành tâm thế và văn hóa khởi nghiệp; kết nối được với các thành phần trong hệ sinh thái KNĐMST; từng bước huy động thêm các nguồn lực về chuyên gia, nguồn vốn nhằm đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của thành phố theo hướng hội nhập sâu rộng và có hiệu quả. Về vấn đề này, ông Ngô Anh Tín cho biết:

- Thời gian qua, các chương trình đào tạo, huấn luyện về khởi nghiệp của thành phố tổ chức tiếp cận được khoảng 200.000 cá nhân/nhóm cá nhân và doanh nghiệp trong cả nước; nhận được khoảng 50.000 lượt tương tác tham gia và chia sẻ thông tin của chương trình thông qua các kênh truyền thông có kiểm soát (fanpage, zalo, diễn đàn KNĐMST - http://canthostartup.vn). Điều này cho thấy, nội dung chương trình phù hợp và thật sự cần thiết cho các nhà đầu tư, quản lý, cá nhân/nhóm cá nhân và các doanh nghiệp trong quá trình KNĐMST.

Bên cạnh đó, sự ra đời và đi vào hoạt động của Không gian hỗ trợ KNĐMST - CASTI Hub giúp kết nối các thành phần trong hệ sinh thái KNĐMST của TP Cần Thơ và của TP Cần Thơ với các địa phương khác trong cả nước, khu vực và quốc tế. Từ đó, tạo cơ hội cho các startup, nhà đầu tư, nhà quản lý gặp gỡ, trao đổi và chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và cơ hội đầu tư…

Thời gian qua, Sở KH&CN thành phố đã tập hợp và kết nối với hơn 100 dự án/ý tưởng khởi nghiệp có yếu tố sáng tạo của các cá nhân, nhóm cá nhân và doanh nghiệp với nhiều tiềm năng phát triển thuộc các lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm, công nghệ thông tin, vận tải, du lịch,… Trên địa bàn thành phố cũng hình thành 2 mạng lưới liên kết gồm: Mạng lưới liên kết Hệ sinh thái KNĐMST TP Cần Thơ - CanTho Startup Ecosystem với 9 thành viên; Mạng lưới Vườn ươm ĐBSCL với 7 thành viên. Ngoài ra, TP Cần Thơ cũng là thành viên Mạng lưới Khởi nghiệp ĐBSCL - Mekong Startup Network với 23 thành viên thuộc các tỉnh ĐBSCL.

Nhóm bạn trẻ khởi nghiệp quảng bá sản phẩm tại một sự kiện do Sở KH&CN thành phố tổ chức. Ảnh: MỸ THANH

Nhóm bạn trẻ khởi nghiệp quảng bá sản phẩm tại một sự kiện do Sở KH&CN thành phố tổ chức. Ảnh: MỸ THANH

* Năm 2020, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp khởi nghiệp nói riêng. Xin ông cho biết hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp của thành phố triển khai như thế nào?

- Dưới tác động của dịch COVID-19, hoạt động khởi nghiệp của TP Cần Thơ cũng bị ảnh hưởng. Các hoạt động thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp của thành phố: đào tạo  kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp; quảng bá, xây dựng thương hiệu; thương mại hóa sản phẩm; kết nối nhà đầu tư… bị gián đoạn một khoảng thời gian. Tuy nhiên, sau khi trạng thái "bình thường mới" được thiết lập, thành phố nhanh chóng nối lại các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp.

Đáng chú ý, tháng 6-2020, UBND TP Cần Thơ đã có văn bản về việc tạo điều kiện cho DN hoạt động khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn TP Cần Thơ. Trong đó, UBND thành phố yêu cầu Sở KH&CN làm đầu mối kết nối với các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL, trong nước và quốc tế để hình thành mạng lưới KNĐMST; hỗ trợ thiết thực cho các DN khởi nghiệp sáng tạo. Đồng thời, đề nghị các sở ngành hữu quan, các quận, huyện phối hợp với Sở KH&CN đề xuất các giải pháp hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của thành phố.

Để thúc đẩy và tiếp tục hỗ trợ cho hoạt động khởi nghiệp, trong tháng 8 và 9-2020, Sở KH&CN đã tổ chức tập trung và trực tuyến 2 Chương trình đào tạo Tâm thế KNĐMST. Hoạt động này giúp startup hình thành tư duy thích nghi trong môi trường kinh tế biến động, đồng thời trang bị kỹ năng tạo lập mô hình kinh doanh tinh gọn và linh hoạt, thích ứng với điều kiện thị trường. Lồng ghép với chương trình đào tạo, Sở KH&CN TP Cần Thơ còn tổ chức những buổi chia sẻ kiến thức về hành trình khởi nghiệp với các chủ đề mang tính thời sự và thiết thực với cộng đồng khởi nghiệp và doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) như: "Vượt qua COVID-19 với chiến lược marketing tối ưu và linh hoạt" và  "Tăng tốc chuyển đổi số thích ứng với điều kiện thị trường".

* Đâu là những khó khăn trong việc phát triển hệ sinh thái KNĐMST của thành phố, thưa ông?

- Mặc dù đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, song phải nhìn nhận thực tế là hệ sinh thái KNĐMST của thành phố còn thiếu sự tham gia của các thành phần then chốt: huấn luyện viên khởi nghiệp, nhà đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư mạo hiểm và các tổ chức thúc đẩy kinh doanh. Trên địa bàn thành phố, các hoạt động hỗ trợ KNĐMST được tổ chức khá thường xuyên nhưng thiếu đơn vị dẫn dắt, hoạt động còn riêng lẻ ở từng ngành/lĩnh vực. Cơ sở vật chất cho hoạt động KNĐMST của các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp vẫn chưa đồng bộ, cũng như chưa phát huy tối đa hiệu quả hoạt động do chưa gắn kết và có định hướng phù hợp với hoạt động KNĐMST.

Bên cạnh đó, nguồn nhân lực triển khai các hoạt động hỗ trợ KNĐMST còn mỏng về số lượng, chỉ mới bắt đầu tiếp cận kiến thức, kỹ năng hỗ trợ KNĐMST nên trong công tác triển khai còn hạn chế. Về phía các startup, một số ý tưởng, dự án khởi nghiệp chưa hoàn thiện, còn theo quan điểm cá nhân, chưa hướng đến nhu cầu thị trường. Bên cạnh đó, không ít startup và doanh nghiệp KNĐMST chưa hình thành được tâm thế và văn hóa KNĐMST một cách sâu rộng để đủ bản lĩnh vượt khó và tiến lên trong quá trình khởi nghiệp (văn hóa chấp nhận rủi ro, mạo hiểm và thất bại trong hoạt động khởi nghiệp)…

* Các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp, KNĐMST trên địa bàn thành phố thời gian tới sẽ được triển khai như thế nào, thưa ông?

- Từ nay đến cuối năm, các chương trình hỗ trợ KNĐMST của Sở KH&CN TP Cần Thơ tập trung vào các khóa đào tạo nâng cao năng lực, kỹ năng, kiến thức chuyên môn trong KNĐMST với các thiết kế chương trình gắn với nội dung khởi nghiệp sáng tạo tận dụng tốt cơ hội với môi trường kinh tế thay đổi liên tục. Sắp tới, chúng tôi tiếp tục tổ chức thêm 3 khóa đào tạo: Khóa đào tạo dành cho nhà đầu tư, quản lý (Cantho Investor Bootcamp); Khóa đào tạo dành cho startup (Cantho Startup Bootcamp); Chương trình trải nghiệm gọi vốn (Angel Camp). Ngoài ra, chúng tôi cũng chuẩn bị kế hoạch để triển khai 2 dự án hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trong năm 2021: Dự án "Hỗ trợ các cá nhân, nhóm cá nhân và doanh nghiệp KNĐMST" và Dự án "Hỗ trợ nâng cao năng lực cho các tổ chức hỗ trợ KNĐMST".

Ngoài ra, để hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của thành phố phát triển theo hướng hội nhập sâu rộng và hiệu quả, thành phố tiếp tục tổ chức nhiều hoạt động để kết nối, chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm về KNĐMST. Đây là cơ hội kết nối các cá nhân, nhóm cá nhân và doanh nghiệp KNĐMST với các chủ thể khác (các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, trung tâm ươm tạo, vườn ươm, viện trường, nhà đầu tư, quỹ đầu tư,…) trong hệ sinh thái KNĐMST của TP Cần Thơ và của TP Cần Thơ với các tỉnh, thành trong nước và quốc tế.

* Xin cảm ơn ông!

MỸ THANH (thực hiện)

Chia sẻ bài viết