02/08/2020 - 11:05

Nước vẫn trong 

Truyện ngắn: Lương Minh Hinh

 

Vì dịch COVID-19, nhà máy xí nghiệp đóng cửa, Hai Ví xuất khẩu lao động làm công nhân tại Hàn Quốc hồi hương về sân bay Cần Thơ. Trong 14 ngày cách ly, rảnh là Hai ôm điện thoại coi tin tức hình ảnh đổi thay đất Chín Rồng, tính chuyện làm ăn nơi quê nhà. Hết cách ly, Hai đi dọc đường Cần Thơ tới Long Xuyên, Châu Ðốc. Ðâu đâu cũng thấy gia cư san sát, tới chỗ nào có bà con, bạn học hay người quen là Hai ghé thăm, nghe kể chuyện sinh sống, làm ăn. Ði một vòng về, Hai Ví mua cái ghe xịn.

Hai cao hứng cho ghe chạy khắp kinh rạch, đâu đâu cũng thấy cảnh xây đập làm cống bắc cầu lên đường bộ. Ðúng lúc ghe Hai Ví băng băng dọc dòng rạch Cửa Ðình, thì gặp ghe chú Út Tường sang ngang Bến Ðình. Một ghe chạy ngang một ghe phóng dọc, sóng dập nước tung tóe mịt mờ. Chú Út vội xoay cho thân ghe cũng dọc dòng rạch, kịp nhường lối ghe Hai băng sát sàn sạt. Chú Út đứng dạng chân lựa nhịp, giữ được ghe không bị lật úp. Hai Ví mặt mày tái mét, cho ghe quay lại cúi đầu trước chú Út Tường:

- Con cám ơn chú Út! Chú chèo lái số một! Cực kỳ số một!

Chú Út chưa vội trả lời Hai, mà ngửa mặt lên trời cất lời:

- Xá Thành Hoàng Bổn Cảnh đình làng! Xá Hà Bá rạch Cửa Ðình! Xá các đức linh phù hộ chúng con xuôi theo nước lớn nước ròng được an toàn.

Xong chú Út mới nhỏ nhẹ với Hai Ví:

- Có duyên gặp gỡ! Mà sao Hai Ví đi Hàn Quốc về vẫn có kiểu chạy ghe y xì hồi đó vậy. Nhớ có lần cậu nổi hứng mùa nước nổi làm trò chuồi ghe. Cậu đợi nước đổ kéo ghe vượt bờ qua đập, lên đồng, lên cồn. Lúc nước sát thì chuồi ghe lòng rạch, tới nỗi ghe lui còn để lại dấu nằm. 

Hai Ví nghe nhắc chuyện xưa thì bối rối:

- Chắc mấy chuyện này con gái của chú kể. Hồi ở Hàn Quốc con chỉ nhớ mênh mông trời nước, đất trên đồng và bồng bềnh nhà ghe của chú thiếm...

Chú Út Tường gật gù:

- Ừa có đi đâu cũng quên sao được ghe xuồng dọc ngang đường nước, đời nối đời khai hoang mở cõi quê mình. Nhưng mà nghe nói Hai Ví cậu về quê cũng nhiều ngày rồi, có tính chuyện phục hồi gia viên bỏ không lâu nay chưa. Phải đi coi nước nôi đồng áng với cái sự biến đổi khí hậu, mà tính chuyện canh tác trên ruộng vườn giờ là tấc đất tấc vàng...

 

- Chú Út làm ăn mẫu mực nhất xứ, nhờ chú chỉ con... - Hai Ví nghe vậy tranh thủ liền!

***  

Ðược chú Út Tường đồng ý dẫn dắt chuyện đồng áng vườn cây, Hai Ví tới nhà chú liền. Vừa tới nơi, Hai Ví không khỏi giật mình trước ngôi nhà kiểu biệt thự mái ngói đỏ rực, gạch men ốp sáng lấp lóa.

Loạt cảnh tiếp theo là vườn ruộng, chuồng trại, hầm cá cho thu hoạch cao để chú Út Tường có vốn mà cất lên ngôi nhà đàng hoàng nhất xứ. Chú Út Tường vẫn giữ vườn cây lưu niên được ông bà trồng thời mở cõi, nơi này được khơi mương lên liếp lấy nước phù sa màu mỡ từ kinh rạch nuôi trồng dài dài. Tiếp đó là vườn cây trái do chú Út Tường gầy dựng sau này, có thêm hệ thống đường ống dẫn nước tưới tắm cây, hệ thống điện đèn công suất cao và những khu nhà vườn theo kỹ thuật mới được lợp mái che chắn côn trùng, giúp cây quang hợp cả ngày cả đêm, xiết nước hãm nước cho cây đơm bông kết trái theo ý người trồng mà vẫn năng suất, chất lượng. Cảnh vườn tược hớp hồn Hai Ví.

Vợ chồng chú Út Tường còn vang danh ruộng vàng hầm bạc. Hai Ví chạy ghe đến với cây lúa, con cá nội đồng của chú Út. Hai đứng sững người trên ghe nhìn ngắm những mảnh ruộng, vuông cá đều đặn chỉn chu. Tuy nhiên, khi đến nhìn cận vuông cá đầu tiên, Hai Ví hoảng hồn: có cá chết nổi trên mặt nước. Hai chạy đi tìm Giác Tuệ, con gái chú Út Tường, vừa tốt nghiệp đại học ngành nông nghiệp, đã về nhà lo chuyện nuôi trồng với cha. Giác Tuệ nghe Hai Ví báo chuyện có cá chết, cô giải thích: ngăn bờ đắp đập mới chỉ là chắn nước nổi còn có nước ngầm, nước mạch dưới đất. Vuông cá có nước mạch mặn, mặn nhẹ thôi, nên tép tôm nhỏ yếu mới bị chết.

Hai Ví nghe vậy lội xuống ruộng nhìn gần ngó xa kiếm mạch nước ngầm. Giác Tuệ kêu Hai Ví lội lên, nói chúng ta chỉ thấy nước đã nổi lên, muốn biết chính xác phải xài máy đo nước mặn. Giác Tuệ nói, cá cũng có bản năng sinh tồn, cũng biết lo chuyện nước nôi để mà sống. Cá sẽ quậy sình và hòa vào sình cho giảm độ mặn. Cá nằm sình. Nghe vậy Hai Ví hỏi:

- Lúc này ruộng có nước mặn mà chú Út bỏ cá đi Cà Mau, Trà Vinh để làm gì?

- Mấy năm gần đây, biến đổi khí hậu khiến chuyện canh tác cam go, mọi người đang phải dò dẫm, học hỏi mà làm. Làm ăn giờ phải có bạn điền, có nhà khoa học dẫn lối. Có mấy bạn điền, với những nhà nghiên cứu nông nghiệp ở vùng biển kêu cha Út Tường tới coi ở đó mần ăn sao. Cha đi liền vì muốn coi ở đó sống sao với nước mặn đặng về lo ruộng vườn ở đây.

- Giác Tuệ à, vì vụ biến đổi khí hậu mà nhiều nhà khoa học xuất hiện trên đài, trên báo nêu ý kiến sửa đổi chuyện lâu nay ta chỉ tập trung làm lúa thôi. Giác Tuệ học hành thành tài mà không ở phố, chọn về đồng ruộng, chắc đã tính kỹ lưỡng ruộng vườn, nuôi trồng ra sao rồi phải không?

- Thiên nhiên có lúc thuận lợi, có khi gây khó khăn, tạo những được và mất cho đời sống của mình. Những người làm nông như cha Út Tường và bạn điền luôn thay đổi chuyện canh tác để thuận theo trời đất. Năm ngoái bị hạn mặn nhiều nơi nhưng châu thổ vẫn được mùa lúa, có được gạo ngon nhất thế giới. Nước vẫn trong mà anh Hai Ví ơi. Anh Hai sợ rủi ro khi lập lại vườn tược, lo chuyện đồng áng, gia cư sao?

Nghe Giác Tuệ hỏi lại, Hai Ví không trả lời mà bì bõm lội vào ruộng, dường như mượn sự tiếp xúc chân thật với đất, với lúa để suy nghĩ minh mẫn hơn.

- Chú Út Tường làm riêng ruộng lúa, còn vuông nuôi cá thông với ruộng cỏ. Còn tui cũng suy nghĩ đã lâu, hôm nay đến đây là nhờ chú Út với Giác Tuệ tư vấn thêm để giúp tui bên cây lúa còn có bắp, khoai, cây ăn trái; cùng với cá, tôm, cua, ốc... còn có bò, heo, gà, vịt...

Giác Tuệ vỗ tay:

- Anh quyết chí là được, em và cha sẽ giúp một tay...

Hai Ví mở cờ trong bụng. Giác Tuệ để tâm tới gia viên của Hai, nhà Hai mà có Giác Tuệ thì nước còn trong hơn nữa!

Giác Tuệ kêu Hai Ví mở cửa cống lối cá lên ruộng cỏ. Giác Tuệ lội xuống ruộng cùng Hai Ví, lấy cây chèo khua động hầm cá. Cá quẫy rùng rùng xô nhau tràn từ hầm lên ruộng cỏ...

Chia sẻ bài viết