25/11/2012 - 16:39

LIÊN KẾT SẢN XUẤT THEO MÔ HÌNH CÁNH ĐỒNG MẪU LỚN

Nông dân và doanh nghiệp cần gì?

Thu hoạch lúa trên cánh đồng mẫu lớn ở xã Vĩnh Bình, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang.

Mô hình "Cánh đồng mẫu lớn" (CĐML) được xem là bước hoàn thiện Quyết định 80 của Thủ tướng về khuyến khích tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng. Tuy nhiên, qua hơn 1 năm triển khai thực hiện, mối liên kết "4 nhà", đặc biệt là giữa nông dân (ND) và doanh nghiệp (DN) vẫn khá chông chênh và tồn tại nhiều bất cập. Nhiều ý kiến cho rằng, để mô hình CĐML phát huy tối đa hiệu quả, đồng thời dung hòa lợi ích cho cả ND và DN, ngoài sự nỗ lực từ 2 phía, Nhà nước cần đề ra một số cơ chế, chính sách ưu đãi khuyến khích DN tham gia mô hình…

* Liên kết ND-DN: Còn lỏng lẻo

Theo PGS.TS Phạm Văn Dư, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), mục tiêu của mô hình CĐML nhằm đẩy mạnh sản xuất và tiêu thụ nông sản theo hợp đồng, chủ động điều tiết hoạt động sản xuất, tiêu thụ lúa gạo. Tuy nhiên, mối liên kết giữa các tác nhân tham gia mô hình, đặc biệt là giữa ND-DN còn rất nhiều vấn đề cần bàn. "Liên kết "4 nhà" với vai trò tổ chức của Nhà nước, chuyển giao khoa học kỹ thuật của nhà khoa học luôn được thực hiện khá trôi chảy trong mô hình CĐML. Tuy nhiên, nếu không có sự đồng thuận của ND và sự tham gia của DN thì mối liên kết này sẽ gãy vỡ. Thời gian qua, do năng lực thu mua còn hạn chế, không thống nhất tiêu chí, giá cả thu mua… là nguyên nhân dẫn đến tình trạng phá vỡ hợp đồng, DN không khỏi ngán ngại tham gia CĐML.

Mối liên kết trong mô hình CĐML thể hiện qua hình thức liên kết dọc (Nhà nước, nhà khoa học, ND, DN) và liên kết ngang (ND và ND). Trong mối liên kết này, mối liên hệ giữa ND và DN có vai trò quan trọng, quyết định lại sự thành công của mô hình lại tồn tại khá nhiều bất cập. Ông Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Long An, cho biết: "Tình trạng phá vỡ hợp đồng thường xuyên xảy ra do ND không tuân thủ quy trình sản xuất, lúa hàng hóa không đáp ứng phẩm chất theo đơn đặt hàng. Ngược lại, DN không đảm bảo tiến độ thu mua, giá thu mua chưa mang tính khuyến khích đối với ND…".

Qua thời gian triển khai thực hiện mô hình CĐML trên diện rộng, một số địa phương phản ánh: sự liên kết giữa các bên trong chuỗi giá trị lúa gạo hàng hóa còn lỏng lẻo, chưa có sự cộng đồng trách nhiệm đối với sản phẩm cuối cùng, sản phẩm chung của các tác nhân trong chuỗi. PGS.TS Nguyễn Ngọc Đệ, Phó Trưởng khoa Phát triển nông thôn, Trường Đại học Cần Thơ, cho rằng: Mối quan hệ giữa DN và ND là quan hệ "CẦN" (nhu cầu) và "LỢI" (lợi ích). Trong đó, ND cần bán nông sản, còn DN thì cần nguồn nguyên liệu chế biến xuất khẩu. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là việc chia sẻ lợi nhuận chưa tương xứng với sự đóng góp của các tác nhân trong chuỗi. DN tồn tại nhờ ND nhưng mối quan hệ "CẦN" này chưa được bình đẳng bởi ND luôn ở thế bị động, chỉ biết sản xuất và phó thác sản phẩm của mình cho DN…

* Chung tay tìm giải pháp

Theo các chuyên gia, ĐBSCL hoàn toàn có thể hạ thấp giá thành sản xuất, cải thiện năng suất, chất lượng, tiến tới xây dựng thương hiệu để nâng cao giá trị lúa gạo trong khi lợi nhuận thu được vẫn đảm bảo. Và phương thức sản xuất theo mô hình CĐML, với sự liên kết chặt chẽ giữa DN và ND là tiền đề để thực hiện mong muốn này. PGS.TS Nguyễn Ngọc Đệ, Phó Trưởng khoa Phát triển nông thôn, Trường Đại học Cần Thơ, bày tỏ: "Liên kết giữa ND với DN đầu vào và đầu ra phải được thực hiện một cách chặt chẽ và hài hòa giữa "CẦN" và "LỢI" trên cơ sở hiểu biết lẫn nhau, cùng chia sẻ quyền lợi và trách nhiệm. Đây là giải pháp giúp tăng cường trách nhiệm, duy trì mối liên kết bền vững giữa các tác nhân trong chuỗi và cũng là con đường đưa người nông dân thoát nghèo, vươn lên cải thiện đời sống".

DN giữ vai trò quan trọng trong thực hiện mô hình CĐML, nếu không có sự tham gia của các DN thu mua, không có các hợp đồng thu mua với giá cao hơn thị trường thì không thể nâng cao tính tự giác của ND trong việc thực hiện đúng quy trình canh tác nhằm đảm bảo chất lượng hạt gạo. Theo PGS. TS Phạm Văn Dư, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT, ngoài nhu cầu bao tiêu lúa, ND cần vốn để tái đầu tư sản xuất, mua máy móc phục vụ sản xuất và cần được tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, tăng cường tiếp cận thông tin thị trường… Song song đó, DN cũng cần tiếp cận nguồn vốn với lãi suất ưu đãi để mở rộng và tăng hiệu quả kinh doanh. Đồng thời phải có nguồn nguyên liệu thu mua ổn định về số lượng, chất lượng… Và hơn hết, 2 bên đều cần có sự ràng buộc bằng niềm tin hơn là thiết chế, pháp lý. Bởi việc xử lý những sai phạm trong giao dịch thương mại giữa ND và DN thường không mang lại kết quả cao.

Là một trong những địa phương đi đầu trong việc phát động và nhân rộng mô hình CĐML ở ĐBSCL, ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, chia sẻ: "Hiệu quả của mô hình cho thấy rõ rệt sự chênh lệch về năng suất, chi phí sản xuất cũng như chất lượng sản phẩm, đặc biệt thực hiện mô hình là điều kiện thuận lợi cho các nhà khoa học, quản lý, DN và ND có điều kiện gặp gỡ, hỗ trợ giải quyết các vướng mắc từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ. Tuy nhiên, để phát triển mô hình một cách toàn diện, thu hút đông đảo DN tham gia đầu tư thì hệ thống giao thông, thủy lợi phải được đầu tư hoàn thiện…". Ông Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Long An, đề xuất: Nhà nước cần có những cơ chế, chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn như: vay vốn ưu đãi đầu tư hệ thống lò sấy, kho bãi; giao chỉ tiêu thu mua lúa tạm trữ, thực hiện các hợp đồng xuất khẩu gạo tập trung, hợp đồng Nhà nước chỉ định… Ngoài ra, để phương thức đầu tư ứng trước vật tư và thu mua sản phẩm theo hợp đồng được thực hiện suôn sẻ, các tổ hợp tác, hợp tác xã phải phát huy vai trò đôn đốc các thành viên thực hiện đúng quy trình canh tác theo yêu cầu của các DN. Một số ý kiến cho rằng, ND và DN cần minh bạch về giá mua bán, hợp đồng cung ứng, lợi nhuận thu được… Điều này không chỉ góp phần hài hòa lợi ích mà còn giảm áp lực cho cả 2 phía khi thị trường xuất khẩu gạo có những biến động bất lợi…

Bài, ảnh: MỸ THANH

Chia sẻ bài viết