08/02/2021 - 09:37

Nức tiếng bún cá Hoài Phương 

Chợ Gò Quao, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang có không ít hàng quán ăn uống, nhưng đắt khách nhất là quán bún cá Hoài Phương của chị Lâm Thị Hoài Phương, nằm dưới chân cầu chợ, thuộc khu phố Phước Trung 2, thị trấn Gò Quao. Tồn tại đã 28 năm, quán bún Hoài Phương mỗi ngày đón hàng trăm lượt khách, để lại ấn tượng với nhiều thực khách gần xa khi đã một lần ghé lại.

Chủ quán bún cá Hoài Phương tại chợ Gò Quao chuẩn bị bún cá phục vụ khách. Ảnh: ĐOÀN KẾT

Chủ quán bún cá Hoài Phương tại chợ Gò Quao chuẩn bị bún cá phục vụ khách. Ảnh: ĐOÀN KẾT

Những ngày làm việc trong tuần, đa số cán bộ, công chức ở huyện đều chọn quán Hoài Phương để ăn sáng. Những ngày ở huyện có lễ hội, đoàn công tác của tỉnh, khách thập phương cũng tìm đến được thưởng thức tô bún cá do chính tay chị Phương chế biến. Quán chỉ 25 bộ bàn ghế nhựa lúc nào cũng chật kín khách. Mỗi ngày chị Phương và 3 nhân công nữa phục vụ hơn 150 lượt khách, tiêu thụ hết khoảng 30kg bún, 12kg cá lóc và 15kg tôm. Vào ngày mưa gió, nhiều người vẫn đến ăn, vui vẻ ngồi chen chúc trong quán với tô bún cá nóng hổi, thơm lừng. Giá 1 tô bún cá tại quán chị Phương chỉ 20.000 đồng. Có khách “sành ăn” lại gọi tô bún có thêm đầu cá lóc với giá 30.000-40.000 đồng.

Theo nhiều khách là “mối ruột” của quán bún cá Hoài Phương, điểm khác biệt khiến tô bún cá của chị Phương giữ chân khách lâu nay là ở chén nước chấm đi kèm tô bún cá. Nước chấm được pha chế với thành phần gồm tỏi, hành phi thơm được cho vào chén nước mắm tỏi ớt đã được nêm nếm vừa độ. Khi ăn, thực khách sẽ chấm miếng thịt cá, hoặc rưới phần nước chấm lên dĩa đầu cá lóc, thưởng thức vị beo béo, dậy mùi của nước chấm hòa huyện cùng miếng thịt cá lóc đồng ngọt lịm mà mê mẩn hoài.

Sinh ra tại thị trấn Gò Quao, từ nhỏ chị Phương đã mê nữ công gia chánh. Do gia đình đông anh em nên chị đành tạm gác lại việc học khi mới học xong lớp 8 rồi xin phụ chạy bàn cho quán bún cá của một người trong xóm. Khi chợ Gò Quao được nâng cấp, đường sá được mở rộng, chị quyết định về nhà mở quán bún cá tại nhà để lập nghiệp khi vừa 23 tuổi.

Quán Hoài Phương mở bán từ 6 giờ đến tầm 8 giờ sáng là hết bún. Có những khách quen đến sớm từ lúc chị mới bỏ cá vô nồi luộc, có người ở xa có chuyến về Gò Quao phải điện thoại dặn chừa đầu cá từ hôm trước… Tô bún cá của chị Phương dường như đã trở thành món ăn không thể thiếu của bà con trong và ngoài thị trấn. Nhiều người nói vui bảo nồi bún cá của chị Phương “có ngãi” làm người ta ghiền lúc nào không hay! Nồi bún vừa sôi, người đi ngoài đường đã bị cái mùi thơm ấm nồng xộc vào mũi, lôi cơn thèm ra đầu lưỡi. Có hôm quán chưa kịp mở đã có khách đến gõ cửa dặn “chừa đầu cá chút ghé nhe!”.

Nói về bí quyết kinh doanh, chị Phương chia sẻ: “Quan trọng nhất là khâu lựa chọn nguyên liệu, chế biến sạch sẽ. Cá, tôm có tươi ngon thì tô bún nấu lên mới dậy mùi, hấp dẫn người ăn”. Cá sau khi được luộc chín sẽ vớt ra, gỡ lấy phần thịt nạc và bỏ xương. Khâu này đòi hỏi sự khéo tay và cẩn thận của người nấu, bởi nếu còn sót lại xương thì khi ăn khách sẽ dễ bị hóc xương. Theo chị Phương, nấu bún cá khá công phu và đòi hỏi sự tỉ mỉ của người nấu. Món bún cá ngon đòi hỏi phần nước lèo phải trong, có vị ngọt từ xương cá và quan trọng hơn nữa đó là không tanh mùi cá. Vì thế, nhất định phải chọn loại cá lóc còn tươi, sống thì khi nấu thịt cá mới ngon và ngọt.

Quán đông khách, trụng bún không ngơi tay, nhưng lúc nào chị Phương cũng vui vẻ và thân thiện. Chị nhớ từng thói quen của khách, lúc thì cho nhiều bắp chuối cho khách từ TP Rạch Giá đến, lúc thì để nhiều rau răm, giá sạch cho các tài xế xe tải… Đã 50 tuổi, bà chủ quán bún cá nức tiếng xứ Gò Quao vẫn lẻ loi đi về một mình. Nhiều người ngõ ý đề nghị chị Phương chuyển giao kỹ thuật nấu bún với giá hàng chục triệu đồng nhưng chị không thuận vì quán bún là tài sản, là cơ sở để chị nuôi mẹ già và người chị trong gia đình. Vả lại, như chị đã từng nói, việc thức khuya dậy sớm với nồi bún đã trở thành một phần của cuộc sống chị không có gì thay thế được.

BÍCH LINH

Chia sẻ bài viết