02/04/2024 - 08:15

Ô nhiễm do khí thải giao thông đẩy nhanh quá trình khởi phát bệnh Alzheimer 

Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ, các chất ô nhiễm không khí tạo ra bởi hoạt động giao thông là một trong những tác nhân lớn nhất khiến chất lượng không khí giảm sút và gây hại sức khỏe. Mới đây, nghiên cứu của Đại học Emory chỉ ra rằng tiếp xúc với loại không khí ô nhiễm này thúc đẩy quá trình khởi phát chứng sa sút trí tuệ ở người lớn tuổi (bệnh Alzheimer).

Bụi mịn PM2.5 từ khí thải giao thông làm tổn thương não và có thể dẫn tới bệnh Alzheimer.

CDC cho biết việc tiếp xúc với không khí bị ô nhiễm do khí thải từ các phương tiện giao thông đã được chứng minh là nguyên nhân gây ra một số vấn đề sức khỏe về tim và hô hấp, làm suy giảm chức năng phổi và cả nguy cơ tử vong sớm. Những chất ô nhiễm do các phương tiện giao thông thải ra gồm có benzen, formaldehyde, acetaldehyde, carbon monoxide (CO) và carbon dioxide (CO2) và các hạt vật chất lớn nhỏ khác. Nghiên cứu của Đại học Emory tập trung vào vật chất dạng bụi mịn có đường kính nhỏ hơn hoặc bằng 2,5 micromet, gọi là PM2.5 (hạt bụi có kích thước nhỏ hơn khoảng 30 lần so với sợi tóc). Vì quá nhỏ nên các hạt PM2.5 dễ bị hít vào cơ thể và trở thành nguyên nhân chính gây ra nhiều vấn đề sức khỏe.

Trong nghiên cứu mới, các nhà khoa học Mỹ suy đoán rằng việc tiếp xúc với PM2.5 có thể đẩy nhanh quá trình viêm não dẫn đến sự tăng tốc các con đường thần kinh liên quan đến bệnh Alzheimer. Những thay đổi này trong não biểu hiện mắc bệnh Alzheimer - cũng như các dạng mất trí nhớ khác - đã được khoa học xác nhận, bao gồm sự tích tụ các mảng bám protein (thường là tau và beta-amyloid) và các đám rối sợi thần kinh độc hại đối với các tế bào thần kinh trong não. Họ còn giả định rằng việc tiếp xúc với PM2.5 cũng sẽ gây ra những thay đổi trong quá trình methyl hóa ADN.

Để làm rõ những điều này, nhóm nghiên cứu đã kiểm tra mức độ tiếp xúc với PM2.5 và methyl hóa ADN ảnh hưởng ra sao đến việc tạo ra các mảng bám và đám rối trong não. Cụ thể, họ đã đo các mảng bám và đám rối ở vỏ não trước trán từ các mẫu mô não, được hiến tặng cho ngân hàng não tại Trung tâm Nghiên cứu bệnh Alzheimer Emory Goizueta. Các chuyên gia cũng thu thập dữ liệu về nồng độ PM2.5 trong khí thải giao thông, được đo hằng năm trong khu vực sinh sống của người hiến tặng mô não, để ước tính mức độ phơi nhiễm PM2.5 của họ vào thời điểm 1, 3 và 5 năm trước khi qua đời.

Nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng PM2.5 có liên quan đáng kể với methyl hóa ADN ở một số gien dẫn đến tình trạng viêm trong não và do đó cũng liên quan đến các mảng và đám rối đặc trưng ở bệnh Alzheimer. Họ kết luận rằng methyl hóa ADN là yếu tố trung gian giữa việc tiếp xúc với khí thải giao thông và sự hình thành các mảng và đám rối làm tổn hại chức năng não ở bệnh Alzheimer. Đây là nghiên cứu đầu tiên được tiến hành trên mô não người xác nhận mối liên hệ nói trên.

Triển vọng vaccine phòng ngừa bệnh Alzheimer

Trong tương lai, hàng triệu người có thể thoát khỏi nỗi lo phải sống chung với bệnh Alzheimer nhờ sự ra đời của vaccine phòng ngừa căn bệnh tàn phá trí nhớ này. Theo báo Anh Express, các nghiên cứu về vaccine Alzheimer đang được thực hiện tại 5 trung tâm trên khắp xứ sương mù, cũng như nhiều trung tâm nghiên cứu khác ở châu Âu và Mỹ.

Mới đây, các nhà nghiên cứu Anh và Mỹ cho biết họ đang thử nghiệm một loại vaccine mới đối với khoảng 140 người có biểu hiện của bệnh Alzheimer giai đoạn đầu. Vaccine này chứa loại thuốc có tên ACI-24, kích thích hệ miễn dịch của cơ thể nhắm vào các prôtêin amyloid độc hại và loại bỏ chúng khỏi não. Liệu trình điều trị gồm 5 mũi tiêm trong vòng 1 năm.

Theo các nhà khoa học, nếu thử nghiệm lâm sàng thành công, vaccine ngăn ngừa bệnh Alzheimer có thể được dùng rộng rãi trong vòng 5 năm tới, giúp các thế hệ tương lai thoát khỏi nỗi đau khi bị bệnh Alzheimer hoặc khi chứng kiến những người thân yêu suy giảm sức khỏe vì căn bệnh này.

AN NHIÊN (Theo Psychology Today, Express)

    

Chia sẻ bài viết