Trước sự bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nông nghiệp nước ta có sự chuyển mình mạnh mẽ từ các công nghệ số nền tảng như AI, Big Data, IoT… Tuy nhiên, áp lực từ yêu cầu thực tiễn đòi hỏi ngành Nông nghiệp phải ứng dụng công nghệ cao, tối ưu và thông minh hơn từ công nghệ 5.0 để giải quyết bài toán “chuyển đổi kép”: chuyển đổi số và chuyển đổi xanh.
Mô hình canh tác lúa ứng dụng công nghệ tăng hiệu quả và giảm phát thải tại quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ.
Áp lực từ thực tiễn
Tại diễn đàn Nông nghiệp 2024: Nông nghiệp thông minh đột phá từ công nghệ 5.0 mới đây, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phân tích: Trước 3 “biến”: biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến chuyển xu thế tiêu dùng đòi hỏi ngành Nông nghiệp phải tạo ra giá trị nhiều hơn nhưng sử dụng ít đầu vào, ít tài nguyên thiên nhiên và sức lao động. Mặt khác, chiến lược phát triển ngành nghề nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Thủ tướng phê duyệt đặt ra mục tiêu rất cao. Theo đó, đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng GDP nhóm ngành nông - lâm - thủy sản phải đạt bình quân từ 2,5-3%/năm; tốc độ tăng năng suất lao động bình quân nhóm ngành này từ 5,5-6%/năm; phát triển nền nông nghiệp xanh, phấn đấu giảm phát thải khí CO2 mức 10% so với năm 2030. Để đạt mục tiêu đề ra, ngành Nông nghiệp cần tiếp tục hành trình nông nghiệp thông minh, tạo đột phá từ công nghệ 5.0.
Làm rõ hơn khái niệm ứng dụng công nghệ 5.0 trong nông nghiệp thông minh, ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, nhấn mạnh: Thực chất công nghệ 5.0 là phiên bản nâng cấp của công nghệ 4.0 trong bối cảnh đặc biệt. Những tác động của công nghệ 4.0 như AI, IoT, Blockchain… khuyến khích sự tương tác giữa các vật với nhau, giữa các máy với nhau thì công nghệ 5.0 tập trung vào sự hợp tác giữa con người và máy móc. Qua đó nâng cao kỹ năng của người nông dân, công nhân, cung cấp giá trị gia tăng trong sản xuất dẫn đến tùy biến và cá nhân hóa các sản phẩm hàng hóa.
Thực tế, phát triển nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ 5.0 vào nông nghiệp là một trong những xu hướng được nhiều nước trên thế giới áp dụng và đã chứng minh được tính hiệu quả, góp phần mang lại diện mạo mới cho ngành Nông nghiệp. Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nhấn mạnh: “Nông nghiệp ứng dụng công nghệ 5.0 gợi mở tầm nhìn về một nền nông nghiệp hiệu quả, năng suất cao, trong đó sự hợp tác của con người với khoa học công nghệ được đề cao. Việc ứng dụng công nghệ 5.0 với khoa học kỹ thuật hiện đại song hành với người sản xuất, hàng chục triệu nông dân sẽ được tiếp cận, đào tạo kỹ năng để thích ứng với công nghệ mới, tạo ra những sản phẩm nông sản đa giá trị cho nền nông nghiệp bền vững”.
Liên kết, phát huy vai trò các bên liên quan
Theo các chuyên gia, thực tế sản xuất nông nghiệp 4.0 những năm gần đây và nông nghiệp 5.0 đang manh nha đều hướng đến 2 mục tiêu xanh hóa và hiện đại hóa nền nông nghiệp. 2 mục tiêu này đều phải dựa trên nền tảng vững chắc là nông dân, doanh nghiệp. Do đó, ông Đặng Kim Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đề xuất Chính phủ hỗ trợ các doanh nghiệp đi đầu, trong đó chủ lực là các tập đoàn, doanh nghiệp trong ứng dụng khoa học công nghệ cao. Qua đó, hình thành các khu nông nghiệp công nghệ cao, vùng nông nghiệp công nghệ cao gắn với các vùng chuyên canh của các nông sản chủ lực. Nhà nước áp dụng những chính sách ưu đãi đặc biệt để thu hút và hỗ trợ các doanh nghiệp, tập đoàn lớn đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao. Cùng với đó, nhanh chóng đổi mới cơ chế và hoàn thiện hệ thống tổ chức của các viện nghiên cứu và trường đại học, thực sự gắn kết giữa nghiên cứu và đào tạo, tạo động lực để cán bộ khoa học tập trung vào sáng tạo, quan tâm đến hiệu quả cuối cùng của sản phẩm khoa học.
Nhấn mạnh vai trò liên kết để hình thành chuỗi sản xuất nông nghiệp thông minh ứng dụng công nghệ 5.0 phù hợp nhất với đặc thù ngành Nông nghiệp Việt Nam, ông Hoàng Quang Phòng, nhấn mạnh: “Chúng ta cần sự vào cuộc của người dân, doanh nghiệp và chính các nhà quản lý, các bộ, ngành liên quan. Đó chính là quá trình vừa triển khai, vừa tiếp nhận phản hồi và điều chỉnh liên tục để không ngừng hoàn thiện một hệ sinh thái nông nghiệp xanh, tuần hoàn và bền vững. Việc liên kết, bắt tay chặt chẽ giữa các bên có liên quan phải được tổ chức như một thiết chế hợp tác đầu tư, sản xuất và kinh doanh trong ngành nông nghiệp”.
Theo ông Phạm Hồng Quất, Việt Nam là nước đang rất tích cực trong chuyển đổi sang công nghệ 5.0, bằng việc tham gia các cam kết, đặc biệt là các cam kết kể từ Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) vừa qua được cộng đồng quốc tế đánh giá rất cao để từ đó họ có những chương trình đồng hành, hỗ trợ cho Việt Nam. Trong mô hình phát triển của công nghệ 5.0, mô hình kinh tế chia sẻ được nhấn mạnh hơn bao giờ hết. Trong khi đó, ở những nước đang phát triển như Việt Nam, người nông dân thông thường gắn với mô hình sở hữu. Vì vậy, vấn đề hiện nay phải thay đổi tư duy, bởi nếu không đẩy nhanh tư duy mở thì việc tích tụ ruộng đất và ứng dụng công nghệ 5.0 trong nông nghiệp sẽ gặp khó khăn. Nhiều ý kiến cho rằng, muốn xây dựng nền nông nghiệp thông minh phải có nguồn nhân lực thông minh. Để có thể đạt được mức công nghệ 4.0 hay 5.0, vấn đề đào tạo đóng một vai trò cốt lõi. Vì vậy, người sản xuất, doanh nghiệp, hợp tác xã cần phải chủ động thông qua các chương trình của nhà trường, hướng nghiệp, khuyến nông,… tạo ra cơ chế liên kết để hình thành đội ngũ nông dân thông minh cũng như giải quyết bài toán hài hòa lợi nhuận, rủi ro, phát triển thương hiệu nông sản…
Bài, ảnh: MỸ THANH