28/02/2018 - 22:02

Ở nơi “giành giật” sự sống... 

Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc, Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ chỉ có 20 giường bệnh nhưng được trang bị đến mười mấy máy thở. Không như các khoa bệnh nhi khác thường om sòm tiếng trẻ khóc, khoa này yên ắng lạ thường, chỉ có tiếng thiết bị y tế tích tắc chạy đều. Bác sĩ, điều dưỡng luôn trong tình trạng trực chiến bởi chỉ một phút lơ là phải trả giá bằng chính sinh mạng của bệnh nhi.

Các bác sĩ, điều dưỡng theo dõi liên tục tình trạng sức khỏe của một bệnh nhi.

Bệnh nhi của Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc đều là bệnh nặng, nhiều bệnh khác nhau, thở máy, đặt nội khí quản, không nói được, kêu được... bệnh có thể diễn biến bất thường nên các bác sĩ, điều dưỡng phải quan sát bệnh nhân liên tục để phát hiện và xử lý kịp thời. Trên giường bệnh, những bệnh nhi nằm im, xung quanh đầy dây, máy. Có những ca đang diễn tiến, xung quanh giường đầy bác sĩ, điều dưỡng dõi theo. Khu vực hành lang bên ngoài, đa số thân nhân bệnh nhi đều mang gương mặt mệt mỏi, lo lắng, có người đôi mắt sưng bụp vì khóc. Thỉnh thoảng có bệnh nhi được lên trại (tức là chuyển về các khoa), người nhà mừng rỡ trào nước mắt vì con cháu mình đã qua cơn nguy kịch. Bác sĩ Huỳnh Việt Trang, Quyền Trưởng Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc, cho biết tất cả những bệnh nhi nặng ở bệnh viện đều nằm ở đây nên áp lực với thầy thuốc rất lớn - vừa liên tục theo dõi, điều trị vừa lo làm công tác tâm lý với người nhà chuẩn bị cho tình huống xấu nhất.

Ám ảnh nhất với các bác sĩ ở Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc là khi tư vấn cho thân nhân bệnh nhi. Sau khi nghe giải thích về bệnh trạng của bệnh nhi, thân nhân bệnh nhi thường hỏi với hy vọng le lói: “Vậy là bé không sao phải không bác sĩ?”. Các bác sĩ phải nén tiếng thở dài để trả lời: “Chúng tôi sẽ làm hết sức mình!”.

Nói đến Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc, nhiều người nghĩ ngay đến bác sĩ Hà Anh Tuấn, người gắn bó với Khoa suốt 34 năm và có trên 30 năm đảm nhận “ghế nóng” trưởng khoa. Việc ban đêm hội chẩn, chạy vào bệnh viện... là chuyện thường. Bác sĩ Hà Anh Tuấn kể: “Lúc tôi được điều về Khoa, y học chưa phát triển như bây giờ, thuốc, máy móc đều thiếu. Tối đầu tiên trực hồi sức tích cực, 8 bé không qua khỏi. Dù có 3 năm kinh nghiệm phục vụ ở chiến trường và điều trị ở các khoa khác nhưng tôi bị sốc tâm lý nặng, lên gặp giám đốc trình bày xin về khoa khác. Lãnh đạo nghe xong, động viên tôi cố gắng...”. Với những nỗ lực không ngừng, bác sĩ Tuấn gắn bó với Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc đến khi về hưu.

Trọng trách này hiện nay giao lại cho bác sĩ Huỳnh Việt Trang. Bác sĩ Huỳnh Việt Trang kể: “Chúng tôi gọi thân mật bác sĩ Hà Anh Tuấn là thầy. Thầy luôn là người gánh vác tất cả những khó khăn, thách thức... Thầy tận tâm với công việc, không giấu nghề, luôn suy nghĩ, sáng tạo để việc chữa trị cho bệnh nhân đạt hiệu quả cao nhất.  Dưới sự “chỉ huy” của thầy, Khoa xây dựng đội ngũ làm việc chuyên nghiệp, thống nhất trong cách điều trị, tư vấn, giao tiếp với bệnh nhân. Trong đó, chú trọng cách ăn mặc, giao tiếp đúng chuẩn mực; môi trường làm việc đoàn kết, yêu thương nhau. Chính vì thế, dù làm cực nhưng khi được điều đi khoa khác, nhiều bác sĩ vẫn xin ở lại”.

Công việc ở Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc đòi hỏi các bác sĩ phải luôn học tập nâng cao chuyên môn, liên tục cập nhật kiến thức mới, tích lũy kinh nghiệm... Các bác sĩ ở Khoa thay phiên nhau đi học ở TP Hồ Chí Minh; người đi học về, hướng dẫn cho người ở nhà... Bác sĩ Huỳnh Việt Trang kể: “Những kiến thức mới được cập nhật, áp dụng kịp thời. Chẳng hạn, nhờ nhanh chóng áp dụng Albumin trong điều trị sốt xuất huyết theo khuyến cáo của Bệnh viện Nhi đồng 1 mà cứu sống bệnh nhi sốt xuất huyết độ 4, sốc nhiều lần”. Trong năm 2017, dù bệnh nặng nhiều và tăng cao hơn các năm nhưng không có trường hợp trẻ tử vong vì bệnh sốt xuất huyết tại Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ.

Điều đáng quý ở các thầy thuốc Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc còn là tấm lòng sẻ chia với những khó khăn của gia đình bệnh nhi. Nhiều trường hợp bệnh nhi nghèo, không có bảo hiểm y tế,... lãnh đạo Khoa báo cáo Ban Giám đốc bệnh viện, xin nợ viện phí. Những trường hợp đưa sang các bệnh viện khác thực hiện các cận lâm sàng như CT Scan hoặc bệnh nhi không có sữa uống, Khoa  vận động mạnh thường quân, cán bộ, nhân viên trong bệnh viện... để giúp bệnh nhi.

***

Cánh cửa Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc khép lại. Bên ngoài là cuộc sống đầy sôi động; còn phía sau cánh cửa ấy, các thầy thuốc vẫn đang nỗ lực từng giây từng phút giành lấy sự sống cho bệnh nhi bằng tất cả tấm lòng và y đức.l

H.HOA

Chia sẻ bài viết