Quần đảo New Caledonia đã rơi vào hỗn loạn sau các vụ bạo lực bị thúc đẩy bởi tình trạng bất ổn kinh tế, căng thẳng sắc tộc và bất mãn của cư dân bản địa đối với sự kiểm soát từ Pháp. Diễn biến này làm dấy lên lo ngại về nguy cơ “nội chiến” khi Paris bị cho đang đi ngược lại những cam kết về quyền tự quyết đối với vùng lãnh thổ bán tự trị ở Thái Bình Dương.

New Caledonia giữ vai trò chiến lược ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Ảnh: Britannica
Theo tờ France 24, bạo lực bùng phát từ ngày 13-5 sau thông tin Quốc hội Pháp nhiều khả năng thông qua các đề xuất sửa đổi Hiến pháp để điều chỉnh quy định bầu cử ở New Caledonia, vùng lãnh thổ hải ngoại của nước này Tây Nam Thái Bình Dương. Dựa vào các điều khoản của Hiệp định Nouméa, việc bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử cấp tỉnh được giới hạn ở những người đã cư trú ở New Caledonia trước năm 1998 và con cái họ. Biện pháp này nhằm mục đích mang lại sự đại diện lớn hơn cho người dân bản địa Kanak.
Nhưng trong cải cách được đề xuất, số lượng cử tri dự kiến mở rộng khi Chính phủ Pháp trao quyền bầu cử cho hàng chục ngàn người không phải cư dân bản địa nhưng sống ở đây ít nhất 10 năm. Theo ước tính, người Kanak chiếm khoảng 41% dân số New Caledonia và các nhà hoạt động cho rằng quy định bỏ phiếu mới làm loãng phiếu bầu của họ. Ðiều đó sẽ củng cố lợi thế của các chính trị gia thân Paris và tiếp tục đẩy người Kanak vốn bị phân biệt đối xử ra ngoài lề, gây ảnh hưởng sâu sắc đến phong trào đấu tranh đòi độc lập khỏi Pháp đã âm ỉ tại quần đảo này suốt nhiều thập niên.
Bất chấp làn sóng phản đối, Quốc hội Pháp ngày 14-5 vẫn thông qua dự luật trên khiến các cuộc biểu tình tại New Caledonia leo thang thành bạo lực với các cuộc đụng độ vũ trang giữa người biểu tình, dân quân và cảnh sát; cũng như các vụ phóng hỏa cao ốc và xe hơi ở thành phố thủ phủ Nouméa. Chính quyền địa phương sau đó đã áp đặt lệnh giới nghiêm, hủy các chuyến bay quốc tế và huy động 1.700 nhân viên thực thi pháp luật. Pháp cũng triển khai quân đội và điều động thêm 1.000 cảnh sát sau khi ban bố tình trạng khẩn cấp tối thiểu trong 12 ngày ở New Caledonia, tiến hành quản thúc tại gia nhiều thủ lĩnh biểu tình và cấm ứng dụng mạng xã hội TikTok trên lãnh thổ.
Tính đến nay, các vụ bạo lực đã khiến hàng trăm người bị thương và ít nhất 6 người thiệt mạng, trong đó có 2 cảnh sát. Trước tình hình này, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm 23-5 đã có chuyến thăm bất ngờ tới New Caledonia. Việc Tổng thống Macron quyết định bay tới quần đảo cách đất liền nước Pháp khoảng 17.000km là dấu hiệu cho thấy Paris đánh giá tình hình ở New Caledonia ở mức độ nghiêm trọng.
Vòng xoáy bạo lực
Các cuộc biểu tình lần này là đợt bạo lực nguy hiểm nhất làm rung chuyển New Caledonia kể từ những năm 1980, khi đó Pháp cũng áp đặt các biện pháp khẩn cấp đối với quần đảo này. Theo Ðài Al Jazeera, bất ổn đã làm sống lại cuộc tranh luận về quá khứ thực dân của cường quốc châu Âu, bộc lộ chia rẽ giữa cư dân bản địa, hậu duệ những binh lính thực dân và một bộ phận người mới đến New Caledonia. Ðiều này khiến người dân thêm sợ hãi trước nguy cơ vùng lãnh thổ quay trở lại cuộc nội chiến cách đây 30 năm.
Với diện tích hơn 18.000km2 và dân số khoảng 270.000 người, New Caledonia nằm giữa Úc và Fiji. Quần đảo này trở thành thuộc địa của Pháp từ năm 1853 và hiện là một trong nhiều lãnh thổ hải ngoại của nước này nằm rải rác khắp Thái Bình Dương, Caribe và Ấn Ðộ Dương. Trong hai thế kỷ qua, nền chính trị New Caledonia vẫn bị chi phối bởi các cuộc tranh luận đầy chia rẽ trên phương diện sắc tộc giữa ý kiến quần đảo tiếp tục là một phần tự trị của Pháp hay tuyên bố độc lập khi người Kanak bản địa dần trở thành thiểu số trên chính mảnh đất của họ.
Vào những năm 1980, bất ổn lên đỉnh điểm khi xung đột bùng nổ thành bạo lực. Ðể chấm dứt giao tranh, chính quyền Pháp đồng ý trao quyền tự trị cho New Caledonia. Năm 1988, các cuộc thảo luận về tương lai quần đảo bắt đầu, mở đường cho Hiệp định Nouméa năm 1998 và khởi động quá trình “phi thực dân hóa” kéo dài 20 năm với cam kết của Paris về quyền tự chủ chính trị lớn hơn cho cộng đồng người Kanak.

Phái đoàn Tổng thống Pháp Macron gặp giới chức New Caledonia ngày 23-5. Ảnh: Reuters
Theo tinh thần của văn kiện, New Caledonia sẽ tổ chức 3 cuộc trưng cầu dân ý về nền độc lập cho quần đảo, trong đó 2 lần được tổ chức vào năm 2018 và 2020 với tỷ lệ chiến thắng của phe phản đối ly khai lần lượt là 56,7%, 53,3%. Tuy nhiên, con số này cũng cho thấy tỷ lệ ủng hộ độc lập đang tăng lên. Trong bối cảnh đó, một cuộc trưng cầu dân ý cuối cùng lại được tổ chức gấp gáp vào năm 2021 khi tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp khiến phe ly khai cực lực phản đối và kêu gọi tẩy chay cuộc bỏ phiếu. Kết quả là tỷ lệ số phiếu phản đối ly khai đạt mức kỷ lục 96,5% và số cử tri vắng mặt lên đến 56%. Ðây cũng là một trong những nguyên nhân chính của làn sóng bạo lực hiện nay, bên cạnh sự thất vọng của lớp trẻ trước nền kinh tế bấp bênh trong một xã hội ngày càng bất ổn.
Bài toán khó của nước Pháp
Tuy diện tích hạn chế, New Caledonia lại mang về lợi ích quan trọng cho Pháp dựa vào nguồn khoáng sản dồi dào, đặc biệt là nickel khi chiếm khoảng 30% trữ lượng của thế giới. Bên cạnh đó, vị trí chiến lược quan trọng của New Caledonia còn giúp Pháp trở thành cường quốc hàng hải trên thế giới. Trong vài năm trở lại đây, Paris bắt đầu có tính toán khác đối với New Caledonia cũng như các lãnh thổ hải ngoại khác khi chính quyền Tổng thống Macron xây dựng tầm nhìn lớn hơn để duy trì phạm vi ảnh hưởng ở Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương. Trong đó, các quan chức Pháp đặc biệt lo ngại New Caledonia độc lập có thể tiến gần hơn đến Trung Quốc khi cường quốc châu Á ráo riết tìm cách thiết lập vị thế lâu dài ở khu vực, tương tự như cách Bắc Kinh đã xây dựng mạng lưới ảnh hưởng kinh tế - chính trị chặt chẽ ở Fiji, Vanuatu, Quần đảo Solomon và Papua New Guinea.
Trong bối cảnh này, bạo lực ở New Caledonia dẫn đến cuộc thảo luận mới về nỗ lực của Tổng thống Macron có mang lại hòa bình hay không khi Ðiện Élysée đang chật vật cứu vãn mối quan hệ giảm dần với các thuộc địa cũ ở châu Phi. Trước đây, ông Macron đã tạo điều kiện cho cuộc đối thoại ở New Caledonia giữa các phe ủng hộ độc lập và phản đối tách khỏi Pháp. Nhưng hiện tại, các chuyên gia cho rằng Tổng thống Pháp khó có thể giải quyết nguyên nhân gốc rễ của tình trạng hỗn loạn chính trị lẫn kinh tế chỉ qua chuyến thăm vừa rồi. Theo người phát ngôn của Mặt trận Xã hội Chủ nghĩa Giải Phóng Quốc gia Kanak (FLNKS), giải pháp chính trị cho các bất ổn hiện nay là bắt đầu lại tiến trình đàm phán.
Tổng thống Pháp Macron hôm 20-5 đã triệu tập Hội đồng Quốc phòng để tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng. Tuyên bố tại New Caledonia ngày 23-5, ông Macron nhấn mạnh ưu tiên của chính phủ là lập lại yên bình cho quần đảo và 3.000 sĩ quan an ninh được triển khai tại đây sẽ tiếp tục được duy trì cho đến khi nào vẫn còn cần thiết. Song, các nhà chính trị cho rằng “phản ứng an ninh sẽ không giúp giải quyết tình hình”. Ngược lại, theo họ, “những phản ứng đàn áp này có nguy cơ tạo ra một vòng xoáy bạo lực”. “Chúng ta sẽ phải hướng tới một thỏa thuận chính trị mới. Chỉ có phản ứng chính trị mới chấm dứt được tình trạng bất mãn, bạo lực và ngăn chặn nội chiến”.
Ngày 18-5, Chủ tịch Hạ Viện Pháp và nhiều nghị sĩ đã kêu gọi thành lập một ủy ban đối thoại về New Caledonia và lùi ngày triệu tập Quốc hội lưỡng viện để thông qua dự luật lần cuối cùng, dự kiến ban đầu là trong tháng 5. Ngày 19-5, Chủ tịch Hội đồng Hành pháp các vùng hải ngoại của Pháp bao gồm Réunion, Guadeloupe, Martinique và Guyana cùng hơn 20 nghị sĩ hải ngoại đã ký một tuyên bố chung, yêu cầu Chính phủ Pháp “rút lại ngay lập tức” dự luật cải cách. “Bằng cách thừa nhận sự tồn tại của người dân bản địa Kanak, Thỏa thuận Nouméa được ký kết vào năm 1998 đã mở đường cho một quá trình phi thực dân hóa và cải cách thể chế một cách hòa bình (...). Việc sửa đổi thỏa thuận này mà không có sự đồng thuận của tất cả các bên liên quan sẽ cấu thành hành vi phản bội tinh thần và nội dung của các thỏa thuận Matignon và Nouméa”, tuyên bố của các Chủ tịch Hành pháp các vùng hải ngoại của Pháp nhấn mạnh.
MAI QUYÊN (Tổng hợp)