17/04/2011 - 11:05

Ông Phạm Ngọc Tiến, Chánh văn phòng Ủy ban Quốc gia Vì sự tiến bộ của phụ nữ, Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới, Bộ Lao động -thương binh và xã hội:
Các nữ ứng cử viên hãy tự tin khẳng định mình

 

Ủy ban Quốc gia Vì sự tiến bộ của Phụ nữ vừa tổ chức khóa tập huấn nữ ứng cử viên đại biểu HĐND cấp tỉnh cho các nữ ứng viên của TP Cần Thơ và tỉnh Bạc Liêu. Dịp này, phóng viên Báo Cần Thơ đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Ngọc Tiến, Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia Vì sự tiến bộ của Phụ nữ, Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới, Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội, về những nỗ lực để nâng cao tỷ lệ đại biểu nữ tham gia vào Quốc hội, HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016. Ông Phạm Ngọc Tiến cho biết:

Trong xã hội Việt Nam hiện nay, phụ nữ ngày càng đóng vai trò quan trọng trong mọi lĩnh vực đời sống kinh tế- xã hội, cũng như trong gia đình. Chị em phụ nữ ngày càng chủ động hơn trong công việc gia đình cũng như xã hội. Nhiều phụ nữ đã khẳng định rõ khả năng, trí tuệ, bản lĩnh, sự năng động sáng tạo của mình trên các lĩnh vực. Trên lĩnh vực chính trị, phụ nữ cũng ngày càng tham gia nhiều vào cấp lãnh đạo, quản lý, từ Trung ương đến cơ sở. Kể từ ngày thành lập nước đến nay, tỷ lệ phụ nữ tham gia ứng cử và trúng cử vào đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp đã từng bước được cải thiện, tăng nhiều so với thời gian đầu. Tuy nhiên, với tỷ lệ 25,7% nữ là đại biểu Quốc hội khóa XII và đại biểu HĐND là 22,3% thì vẫn còn rất khiêm tốn so với tỷ lệ phụ nữ trong lĩnh vực lao động (xấp xỉ 50%), cũng như tỷ lệ phụ nữ so với tỷ lệ nam giới trong xã hội (trên 50%).

* Thời gian qua, Đảng, Quốc hội, Nhà nước và Chính phủ luôn quan tâm đến việc giới thiệu đại biểu nữ tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp, nhưng trên thực tế tỷ lệ nữ tham gia vào Quốc hội và HĐND còn thấp. Theo ông nguyên nhân là vì sao?

- Theo tôi, có rất nhiều nguyên nhân. Trước hết là ở nhận thức về vai trò, vị trí của phụ nữ trong xã hội. Nhiều người vẫn còn định kiến về giới, nhất là trong đại bộ phận cử tri và một số ít cán bộ lãnh đạo. Do vậy, việc nâng tỷ lệ đại biểu nữ tham gia vào Quốc hội và HĐND các cấp, cũng như bầu phụ nữ vào các cấp lãnh đạo nói chung, các cơ quan dân cử nói riêng, còn nhiều khó khăn. Chính vì những định kiến này mà công tác quy hoạch bồi dưỡng cán bộ của chúng ta còn hạn chế. Chúng ta chưa có một chiến lược bồi dưỡng lâu dài cho phụ nữ, mà thường chỉ đến những kỳ bầu cử Quốc hội và HĐND, hay chuẩn bị tiến hành đại hội Đảng các cấp mới “đốt đuốc đi tìm”. Bên cạnh đó, có những quy định về tuổi tác khiến phụ nữ bị hạn chế trong việc tham gia vào các cơ quan chuyên trách; một số đại biểu nữ chưa tự tin khi tham gia vào chính trường... Tôi nghĩ cần phải có một đề án tổng thể để bồi dưỡng cán bộ nữ lâu dài.

* Trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 sắp tới, Đảng, Quốc hội, Nhà nước và Chính phủ tiếp tục có chủ trương gì về việc tăng số lượng nữ đại biểu tham gia vào Quốc hội và HĐND các cấp, thưa ông?

- Nghị quyết Bộ Chính trị về “Công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, “Chiến lược quốc gia về Bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020” cũng đã đưa ra chỉ tiêu phấn đấu tỷ lệ đại biểu nữ tham gia Quốc hội và HĐND các cấp từ 30% trở lên. Chính phủ cũng đã triển khai chủ trương này rất quyết liệt bằng Quyết định 215 về việc bảo đảm tỷ lệ chung đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp đạt 30% trở lên. Tỷ lệ này được nhiều người đánh giá là một chỉ tiêu khá “tham vọng”. Bởi kết quả từ đại hội Đảng các cấp vừa qua cho thấy tỷ lệ nữ tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng chỉ chiếm 9%, và tỷ lệ này trong Ban Chấp hành Đảng bộ các tỉnh, thành xấp xỉ 11%. Do vậy, để đạt được tỷ lệ nữ như chỉ tiêu đề ra, đòi hỏi phải có sự phấn đấu quyết liệt của cả hệ thống chính trị và cả ở chính bản thân của người phụ nữ.

* Theo ông, các cấp lãnh đạo các cơ quan, ban ngành, đoàn thể cần phải làm gì để phụ nữ ngày càng tham gia nhiều hơn vào các cơ quan quyền lực nhà nước từ Trung ương đến địa phương?

- Tôi nghĩ rằng, trước hết cần phải thay đổi nhận thức về vị trí và vai trò của người phụ nữ trong xã hội, xóa bỏ định kiến về giới. Thứ hai là cần phải có sự đầu tư nguồn lực cụ thể, bởi có nhiều chị em phụ nữ rất giỏi trong lĩnh vực chuyên môn, nhưng khi giao tiếp, tiếp xúc cử tri,... lại thiếu những kỹ năng cần thiết. Các cấp chính quyền cần tổ chức những lớp tập huấn nhằm nâng cao khả năng, kỹ năng cho chị em tiếp xúc cử tri, khi vận động tranh cử. Ở cấp huyện, xã cũng cần phải có những lớp tập huấn như vậy, vì có đại biểu cấp xã, cấp huyện thì mới có đại biểu cấp tỉnh...

* Theo ông, bản thân phụ nữ nói chung và các nữ ứng cử viên nói riêng, cần phải làm gì để được tham gia ngày càng nhiều hơn vào các cơ quan công quyền?

- Chúng tôi nghĩ rằng, chị em phụ nữ trước hết là những người có năng lực, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, nhưng cũng cần phấn đấu rèn luyện nhiều hơn về các kỹ năng cần thiết, như là kỹ năng giao tiếp, xây dựng chương trình hành động... Đặc biệt là các đại biểu tham gia vào Quốc hội và HĐND các cấp cần phải có những kiến thức pháp luật về lập pháp, để khi Quốc hội, HĐND đưa ra các quyết sách thì chị em có khả năng tham gia đóng góp, xây dựng. Chị em phụ nữ cũng cần có bản lĩnh vững vàng, phải biết tạo dựng hình ảnh cho bản thân, nâng cao vị thế của giới mình.

* Nhân cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp sắp tới, ông có nhắn nhủ gì cho cử tri cả nước nói chung, cử tri TP Cần Thơ nói riêng?

- “Hãy ủng hộ những phụ nữ ưu tú tham gia vào Quốc hội khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016” - Đó là thông điệp của Ủy ban quốc gia về Bình đẳng giới và cũng là thông điệp của bản thân tôi muốn gởi đến cử tri cả nước... Chúc các nữ ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 sẽ luôn giữ được sự tự tin trong kỳ bầu cử sắp tới.

* Xin cảm ơn ông!

THÁI AN ( thực hiện)

Chia sẻ bài viết