Cách đây ba năm, ông Nguyễn Văn Đầy (Sáu Đầy) ở ấp Tân Hạnh, xã Đại Phúc, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh vận động 21 nhà vườn góp khoảng 200 công xoài Châu Nghệ thành lập Hợp tác xã (HTX) cây ăn trái Hạnh Phúc. Ngày 24-8 vừa qua, trên cơ sở xã viên HTX cây ăn trái và vận động thêm, ông Sáu Đầy chính thức khai trương HTX Nông nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp Hạnh Phúc. Người thương binh, chủ nhiệm HTX này đang dốc bầu nhiệt huyết xây dựng mô hình làm ăn kiểu mới với mong muốn làm sao cho nông dân Tân Hạnh sớm được đổi đời...
Nghĩa tình với quê hương
Năm 1994, đang là Phó Chủ tịch UBND thị xã Trà Vinh, ông Sáu Đầy xin nghỉ việc do mất sức lao động với tỷ lệ thương tật 81%. Ông nói: “Lúc đó, vừa biết quy định của Nhà nước không cho sử dụng lao động có tỷ lệ thương tật cao nên tôi xin nghỉ việc, trở về quê khai phá 10 công đất nằm cặp sông của ông bà để lại”. Cũng chính trên miếng đất này, hồi năm 1971 trong một trận giặc càn, ông Sáu Đầy đã mất gần nửa cánh tay và hư một con mắt để bảo vệ căn cứ Ban Tuyên huấn Thị ủy.
Với ý chí “tàn mà không phế”, ông Sáu Đầy bắt tay ngay vào cải tạo đất để lập vườn trồng xoài Châu Nghệ. Năm này qua năm khác, ông lầm lũi chăm chút mảnh vườn. Thời gian đầu về đây, ông ngại gặp chòm xóm, bà con cũng e dè với ông. Nhiều người tưởng ông thuộc dạng biến chất bị buộc nghỉ việc. Có người đã xuống tới thị xã hỏi cho ra lẽ... Cán bộ Thị ủy cười ngất: “Ổng là thương binh nặng xin nghỉ nhưng nhiều người không cho. Cuối cùng, phải họp lấy ý kiến nên ổng mới được nghỉ đó mấy ông, mấy bà ơi!”.
Khi vườn xoài Châu Nghệ của ông Sáu Đầy cho trái chiếng cũng là lúc nhiều bà con chòm xóm quý mến ông hơn. Bởi lẽ, ông không ngại khó, không giấu nghề mà luôn sẵn lòng trao đổi với họ cách chọn giống, cách làm vườn. Từ chỗ sống khép kín, dần dà tình làng nghĩa xóm giữa ông và bà con nơi đây ngày càng khắng khít hơn.
Đến nay, nhiều người ở Tân Hạnh vẫn nhớ câu chuyện hồi còn xã cũ Đại Phước. Lần đó, nhà ông Sáu Đầy có khách đến chơi bất ngờ, là ông Lê Văn Hiệp (người thầy, người bạn hồi kháng chiến đã nghỉ mất sức), cùng đi với mấy người nữa. Qua ông Hiệp, ông Sáu Đầy biết được chuyện ấp có sẵn miếng đất trị giá chỉ có vài triệu đồng của huyện cho, nên không cất được trụ sở. Ông liền hỏi cặn kẽ tiền nong, công cất như thế nào. Vậy là ông Sáu Đầy đi tìm những người đương chức từng gắn bó với nơi đây, xin được gần 10 triệu đồng, cộng với ấp phát động dân đóng góp thêm. Kết quả ngoài mong đợi: được gần 50 triệu đồng để xây dựng trụ sở ấp. Người dân ở đây hãnh diện vì có trụ sở ấp khang trang.
Niềm vui chưa lâu thì đùng một cái tách xã, tách ấp. Trụ sở ấp thuộc về ấp Tân Phúc. Bấy giờ, ấp mới tách ra không đất, không tiền làm sao xây dựng trụ sở? Thế là, ông Sáu Đầy đến thuyết phục hộ bà Dương Thị Ràng hiến đất. Là anh cô cậu, không biết ông nói sao mà bà Ràng cùng chồng đồng ý hiến gần 500 mét vuông đất, vừa cất trụ sở ấp vừa cất điểm trường mẫu giáo. Một lần nữa, ông lại cùng ấp đi vận động tiền, được gần 50 triệu đồng, xây dựng trụ sở ấp “bề thế” và san mặt bằng để cất trường học.
Bây giờ ấp, xã mời ông hội họp liên tục. Ông Sáu cho biết: “Năm rồi, tôi xin cho khuyến học được 4 - 5 triệu đồng. Năm nay, mấy ông địa phương dự tính cất mới hai phòng học trên nền cũ, chiết tính mấy trăm triệu đồng, nhờ tôi đi xin. Số tiền lớn quá tôi không dám hứa!”. Người dân ở đây bảo nhau: “Nói vậy chớ ông Sáu không làm ngơ đâu!”.
Cái tình ông chủ nhiệm
 |
Xe chỉ tơ xơ dừa ở HTX Nông nghiệp - TTCN Hạnh Phúc. |
Mặc dù HTX Cây ăn trái Hạnh Phúc tạo điều kiện thuận lợi cho xã viên trong sản xuất nhưng hiệu quả kinh tế vẫn chưa cao, nên ông Sáu Đầy quyết tâm tìm hướng mở mới.
Sau khi tham quan, học hỏi kinh nghiệm và nhờ bạn bè tư vấn, giúp đỡ, ông liền triệu tập xã viên để chuyển hướng mở thêm ngành hàng tiểu thủ công nghiệp: lấy xơ dừa làm nguyên liệu sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu. Có người trề môi: “Nghề này lượm bạc cắc!”. Nhiều người đồng tình: “Anh Sáu ơi! Mỗi ngày có thêm 10.000 đồng là tụi em mừng rồi!”. Thế là bộ khung HTX đi học nghề, tìm nơi tài trợ, đầu tư máy móc, quan hệ nơi mua nguyên liệu, bán thành phẩm. Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh cho mượn tiền mua 25 máy xe chỉ tơ xơ dừa; Trung tâm Khuyến công tài trợ chi phí học nghề, nguyên liệu thực hành. HTX mua thêm một máy xe chỉ tim đèn. HTX Nông nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp Hạnh Phúc ra đời.
Ông Sáu Đầy trầm tư: “Đúng là vạn sự khởi đầu nan. HTX mua hơn 500 kg nguyên liệu thì đã mất 20% do không được khô và chưa sạch mùn. Nguyên liệu bên Bến Tre rất chất lượng nhưng giá cao hơn, lại tốn phí chuyên chở... Rồi còn chuyện thương lái bỏ lén nguyên liệu, lúc hút hàng lại tranh mua thành phẩm...”. Có vô số chuyện trong quản lý sản xuất kinh doanh của HTX mới mà ông Sáu Đầy cùng ban quản lý đang tính toán sao cho làm ăn có hiệu quả, nâng cao đời sống xã viên.
Được biết, ngôi nhà tình nghĩa và khuôn viên đất ở của ông Sáu Đầy đều cho HTX mượn làm trụ sở, nhà kho, nơi sản xuất. Đôi chân ông luôn di chuyển và tấm lòng ông luôn rộng mở. Ông nhận hết tình cảm của bao người đem về giúp cho nhân dân Tân Hạnh ổn định và vươn lên. Ông cũng biết trước có không ít khó khăn tiếp tục bày ra, vẫn còn một ít người dao động. Trong khi đó, tuổi tác đang đè nặng, vết thương chiến tranh thỉnh thoảng hành hạ ông và bộ khung HTX thích nghi chưa nhiều với thị trường hiện nay là vật cản cho làng nghề ven sông vươn tới no ấm.
Ông Sáu Đầy luôn có tâm niệm: phải vững tay chèo đưa HTX Hạnh Phúc đi lên đúng như cái tên của nó, đem lại lợi ích cho người dân đang còn khó khăn và cũng là lợi ích cho xã hội. Mặc dù còn lắm bộn bề khó khăn nhưng ông Sáu Đầy rất tự tin: “Tôi cũng ổn định cuộc sống từ nghèo khó nên tôi rất trăn trở với những khó khăn của bà con nghèo. Tôi tin bà con ấp Tân Hạnh có thủy có chung dù sống trong cơ chế thị trường. Nếu mọi người đồng tâm, gắn bó nhau để lập làng nghề thì chắc rằng tương lai sẽ đổi khác”.
HOÀI NHI