03/08/2020 - 05:59

Ổn định cuộc sống với nghề sản xuất bàn, ghế đá mài 

Đã gần 4 giờ chiều, không khí lao động ở cơ sở làm ghế đá mài Hảo tọa lạc ven quốc lộ 91, thuộc khu vực 12, phường Châu Văn Liêm, quận Ô Môn càng gấp rút hơn để kịp hoàn thành đủ số lượng giao cho khách. Chị Dương Thị Bích Phượng, chủ cơ sở, liên tục nhận những cuộc gọi từ khách hàng, các đầu mối cung cấp nguyên vật liệu và dịch vụ in, cắt chữ decal. Làm nghề hơn 6 năm nay, cơ sở của vợ chồng chị Phượng đang giúp tạo việc làm và thu nhập cho nhiều lao động là dân tộc Khmer trong xóm.

Chị Phượng đang làm công đoạn dán decal, chuẩn bị sơn chữ cho ghế đá mài theo yêu cầu của khách hàng.

Tạm nghỉ tay để chăm sóc đứa con 3 tháng tuổi đang đòi mẹ, chị Phượng cho biết: “Nghề này trước đây của người cô ruột để lại cho em chồng làm nhưng em chồng chỉ đeo nghề được một thời gian ngắn đã không kham nổi nên chuyển nghề. Nhờ có làm công cho em trai, chồng tôi nắm được kỹ thuật và quy trình làm ghế đá nên mạnh dạn nhận đồ nghề, thử sức gầy dựng cơ sở cho riêng mình”. Cũng kể từ đó, anh chị luôn tay luôn chân vất vả cả ngày với cát, đá, xi măng, sắt thép và những màu sơn. Bù lại, nỗ lực của anh chị dần được đền đáp.

Lúc mới vào nghề anh chị chỉ có 3 bộ khuôn, mỗi ngày đổ được 5-6 bộ bàn ghế. Đến nay, anh chị đã có thể tự làm khuôn phục vụ cho cơ sở, mỗi ngày đổ được 15-20 bộ bàn ghế. Trung bình, mỗi chiếc ghế có giá khoảng 260.000-270.000 đồng và 750.000 đồng/bộ bàn ghế. Hiện nay, anh chị đã xây sửa nhà mài hoàn chỉnh, không còn cảnh bụi bay mù mịt mỗi khi mài bàn, ghế. Với chị Phượng, đây là thành quả mà trước khi làm nghề này, vợ chồng chị chưa bao giờ có được. Đầu năm 2020, chị Bích Phượng được hội đoàn thể địa phương bình xét, hỗ trợ nâng hạn mức vốn vay Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) từ 25 triệu đồng lên 50 triệu đồng, làm vốn đầu tư nguyên vật liệu cho cơ sở. Luôn đảm bảo chất lượng, sản phẩm bền, đẹp, giá cả phải chăng, có dịch vụ vận chuyển giao tận nơi nên cơ sở nhận được rất nhiều đơn đặt hàng ở khắp các quận, huyện lân cận như: Ninh Kiều, Bình Thủy, Ô Môn, Cờ Đỏ, Thới Lai. Đặc biệt là vào dịp cận Tết, công việc luôn tăng gấp đôi so với ngày thường. Nhiều ngày, cơ sở phải làm xuyên đêm mới kịp sản xuất đủ giao cho khách. Qua đó, không chỉ giúp nâng cao thu nhập cho gia đình chị Phượng mà còn tạo việc làm cho 6 lao động trong xóm. Trong đó, tùy công đoạn phụ trách, mức độ nặng nhọc, mỗi lao động được trả công từ 150.000-200.000 đồng/ngày. Với kết quả này, chị Phượng được xem là một trong những nữ thành viên người dân tộc Khmer của Tổ Tiết kiệm và Vay vốn NHCSXH khu vực 12, phường Châu Văn Liêm sử dụng và phát huy hiệu quả nguồn vốn vay.

Anh Lý Long Ẩn, là người dân tộc Khmer đã đến làm thuê cho vợ chồng chị Phượng được vài tháng nay. Theo anh, công việc vừa sức lại gần nhà, môi trường làm việc thân thiện, vui vẻ và có thu nhập phù hợp là những gì anh có được khi làm ở cơ sở này. Còn chị Lý Thị Kim Hà cũng là người dân tộc Khmer, đã làm ở cơ sở được 3 năm nay. Chị cho biết, trước đây chị phụ giúp ông xã làm nghề mộc. Từ khi ông xã chị qua đời, chị mới đến cơ sở làm thuê. Hằng ngày chị phụ trách các công đoạn đổ khuôn, quét xi măng trắng sau khi những chiếc bàn, ghế thô đã được lấy ra khỏi khuôn và sơn chữ lên sản phẩm. Tiền công nhật hằng ngày đủ để chị tự lo chi tiêu cá nhân và thỉnh thoảng còn có thể mua quà bánh cho các cháu. Nhờ vậy, cuộc sống của chị cũng vui hơn.

Tuy nhiên, để làm được chiếc ghế đá mài láng mịn, bóng đẹp và bền chắc thật sự không đơn giản chút nào. Trung bình, những chiếc ghế, bàn đá mài cần 3-4 ngày mới hoàn thiện, với khoảng 5 công đoạn chính. Người thợ phải nắm thật vững kỹ thuật của từng công đoạn sao cho sau khi đổ khuôn, sản phẩm thô được lấy ra dễ dàng, bề mặt bóng, đẹp; mối ráp các bộ phận của từng chiếc bàn, ghế có độ kết dính tốt và không bị nứt vỡ sau khi phơi khô; mặt đá mài láng mịn và có sức bền, sức chống chịu mưa nắng tốt, sơn chữ đậm, sắc nét và bền màu. Chị Phượng cho biết: “Hồi mới làm, chúng tôi cũng từng đổ hư 2-3 cái ghế vì chưa biết cách, khiến sản phẩm thô sau khi khô bị dính chặt vào khuôn, không lấy ra được. Ngoài ra, cơ sở cũng gặp rủi ro khi mua nhầm xi măng không tốt, độ kết dính không cao khiến sản phẩm thô dễ bể khi lấy ra khỏi khuôn”.

Nhìn đôi bàn tay chai sần và lấm lem màu sơn, chị Bích Phượng chia sẻ: “Quan sát tưởng dễ làm, nhưng thực tế kỹ thuật đổ khuôn, trộn màu rất kỳ công. Chưa kể, nhiều công đoạn nặng nhọc nên không ít lao động đến làm thuê cho cơ sở chưa được bao lâu là nghỉ, tìm việc làm khác đỡ vất vả hơn”. Chồng chị Phượng vui vẻ tiếp lời: “Ai muốn học nghề cứ đến đây, tôi dạy nhiệt tình. Biết nghề là một chuyện, đeo nghề được hay không lại là chuyện khác. Có nhiều người thử làm vài ngày đã chạy vì không quen tiếp xúc với xi măng”. Tuy vất vả nhưng mến nghề, vợ chồng chị Phượng càng thêm quyết tâm phát triển cơ sở. Chị Phượng bày tỏ hy vọng có thể được địa phương và NHCSXH xét cho nâng hạn mức vay vốn để đầu tư thêm mái che. Vì hiện nay, điều kiện sản xuất của cơ sở vẫn còn phụ thuộc vào thời tiết. Những hôm trời mưa, các công đoạn đổ khuôn, ráp bàn, ghế, sơn chữ bắt buộc phải tạm dừng, ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất.

Bài, ảnh: MỸ TÚ

Chia sẻ bài viết