“Mùa thu rồi, ngày hăm ba,
Ta đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến.
Rền khắp trời lời hoan hô
Dân quân Nam nhịp chân tiến lên trận tiền.
Thuốc súng kém, chân đi không
Mà lòng người giàu lòng vì nước,
Nóp với giáo mang ngang vai
Nhưng thân trai nào kém oai hùng …”
Đã 73 mùa thu đi qua, vậy mà mỗi lần nghe đài phát thanh truyền đi bài “Nam bộ kháng chiến” trên đây của thầy giáo Tạ Thanh Sơn, ai ai cũng trào dâng niềm xúc động khi nhớ lại những ngày cách mạng hào hùng. Âm vang của bài hát ấy rung động bao trái tim người chiến sĩ theo nhịp bước quân hành và lan truyền khí thế của những ngày đầu Nam bộ kháng chiến.
Giáo và gậy tầm vông (ảnh chụp tại Bảo tàng TP Cần Thơ).
Mãi cho đến hôm nay, hình ảnh người chiến sĩ trong bài hát ấy vẫn gợi lại trong tâm tưởng người nghe hình tượng những đoàn quân chân không, tay cầm ngọn tầm vông, vai mang chiếc nóp rầm rập tiến trên các nẻo đường. Họa sĩ Tô Dự, người đã từng trải qua hai cuộc kháng chiến thần kỳ chống Pháp và chống Mỹ, kể rằng: Trong những ngày đầu chống thực dân Pháp, chiếc nóp và gậy tầm vông là hai vật bất ly thân của người chiến sĩ Nam bộ. Còn về phía nhân dân thì có chiếc mõ tre được coi như một thứ “vũ khí” đặc biệt trong thời chín năm kháng chiến dùng để thông tin, liên lạc và trấn áp địch trong những lúc nguy cấp.
Trong các loại vũ khí thô sơ, ngọn tầm vông là vũ khí lợi hại nhứt của nghĩa quân Trương Công Định mà cụ Nguyễn Đình Chiểu đã từng ca ngợi: “Trong tay cầm một ngọn tầm vông, chi nài sắm dao tu nón gõ…” Chiếc nóp và gậy tầm vông đã trở thành niềm tự hào của người dân Nam bộ, là biểu tượng của của tinh thần hiên ngang bất khuất và tinh thần chịu đựng gian khổ trong chiến đấu giành độc lập.
Ngày 23-9-1945 tức 21 ngày sau khi Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, thực dân Pháp lại xâm chiếm nước ta lần nữa. Bà con Nam bộ chưa kịp hưởng trọn niềm vui thì lại tiếp tục “Đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến”, đáp lời kêu gọi cứu quốc của Bác Hồ: “Ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước”. Kể từ đó, ngọn tầm vông đã trở thành biểu tượng cho cuộc chiến tranh toàn dân. Ngoài ra, chiếc nóp cũng là hình tượng thiết thân của đồng bào và chiến sĩ miền Nam trên bước đường mưu sinh và hành quân giết giặc.
Chiếc nóp vừa là sản phẩm độc đáo của nhân dân Nam bộ, vừa là bạn đồng hành của những nông dân chân lấm tay bùn. Chính chiếc nóp đã giúp cho họ có được những giấc ngủ yên lành, nhứt là những nơi hoang vu như Đồng Tháp Mười, Thất Sơn (An Giang) khiến cho bà con nông dân phải đốt lá cây un khói để đuổi muỗi, hoặc ngủ “mùng gió” và mùng nước. Cuộc sống cơ cực đến nỗi:
Vai mang chiếc nóp rách / Tay xách cổ quai chèo
Nhưng vì thương con nhớ mẹ / Bởi phận nghèo anh phải ra đi …
Đó là những lời thở than đứt ruột vang lên từ một vùng quê xa lơ xa lắc, từ những cánh đồng mênh mông nhằm mô tả cuộc sống lầm than của những cư dân đi làm ăn xa thời Pháp thuộc mà hành trang chỉ có chiếc nóp với ít áo quần được gói kỹ bên trong.
Trong dân gian có nhiều giai thoại về lai lịch của chiếc nóp. Trong những giai thoại đó có một chuyện kể thật lý thú: Thời Thiên Hộ Vương lập chiến khu đánh Tây ở Đồng Tháp Mười, số nghĩa quân lên tới hàng ngàn, mỗi đồn có tới hai ba trăm người nhưng đa số đều không có mùng mền, mỗi người chỉ mang theo một chiếc đệm bàng để thay cho chiếc chiếu và mền. Sau đó có một nghĩa quân bày ra sáng kiến gập đôi lại (xếp đôi), may kín hai đầu, tối chun vô nằm lật úp lại, muỗi sẽ không vào được. Mọi người đặt tên là “chiếc xếp”. Chiếc xếp có thể xếp lại thành tấm lót để ngồi.
Chiếc nóp trong thời kỳ chống Pháp (ảnh chụp từ Bảo tàng TP Cần Thơ).
Một hôm giặc Pháp tấn công vào nghĩa quân ở Đồng Tháp Mười, một tên chỉ huy (chef) người Pháp thấy lạ bèn hỏi anh thông ngôn: “Đây là cái gì?”. Anh thông ngôn định trả lời “chiếc xếp” nhưng sợ xúc phạm đến “chef” vì “chiếc xếp” vừa trùng âm với chef vừa là vật dùng lót ngồi nên anh ta nói trại ra thành“chiếc nếp”. Một thời gian sau có một tên đội người Việt ở Đồng Tháp Mười tên Nếp hắn cấm bà con gọi chiếc xếp bằng tên hắn nên mới đổi thành “Nốp” rồi dần dần đọc trại thành “Nóp” cho đến ngày nay.
Tháp Mười và Kiên Giang là quê hương của cây bàng. Bàng là nguyên liệu làm ra đệm, nón, giỏ. Thế là cây bàng đã đi vào đời sống dân gian từ thuở khai hoang, còn chiếc nóp ra đời từ cuộc khởi nghĩa chống Pháp, đầu tiên là Đồng Tháp Mười, kế đến là vùng Bảy Núi (An Giang) và lan rộng ra nhiều nơi. Hiện nay tại An Giang còn có địa danh “Nhà Bàng” và làng nghề đan đệm bàng tại thị trấn Ba Chúc.
Hình ảnh các thanh niên đầu bịt khăn lom khom nhổ bàng và gánh bàng, đặc biệt là những người con gái giã bàng, đan đệm sẽ còn đọng lại mãi trong những lời ca tiếng hát dân gian ngọt ngào và làm xúc động bao thế hệ thanh niên lên đường hành quân diệt giặc.
Chiều hôm em đứng giã bàng
hương anh quảy nóp trong hàng quân đi.
Vào những năm kháng chiến, từ những nơi xa xôi, hằng trăm phụ nữ, mẹ già thức đêm giã bàng, đan đệm, chằm nóp gởi ra tiền tuyến cho con, cho chồng và tặng người yêu đang ngày đêm chiến đấu:
Nóp nầy em gởi tặng anh
Thuyền em bơi tận trong kinh Tháp Mười
Gởi ba nó ngủ ấm lòng
Để đi giết giặc lập công thật nhiều.
(Ca dao)
Nhiều người gọi chiếc nóp là “màn Việt Minh” vì trên bước đường hành quân, chiếc nóp vừa là ba lô, vừa là chiếc mùng cũng vừa là tấm chăn để phủ liệm thi hài đồng đội. Trong một bài báo, tác giả Tô Đan có đoạn tả: “Một hôm có đồng đội hy sinh, trong lúc giặc đến, anh em chỉ kịp bỏ anh vào chiếc nóp quấn thân anh như chàng tráng sĩ ngày xưa da ngựa bọc thây nơi chốn sa trường… Thế hệ chúng tôi làm sao quên được cái thuở ban đầu ra đi vì đại nghĩa dân tộc với chiếc nóp quê hương” (*)
Ở vùng sông nước miệt vườn, bà con đi làm ăn xa thường mang theo nồi, niêu, soong, chảo, liềm hái, phảng, cù nèo và không thể thiếu chiếc nóp. Đi đến đâu người làm thuê gánh mướn bao giờ cũng giữ chiếc nóp bên mình. Khi mỏi mệt dựa lưng vào phì phà khói thuốc. Lúc buồn ngủ chui vô làm một giấc ngon lành. Từ việc ngủ bờ ngủ bụi cho tới ngủ xuồng ngủ ghe, ngủ chăn vịt, ngủ giăng câu đặt lờ… không có gì hữu dụng bằng chiếc nóp quê mình.
Ông Nguyễn Trung Vinh, nguyên Chủ tịch Hội Văn nghệ TP Cần Thơ, người từng chiến đấu ở bưng biền cho biết thời chống Pháp, người dân vô Lung Ngọc Hoàng khai hoang phát cỏ, mỗi người đều mang theo chiếc nóp để chống lại muỗi mòng ban đêm.
Mãi cho tới thời chống Mỹ cứu nước, nhiều anh em du kích vẫn còn quấn khăn rằn nằm nóp nhưng chiếc nóp trong thời kỳ nầy được cải tiến tiện lợi hơn, thông dụng hơn.
Với tinh thần yêu nước và chứng kiến khí thế cách mạng trào dâng, tác giả Tạ Thanh Sơn đã sáng tác bài hát “Nam bộ kháng chiến” vào ngày 25-9-1945 tại chiến khu Đồng Tháp và được đăng đầu tiên trên báo Độc Lập. Mãi cho tới nay, lời ca ấy mỗi lần vang lên đều làm rung động những tâm hồn yêu nước. Hòa với lời ca, chiếc nóp và gậy tầm vông đã thật sự đi vào hồn, vào tâm thức của bà con Nam bộ và là niềm tự hào của dân tộc, là biểu trưng của tinh thần hiên ngang bất khuất, chịu đựng gian khổ trong suốt hai cuộc kháng chiến giành độc lập tự do cho dân tộc.
---------------------
Chú thích:
(*) Tô Đan, nguyên Tổng thơ ký Hội Văn nghệ giải phóng Cần Thơ, bài “Chiếc nóp quê hương”, báo Hồn Việt, số tháng 9-2014
Tài liệu tham khảo:
“Đất nước miền Nam” của Lê Tấn – NXB Văn học giải phóng 1976.
“Tự vị tiếng nói miền Nam” của Vương Hồng Sển, NXB Trẻ, 1999.
“Nam Kỳ cố sự” của Nguyễn Hữu Hiếu – NXB Đồng Tháp 1997.