28/03/2008 - 22:19

Ông "mụ cá"

Năm nay ông đã 72 tuổi. Sức khỏe suy giảm sau cơn tai biến hồi cuối năm 2005, nhưng niềm đam mê của ông với nghề sản xuất cá bống tượng giống vẫn vẹn nguyên như thuở ông “bén duyên” với loại cá này hồi thập niên 1990. Ông là Nguyễn Văn Tiếu, nhưng bà con miệt Bình Đức- Mỹ Tho (Tiền Giang) quen gọi là ông Tám “bống tượng” hoặc ông “mụ cá”.

1. Từ Khu Công nghiệp Trung An - Mỹ Tho, chạy thẳng tỉnh lộ 864 hướng đi Vĩnh Kim (Châu Thành, Tiền Giang) đến cổng 1 Đồng Tâm, quẹo trái vô con đường lộ đất đỏ mịt mù bụi khoảng 400 mét là đến nhà ông Tám Tiếu (Nguyễn Văn Tiếu). Lời chỉ dẫn của một bạn đồng nghiệp ở Tiền Giang ngắn gọn như thế, nhưng chỉ mất hơn nửa tiếng tôi đã tìm được nhà ông “mụ cá” nổi tiếng với nghề “ép” cá bống tượng giống. Cái nghề mà thiên hạ từng xưng tụng ông là “Vua cá bống tượng”.

Ngôi nhà của ông nằm ẩn giữa màu xanh của vườn cây ăn trái, bình thường như bao ngôi nhà tường khác ở thôn quê. Chỉ có khác biệt là trên diện tích 8.000m2 đất cơ man nào cá. Từng dãy hồ cá xi măng nằm trải dài với những tấm lưới che phía trên. Chị Minh Tuyền, con gái ông Tám Tiếu, vừa dẫn tôi đi tham quan trại cá, vừa thuyết minh: “Ngày xưa cơ sở của gia đình nhỏ xíu à. Ba mẹ bỏ công sức gầy dựng giờ mới được như vậy đó”. Cơ ngơi mà vợ chồng ông Tám Tiếu đổ bao mồ hôi gầy dựng không chỉ là trại cá giống bống tượng 8.000m2 mà hiện nay còn hai điểm nuôi, ươm cá giống khác với tổng diện tích trên 30.000m2. Mỗi năm, cơ sở của ông Tám Tiếu cung ứng cho người nuôi trong và ngoài nước khoảng 1 triệu con giống bống tượng với doanh thu trên dưới 1 tỉ đồng. Trong đó, số lượng con giống bán cho khách hàng Trung Quốc, Đài Loan chiếm từ 500.000 - 600.000 con. Điều đặc biệt là ở trại cá giống ông Tám Tiếu giá bán cá giống bống tượng từ đầu mùa cho đến cuối mùa đều giữ nguyên mức 1.000 đồng/con (loại 3cm - 4cm) và 1.500 đồng/con (loại 4cm - 5cm). “Làm ăn phải có uy tín. Một là một, hai là hai thì bà con mới tin tưởng cơ sở mình chứ” - ông Tám Tiếu bộc bạch.

Ông Tám Tiếu với chú cá bống tượng. 

Hơn 10 năm nay, dù là người đầu tiên trong cả nước ươm thành công cá bống tượng giống, nhưng ông Tám Tiếu không nuôi cá thịt mà chỉ cung ứng cá giống. Bà con đến mua cá giống khi gặp khó khăn về kỹ thuật đều được ông tận tình chỉ vẽ cặn kẽ từ cách chăm sóc, mật độ thả nuôi đến các bệnh thường gặp... Có những người ở Cà Mau, Bạc Liêu, An Giang... nghe tiếng ông Tám Tiếu đã tìm đến để mua giống cá bống tượng về nuôi và chỉ tin tưởng cá giống do cơ sở ông Tám Tiếu cung cấp. Anh Nguyễn Phước Hựu, nhà ở ấp Khánh Thuận, xã Khánh Hòa, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang. Năm 2004, anh Hựu nuôi cá tra bè bị lỗ, nghe thông tin về cá bống tượng giá cả ổn định, có đầu ra nên chẳng ngại đường sá tìm đến nhà ông Tám Tiếu mua con giống về nuôi, dù thời điểm đó đã có không ít cơ sở cũng cung ứng con giống bống tượng (nhiều người trong số họ từng mua con giống và học kỹ thuật từ cơ sở của ông Tám Tiếu).

Khi tôi đến thăm ông Tám Tiếu, ở trại có một anh chàng đến từ Hàn Quốc, anh Oh Woon Hak - chủ một doanh nghiệp ở Chung Nam. Oh Woon Hak, cho biết anh ở Việt Nam nửa tháng, mới đến trại cá của ông Tám Tiếu được hai ngày. Hak tâm sự: “ Tôi đầu tư vào trang trại cá ở Campuchia đã mấy năm nay. Nhưng kinh nghiệm chẳng có bao nhiêu. Nghe bạn bè giới thiệu nên nhiều lần lui tới nhà ông Tám tham quan”. Tới lui nhiều lần, phải mất khoảng thời gian khá lâu anh mới tạo được sự tin tưởng của gia đình Tám Tiếu và gia đình chấp nhận để Hak ở lại trại khoảng 10 ngày để tìm hiểu kỹ càng hơn về quy trình sản xuất giống, kỹ thuật chăm sóc cá bống tượng... Chị Minh Tuyền, cho biết: Trường hợp của Hak không cá biệt bởi hằng năm, rất nhiều người từ Trung Quốc, Đài Loan hoặc Singapore ghé qua cơ sở để tìm hiểu về con cá bống tượng...

2. Trước khi gắn bó với nghề nuôi cá rồi ép cá
giống, ông Tám Tiếu công tác ở Thành ủy
TP Mỹ Tho. “Hồi đầu những năm 1980, khi nghỉ việc Nhà nước, nhìn cảnh nhà kinh tế còn khó khăn mà phát rầu. Vậy là phải chạy khắp nơi lo kế sinh nhai” - ông Tám Tiếu nhớ lại.

Ông không ngần ngại cho biết gia đình ông từng là một trong số những hộ nghèo nhất vùng này. Thời ấy, ông và vợ cùng bầy con khai phá đất hoang trồng cây ăn trái, nuôi heo, nuôi cá... Ban đầu nuôi cá phi, cá chép, mè trắng, tai tượng. Sau ông chuyển sang tự ép cá giống để nuôi, còn dư bán cho bà con trong xóm. Năm 1993, vợ chồng ông Tám Tiếu đã gầy dựng được cơ ngơi kha khá, lúc này ông nghe thông tin về triển vọng của con cá bống tượng. Nhưng ngặt nỗi là cá bống tượng xưa nay chủ yếu khai thác từ tự nhiên, chưa ai sản xuất con giống để bán. Vậy là Tám Tiếu phải quyết tâm sản xuất bằng được giống cá này. Nhiều người nghe tin Tám Tiếu đang ép cá bống tượng đẻ để làm giống cho rằng ông này làm chuyện hổng giống ai. Nhưng ông Tám Tiếu lại suy nghĩ khác: “Hổng ai làm, mình làm được thì giá trị mới cao. Không thử thì làm sao biết mình không làm được”.

Hàng chục cặp cá bống tượng bố mẹ hoang dã được ông Tám Tiếu lùng mua và bắt đầu thuần dưỡng, sau đó bắt đầu đặt ổ, lấy trứng, ép cá... tất cả đều diễn ra tốt đẹp. Ông Tám Tiếu mừng húm nghĩ thầm “phen này cầm chắc thành công”. Nhưng chỉ hơn một tuần sau, cá con chết sạch không còn một con. Liên tiếp hàng loạt mẻ cá sau này, cá con đều chết y hệt mẻ cá đầu tiên... ông Tám Tiếu nản lòng, buông xuôi, dẹp đồ nghề, nhưng trong lòng vẫn đau đáu: “Không lẽ mình đầu hàng. Mà sao cá lại chết trong khi trước vài ngày nó vẫn sống”. Ông suy nghĩ hết mấy đêm liền để tìm tòi và trong những đêm trắng ấy ông phát hiện ra một bí mật: Cá bống tượng chuyên ăn về đêm. Điều này tưởng chừng rất bình thường, đơn giản, nhưng suýt chút nữa nếu không nhờ sự kiên trì của Tám Tiếu thì bí mật này không thể nào được “bật mí”. Bí quyết cá bống tượng ăn đêm đưa ông Tám Tiếu đến thành công của nghề nuôi cá bống tượng.

Thời điểm năm 1998, có lúc cơ sở của ông Tám Tiếu cung ứng ra thị trường trên 2 triệu con giống cá bống tượng. Hiện nay, có nhiều cơ sở khác cũng cung cấp giống cá bống tượng, nhưng hằng năm cơ sở của ông vẫn xuất trên dưới 1 triệu con giống. Ở ĐBSCL, chỉ duy nhất cơ sở Tám Tiếu lúc nào cũng đủ cá bạch tượng phát tài với số lượng khoảng 100.000 con/năm để cung ứng ra thị trường.

*

* *

Giờ đây sức khỏe ông suy giảm sau lần bị tai biến, nên mọi công việc ở trại cá đều do cô con gái thứ tư Minh Tuyền đảm trách. Nhưng ông không thể thiếu bởi ông như ông cố vấn. Mọi việc giao dịch làm ăn, điều hành đã có con cái lo. Ông có thể an hưởng tuổi già, nhưng mỗi ngày không ra thăm lũ cá bống tượng là ông không an tâm. Ông nói: “Trong đời tôi, thất bại duy nhất là không cho con cái ăn học tới nơi tới chốn. Cũng bởi hồi đó gia cảnh nghèo quá. Nghĩ lại giờ tôi thấy đấy là điều thất bại”. Nhưng ít ai biết, những người con của ông giờ đều được ông truyền cho niềm đam mê với nghề cá và giờ đây, họ đang nối tiếp cái “duyên” với nghề cá mà ông đã truyền lại: kinh doanh cá kiểng và sản xuất cá giống bống tượng, bạch tượng và tai tượng nổi tiếng một vùng.


Chia sẻ bài viết