07/08/2015 - 10:43

OSL – nơi khởi nguồn sáng tạo trang phục dành cho người khuyết tật

Với phương châm quần áo không nên giới hạn đối tượng sử dụng, hai chuyên gia về sức khỏe và công nghệ Grace Teo và Alice Tin đã sáng lập tổ chức phi lợi nhuận Open Style Lab (OSL) trực thuộc Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ) nhằm tạo ra những trang phục hỗ trợ tối đa cuộc sống thường ngày của người khuyết tật.

Theo Tiến sĩ Teo, quần áo dành cho người khuyết tật, dù là sản phẩm tốt nhất, tích hợp công nghệ tối ưu nhưng nếu không có tính thẩm mỹ thì người ta cũng không muốn mặc. Để thay đổi điều này, Tiến sĩ Teo và Thạc sĩ Tin vào năm 2014 đã triển khai chương trình giáo dục hè OSL dành cho các sinh viên chuyên ngành kỹ thuật, thiết kế và liệu pháp nghề nghiệp.

Trong chương trình hè năm thứ hai (kéo dài 10 tuần) đang diễn ra, các sinh viên của OSL được yêu cầu sáng tạo những trang phục theo tiêu chí vừa mang tính thẩm mỹ vừa có chức năng hỗ trợ những người khiếm khuyết về thể chất hoặc tâm thần. Theo đó, 24 sinh viên được tuyển chọn được chia thành 3 nhóm, mỗi nhóm phụ trách một khách hàng khuyết tật. Trong những tuần đầu tiên, các nhóm được tiếp xúc với khách hàng để xác định những khó khăn của họ trong chuyện mặc quần áo. Tiếp theo, các sinh viên tập trung thiết kế và tạo mẫu trang phục dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia cố vấn.

 

 

Từ trên xuống: Cô Horton với mẫu áo MagnaReady, áo khoác RAYN và giày Flyease.  

Một trong những khách hàng của chương trình OSL là chồng của cô Maura Horton – một nhà thiết kế chuyên nghiệp cũng đang tham gia OSL. Mặc dù chuyên thiết kế quần áo trẻ em nhưng cô Horton bắt đầu chú ý đến lĩnh vực thiết kế trang phục dành cho người khuyết tật sau khi chồng cô mắc hội chứng liệt rung (Parkinson) và không thể tự mặc quần áo được. Trong hoàn cảnh đó, Horton đã thiết kế ra MagnaReady – loại áo dành cho người cao tuổi hoặc có vấn đề về cử động, sử dụng nam châm thay cho hàng nút áo thông thường. Một ưu điểm của MagnaReady là áo được thiết kế trang nhã không khác gì trang phục bày bán trong các cửa hàng. Kể từ khi ra mắt năm 2013, MagnaReady đã phục vụ khoảng 15.000 khách hàng với mức giá từ 64,95 USD/chiếc (thích hợp cho cả nam lẫn nữ).

Một trường hợp khác là Ryan DeRoche – cựu vận động viên xe đạp bị chấn thương tủy sống dẫn đến liệt tứ chi và buộc phải ngồi xe lăn. Theo thông tin trên trang web của OSL, quá trình tái tạo dây thần kinh khiến DeRoche đặc biệt trở nên nhạy cảm với tác nhân kích thích dù rất nhỏ, ngay cả những giọt mưa rớt xuống da cũng khiến anh đau đớn. Để hỗ trợ cho DeRoche và những bệnh nhân thường sử dụng xe lăn, một nhóm sinh viên OSL đã tạo ra áo khoác RAYN, vừa bảo vệ người dùng khỏi bị ướt vừa giúp họ mặc vào hoặc tháo ra dễ dàng. Nhìn bề ngoài, RAYN được thiết kế giống các loại áo khoác có mũ thông thường nhưng vô cùng tiện dụng với vạt trước không thấm nước được gắn nam châm. Khi mở ra, phần vạt có thể bao trùm cả phần đùi giúp người dùng không bị ướt mưa và khi không sử dụng, họ có thể gấp lại như túi của áo khoác.

Kể từ khi thành lập cho đến nay, OSL đã đào tạo hơn 60 sinh viên, nhiều người trong số họ đã đầu quân cho các công ty nổi tiếng, chẳng hạn như hãng trang phục thể thao Nike, gần đây ra mắt mẫu giày Flyease dành cho người khuyết tật, giúp họ mang giày dễ dàng chỉ với một tay.

ĐƯỜNG THẤT (Theo CNN)

Chia sẻ bài viết