07/03/2012 - 21:29

Ông Liêm "lúa giống"

Thời gian qua, rất nhiều nông hộ trên địa bàn TP Cần Thơ đã chọn hướng từ sản xuất lúa hàng hóa sang làm lúa giống và nhiều hộ vươn lên khá giàu nhờ mô hình này. Điển hình như ông Trần Thanh Liêm, ngụ khu vực Lân Thạnh 2, phường Trung Kiên, quận Thốt Nốt.

Ông Trần Thanh Liêm sản xuất lúa giống đạt hiệu quả kinh tế cao. 

Hơn 10 năm kinh nghiệm sản xuất lúa giống chất lượng cao, ông Liêm được nhiều người trong khu vực biết đến bởi tính cần cù, chịu khó và sẵn sàng giúp đỡ kỹ thuật cho nông dân trồng lúa. Năm 1985, với 5.200 m2 đất trồng lúa được gia đình cho, ông Liêm cùng vợ miệt mài lao động qua nhiều mùa vụ, nhưng cuộc sống gia đình vẫn khó. Năm 2000, được Hội Nông dân xã Trung Kiên (nay là phường Trung Kiên) kết nạp vào Hội Nông dân, ông được tham quan và dự các lớp IPM (quản lý dịch hại tổng hợp), hội thảo chuyển giao khoa học kỹ thuật về lúa giống. Từ những hội thảo chuyên đề, hội thảo đầu bờ và được chuyển giao những kỹ thuật trồng lúa, chọn giống, ông Liêm đã mạnh dạn thử nghiệm sản xuất lúa giống trên diện tích 2ha đất lúa mà gia đình ông đã tích góp sau nhiều năm bám đồng ruộng.

Ông Liêm nói: “Ban đầu sản xuất lúa giống gặp rất nhiều trục trặc. Lúa giống làm ra không đạt chuẩn chất lượng, năng suất thấp, bán không ai mua, hiệu quả kinh tế không cao”... Nhưng dù thất bại ông Liêm vẫn không nản lòng, tiếp tục nghiên cứu, thử nghiệm nhiều lần sau đó. Mãi đến năm 2004, lúa giống của ông sản xuất mới được ngành chức năng đánh giá đạt chuẩn và bán ra thị trường. Qua nhiều vụ sản xuất lúa giống, ông Liêm đã tích lũy được một số vốn và mua thêm đất để mở rộng mô hình, nâng tổng diện tích đất trồng lúa của gia đình lên 9ha. Ngoài ra, ông còn đầu tư mua 1 máy sàn tách hạt (trên 100 triệu đồng) phục vụ thêm cho khâu sản xuất lúa giống.

Không dừng lại ở qui mô nông hộ, ông Liêm cùng một số hộ dân trong khu vực Lân Thạnh 2 liên kết sản xuất và được quận hỗ trợ thành lập Tổ sản xuất lúa giống (năm 2007) chuyên cung cấp giống nguyên chủng và xác nhận. Tổ này được Trạm Khuyến nông quận tập huấn kỹ thuật làm giống, hướng dẫn cách cấy lúa 1 tép, sạ hàng, sạ thưa, áp dụng “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”... ứng dụng vào đồng ruộng. Theo ông Liêm, cấy lúa 1 tép, sạ hàng, sạ thưa sẽ giảm được 80-100 kg giống/ha và dễ phòng ngừa sâu bệnh so với sạ lan. Việc áp dụng “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm” đã giúp ông và nhiều nông dân giảm chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giảm giá thành sản xuất và tăng năng suất. Năm 2011, ông Liêm làm 3 vụ lúa/năm (trước đó chỉ 2 vụ/năm) trên diện tích 9ha, tổng sản lượng giống thu hoạch đạt 153 tấn, giá bán bình quân 10.000 đồng/kg, thu được 1,5 tỉ đồng, trừ các chi phí, ông còn lợi nhuận trên 850 triệu đồng. Để đảm bảo chất lượng giống lúa, ông Liêm đã xây kho chứa lúa tại nhà. Trung bình hằng năm, ông cung cấp ra thị trường trên 70 tấn lúa giống các loại như: OM4218, Jasmine 85...

Đánh giá về mô hình sản xuất lúa giống của ông Liêm, ông Nguyễn Hoàng Nam, Phó Chủ tịch Hội Nông dân phường Trung Kiên, cho biết: “Các vụ lúa trong năm, ông Liêm bán lúa giống thiếu không tính lãi cho khoảng 40 hộ nông dân trong và ngoài khu vực Lân Thạnh 2. Sau thu hoạch lúa, bà con mới trả tiền giống. Ông còn hỗ trợ bà con về kỹ thuật sản xuất để đạt năng suất cao; đóng góp tiền vào các công trình phúc lợi xã hội như xây dựng cầu đường, xây nhà tình thương và ủng hộ quỹ hỗ trợ nông dân khoảng 5 triệu đồng/năm”. Nhờ sản xuất lúa giống có hiệu quả, ông Liêm tạo thêm việc làm cho trên 100 lao động qua các vụ lúa. Bà Lê Thị Kim Yến, Khu vực Lân Thạnh 2, phường Trung Kiên, quận Thốt Nốt, chia sẻ: “Gia đình tôi kinh tế khó khăn, mấy năm nay nhờ anh Liêm bán lúa giống thiếu không lấy lãi, đã giúp gia đình giảm bớt gánh nặng khi vào vụ”. Với tinh thần không ngừng học hỏi, niềm đam mê gắn bó với đồng ruộng, ông Liêm là một tấm gương nông dân vượt khó, vươn lên khá giàu.

Bài, ảnh: TUYẾT NHUNG

Chia sẻ bài viết