08/12/2023 - 07:37

Nuôi dưỡng ý tưởng khởi nghiệp 

Các hoạt động học thuật góp phần “ươm mầm” nhiều ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo, thế nhưng không phải ý tưởng nào cũng dễ dàng “biến” thành dự án khởi nghiệp. Nhiều startup cho rằng, học sinh, sinh viên cần được tổ chức đoàn thể, xã hội hỗ trợ về kỹ năng khởi nghiệp, được tư vấn góp ý để biến ý tưởng thành mô hình, dự án khởi nghiệp khả thi trong thực tế.

Các đại biểu tham quan mô hình “Farmbot” của sinh viên Trường Ðại học Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ tại triển lãm “Sản phẩm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” do Hội Sinh viên TP Cần Thơ tổ chức vào cuối tháng 10-2023.

Tại diễn đàn “Thanh niên với biến đổi khí hậu và chuyển đổi số”, do Ðoàn khối Cơ quan Dân Chính Ðảng TP Cần Thơ tổ chức vào tháng 11-2023, gian trưng bày sản phẩm sáng tạo của Ngô Lữ An Kiên, sinh viên ngành Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa, Trường Ðại học Cần Thơ, thu hút nhiều bạn trẻ tham quan, tìm hiểu bởi tính ứng dụng cao trong cuộc sống. Theo Kiên, dự án “Hệ thống cảnh báo ngập lụt cho cộng đồng” được cậu và bạn bè nghiên cứu, dưới sự hướng dẫn của giảng viên. Nhóm đã thiết kế thiết bị giám sát mực nước và ứng dụng (App) theo dõi mực nước trên điện thoại thông minh, nhằm cung cấp thông tin cảnh báo rủi ro ngập lụt kịp thời, góp phần nâng cao khả năng chống chịu cho cộng đồng, nhất là vào thời điểm triều cường dâng cao. Kiên chia sẻ: “Thiết bị đang được thử nghiệm, nhưng nhóm được tổ chức Ðoàn - Hội quan tâm hỗ trợ giới thiệu, trưng bày tại các sự kiện, ngày hội sáng tạo. Nhờ vậy, chúng em được các chuyên gia tư vấn, góp ý để thiết bị ngày càng hoàn thiện để áp dụng vào thực tế cuộc sống”.  

Ðoàn Hoàng Khang, sinh viên ngành Tự động hóa (Trường Ðại học Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ) và một người bạn cùng thực hiện đồ án tốt nghiệp với mô hình “Farmbot”. Mô hình ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số. Theo đó, hệ thống được điều khiển từ xa (qua điện thoại thông minh) để tưới nước, bón phân vườn cây. “Farmbot” có gắn camera nhận diện khu vực có cây xanh để tưới nước hoặc bón phân; đồng thời, hiển thị các thông tin về độ ẩm, nhiệt độ để người dùng tham khảo, có kế hoạch sản xuất phù hợp. Khang chia sẻ: “Tuy là đồ án tốt nghiệp, nhưng em mong được hỗ trợ hoàn thiện thiết bị để có thể thương mại hóa”.

Theo anh Phạm Chí Tín, cựu sinh viên ngành Công nghệ hóa học (Trường Ðại học Cần Thơ) - một startup lĩnh vực chế biến thực phẩm, sản phẩm khởi nghiệp của anh là sữa bí đỏ cũng xuất phát từ đề tài nghiên cứu trong quá trình học tập. Sau khi tốt nghiệp, anh được các chuyên gia, thầy cô hỗ trợ nghiên cứu và “ra lò” một số loại nước uống làm từ bắp, hạt sen, bí đỏ được khách hàng ủng hộ. Theo anh Tín, các ý tưởng khởi nghiệp cần được chuyên gia, tổ chức xã hội định hướng, hỗ trợ phát triển thành sản phẩm cụ thể. Tuy nhiên, để sản phẩm được đưa vào ứng dụng thực tế, các bạn trẻ cần rất nhiều thời gian học hỏi kiến thức, kinh nghiệm cũng như các hỗ trợ thực tiễn để nâng cấp, hoàn thiện và tạo ra sản phẩm thực sự cho người dùng.

Trong các hoạt động học thuật, có hàng trăm ý tưởng sáng tạo của thanh thiếu niên, có thể phát triển thành sản phẩm khởi nghiệp. Ðơn cử như cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng TP Cần Thơ 2023, thu hút 553 hồ sơ dự thi. Trong đó, có 39 đề tài, sản phẩm vào vòng chung kết và được đánh giá có tính khả thi cao. Tiêu biểu như các sản phẩm bảo vệ môi trường, chăm sóc sức khỏe, như “Sử dụng lá sen để làm tranh”, “Hospital Bed”. Hay như sản phẩm “Kẹo trị ho dược liệu thiên nhiên”. Ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND thành phố, lưu ý, các cấp, các ngành và tổ chức Ðoàn tăng cường kết nối các đề tài, mô hình đạt giải với các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp trong và ngoài thành phố để đưa sản phẩm vào thị trường; không ngừng đổi mới và nâng cao chất lượng cuộc thi gắn với hoạt động “ươm mầm” tư duy sáng tạo để phát triển các sản phẩm, mô hình tiềm năng phục vụ sản xuất và đời sống.

Theo anh Lâm Văn Tân, Phó Bí thư Thành đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên TP Cần Thơ, các cấp bộ Ðoàn - Hội tiếp tục thúc đẩy các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong đoàn viên, sinh viên. Cụ thể, tạo cơ hội để bạn trẻ giao lưu gặp gỡ doanh nhân, thực tập hoặc kiến tập tại doanh nghiệp nhằm trao đổi kiến thức, tiếp cận khoa học công nghệ; đồng thời, tăng cường các chương trình đào tạo kỹ năng và nâng cao năng lực khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho bạn trẻ. Giáo dục kỹ năng khởi nghiệp cho thanh niên là cần thiết, song bản thân người trẻ cần tự học, tự trau dồi kiến thức, nỗ lực và kiên trì trong hành trình khởi nghiệp.

Bài, ảnh: QUỐC THÁI    

 

Chia sẻ bài viết