22/05/2018 - 07:52

Nỗi lo thiếu trường lớp, giáo viên 

Thời điểm này, bên cạnh chuẩn bị chu đáo các kỳ thi, tổng kết năm học, công tác hè… các địa phương đã bắt tay chuẩn bị nguồn lực phục vụ cho năm học mới 2018-2019. Tại cuộc họp trực tuyến công tác giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) của thành phố vừa qua, một số quận, huyện vẫn còn nỗi lo thiếu trường, lớp và giáo viên.

Một góc Trường THCS Lê Lợi (quận Ô Môn), đang được đẩy nhanh tiến độ xây dựng để kịp đưa vào sử dụng năm học mới 2018-2019. Ảnh: NG.NGÂN
Một góc Trường THCS Lê Lợi (quận Ô Môn), đang được đẩy nhanh tiến độ xây dựng để kịp đưa vào sử dụng năm học mới 2018-2019. Ảnh: NG.NGÂN

Xóa điểm lẻ, thêm trường chuẩn

Ông Ngô Hoàng Khang, Trưởng Phòng GD&ĐT quận Ô Môn, cho biết: “Quận đã, đang chỉ đạo các đơn vị chủ động rà soát, huy động học sinh ra lớp, đạt chỉ tiêu đề ra. Năm học mới sắp tới, quận sẽ tập trung xóa 5 điểm lẻ ở các trường, tập trung học sinh về trung tâm, để nâng cao chất lượng giáo dục; mở rộng thêm lớp bán trú tại các trường đạt chuẩn quốc gia để giảm tải cho các trường điểm”. Toàn quận Ô Môn hiện có 42 trường (33 trường đạt chuẩn quốc gia), 1.734 giáo viên, với trên 26.000 học sinh. Dự kiến tháng 10-2018, quận có thêm 3 trường đạt chuẩn quốc gia. 

Tương tự, tại huyện Phong Điền, đầu năm 2018, huyện đầu tư 4,2 tỉ đồng để nâng cấp 5 điểm trường; mở rộng và tái công nhận chuẩn quốc gia đối với 2 trường. Theo ông Nguyễn Thanh Sang, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Phong Điền, huyện dự kiến xóa một số điểm lẻ để tập trung học sinh về điểm trung tâm học. Dự kiến, ngành sẽ sáp nhập 4 điểm trường mầm non thành 2 trường; 2 điểm trường tiểu học thành 1 trường; qua đó góp phần nâng cao chất lượng toàn diện cho học sinh.

Ông Nguyễn Văn Tâm, Trưởng Phòng GD&ĐT quận Thốt Nốt, cho biết: Chuẩn bị chương trình giáo dục phổ thông mới dự kiến triển khai năm 2019 ở bậc tiểu học, quận đang tập trung xây dựng thêm trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia. Đây là điều kiện rất cần thiết khi triển khai thực hiện chương trình. Đến nay, quận có 36/49 trường đạt chuẩn quốc gia. Quận đang tiếp tục nâng cấp, sửa chữa 4 trường (1 mẫu giáo, 3 tiểu học) theo chuẩn quốc gia.

Còn nhiều khó khăn

Những năm qua, lãnh đạo thành phố, ngành giáo dục đã quan tâm đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, mạng lưới trường lớp của toàn thành phố. Thế nhưng, vẫn còn một số địa phương canh cánh nỗi lo thiếu trường, lớp, thiếu đất xây dựng; đội ngũ giáo viên... Ninh Kiều, quận trung tâm thành phố, lại gặp khó khăn trong xây dựng các trường chuẩn quốc gia bởi thiếu quỹ đất. Tính đến năm 2018, quận có 37/79 trường đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ thấp so với các quận, huyện khác. Nguyên nhân chủ yếu là một số trường rất khó mở rộng diện tích; trong khi dân số cơ học ngày càng tăng. Dự kiến năm học 2018-2019, quận huy động trên 21.800 học sinh mầm non, mẫu giáo, tiểu học, THCS; trong đó trên 4.300 học sinh vào lớp 1 và trên 3.900 học sinh vào lớp 6.

Quận Thốt Nốt cũng đang nỗ lực xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, nhất là ở bậc tiểu học, nhằm chuẩn bị nguồn lực phục vụ cho chương trình giáo dục phổ thông mới vào năm 2019. Theo ông Nguyễn Văn Tâm, Trưởng Phòng GD&ĐT quận Thốt Nốt, toàn quận có 17/23 trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia. Ngành đang phấn đấu có thêm 3 trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia nhưng hiện nay vẫn còn khó khăn về cơ sở vật chất. Một số trường còn thiếu trang thiết bị giảng dạy, phòng máy tính… Lại thêm, quận còn thiếu giáo viên; trong đó thiếu 7 giáo viên tiếng Anh do không có nguồn tuyển. Trong khi đây là nguồn lực phục vụ chương trình giáo dục phổ thông mới. Ông Tâm nói: “Thành phố chủ trương tinh giản biên chế từ nay đến 2021, quận đã phải cân đối, điều chỉnh nhân sự phù hợp. Tuy nhiên, bậc mầm non, mẫu giáo của quận hiện đang quá tải. Quy định bình quân 25-30 trẻ/lớp nhưng một số trường có 40-50 trẻ/lớp; số lượng giáo viên lại không tăng. Do đó, khi thành lập mới trường mầm non, mẫu giáo, cần bổ sung thêm giáo viên, tránh gây khó khăn trong công tác dạy và học”.

Ở một số địa phương như Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ, Bình Thủy… cũng xảy ra tình trạng tương tự. Quận Bình Thủy hiện vẫn còn thiếu 20 giáo viên và dự đoán sắp tới con số này tăng lên 70 giáo viên; huyện Phong Điền còn thiếu 31 giáo viên mầm non. Huyện Cờ Đỏ đang trong tình trạng thiếu giáo viên mầm non,…

***

Những khó khăn chung của các địa phương hiện nay cần sớm được tháo gỡ, nhằm đảm bảo hoạt động dạy và học cho năm học sắp tới.

NG.NGÂN

Chia sẻ bài viết