Bà Tzipi Livni (ảnh), tân chủ tịch đảng Kadima cầm quyền ở Israel, vừa có một bước đi mạo hiểm khi đề nghị tổ chức tổng tuyển cử sớm, có thể là vào trung tuần tháng 2-2009. Nói như vậy vì theo các cuộc thăm dò dư luận gần đây, đảng Likud cánh hữu của cựu Thủ tướng Benjamin Netanyahu có nhiều khả năng giành chiến thắng hơn Kadima trong cuộc bỏ phiếu này.
|
|
Thật ra, cho rằng Ngoại trưởng Livni mạo hiểm cũng không chính xác lắm, bởi bà gần như không còn lựa chọn nào khác. Tuy nhận được sự hợp tác của Công đảng (lớn thứ hai trong quốc hội, do cựu Thủ tướng, đương kim Bộ trưởng Quốc phòng Ehud Barak lãnh đạo), nhưng Kadima vẫn cần thêm sự ủng hộ của đảng Shas (lớn thứ ba trong quốc hội) để chiếm đa số trong cơ quan lập pháp 120 ghế. Tuy nhiên, đảng Shas hôm 24-10 tuyên bố không tham gia chính phủ liên hiệp do hai yêu sách của họ là không đàm phán với Palestine về qui chế tương lai của Jerusalem, và tăng phúc lợi cho trẻ em nghèo, không được đáp ứng. Đây xem như là một thắng lợi của ông Netanyahu, người bỏ ra không ít công sức thuyết phục lãnh đạo đảng Shas tẩy chay chính phủ liên hiệp với lý lẽ rằng nếu trở thành thủ tướng, bà Livni có thể “hy sinh” Jerusalem. Một số đảng nhỏ khác cũng quay lưng với Kadima. Do vậy, bà Livni chỉ còn cách thành lập chính phủ liên hiệp thiểu số, mà điều này lại không được ông Barak tán thành.
Giải thích về quyết định của mình với tờ Haaretz, bà Livni nói: “Tôi không chấp nhận bị bắt chẹt trong chính sách ngoại giao cũng như ngân sách; do đó, tôi chọn giải pháp bầu cử sớm”. Được bầu làm chủ tịch Kadima hồi tháng 9 để thay thế Thủ tướng Ehud Olmert bị dính xì-căng-đan tham nhũng, bà Livni được kỳ vọng sẽ trở thành nữ thủ tướng thứ hai trong lịch sử Israel, sau bà Golda Meir hồi những năm 1969-1974. Tuy nhiên, với quyết định bầu cử sớm, đường vào dinh thủ tướng của chính trị gia 50 tuổi này xem ra trở nên gập ghềnh hơn.
Về mặt lý thuyết, Tổng thống Shimon Peres có thể yêu cầu một nhân vật khác đứng ra thành lập chính phủ liên hiệp, nhưng trên thực tế khả năng này rất khó xảy ra. Còn nếu tổ chức bầu cử sớm và cựu Thủ tướng Netanyahu thắng cử như dự báo thì đây sẽ là tin xấu cho tiến trình hòa bình Trung Đông, bởi ông này luôn chủ trương cứng rắn trong đàm phán với Palestine. Theo giới phân tích, một cuộc bầu cử trước thời hạn có thể chấm dứt các cơ hội vốn mong manh để đạt được mục tiêu của Mỹ về một thỏa thuận hòa bình giữa Israel với Palestine trước khi Tổng thống George Bush rời nhiệm sở vào tháng 1-2009.
LÊ DÂN (Theo BBC, AP)