23/12/2015 - 10:16

NOI GƯƠNG BÁC, LÀM VIỆC CÓ ÍCH CHO DÂN

Dù bước qua tuổi 63, người nông dân Trần Văn Tờ, ở ấp Trường Phú 2, xã Trường Long, huyện Phong Điền vẫn sớm trưa gắn bó với công việc xây dựng cầu, đường giao thông trên địa bàn. Không chỉ góp sức xây dựng quê hương bằng tấm lòng thiện nguyện, ông Tờ còn là tấm gương Chi hội trưởng Chi hội nông dân ấp năng động, lao động sản xuất giỏi. Ông là một trong những cá nhân vinh dự được Thành ủy Cần Thơ tuyên dương khen thưởng về thành tích thực hiện tốt Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, vào dịp 15-5 năm nay.

Đến ấp Trường Phú 2, nhắc đến ông Tờ, bà con nơi đây đều biết rành rẽ và bày tỏ sự cảm phục, quý mến. Bà con không có gì lạ khi trên tuyến các đường của ấp, hễ nơi nào cầu đường xuống cấp thì ông lại có mặt kịp thời, đi vận động từng nhà, từng người góp công tu sửa để bà con đi lại thuận tiện. Trong căn nhà giản dị, ông Tờ bộc bạch về công việc của mình: "Trước đây, trong ấp có nhiều cầu đường xuống cấp nên việc đi lại của bà con gặp khó khăn, nhất là không an toàn cho trẻ nhỏ. Thấy vậy, tôi vận động mọi người chung sức chung lòng…". Chỉ cho chúng tôi xem từng hồ sơ, từng tờ hóa đơn được ghi chép, lưu giữ cẩn thận và được phân loại rõ ràng, ông Tờ bộc bạch: "Mỗi lần vận động mọi người xong, tôi chịu trách nhiệm lo đi mua cát đá, vật liệu xây dựng. Nhiều khi phải bỏ tiền túi của mình ra trước để mua vật liệu nên mọi vấn đề về tiền bạc tôi đều ghi chép cẩn thận, công khai, minh bạch. Làm vậy nên bà con tin tưởng, ủng hộ".

Ông Trần Văn Tờ (bìa trái) luôn tâm huyết với công tác địa phương. 

Cùng chúng tôi đi trên cây cầu Xẻo Lá vừa được sửa chữa xong vào năm 2015, ánh mắt lão nông hấp háy niềm vui. Chú Nguyễn Văn Phái, một người dân ấp Trường Phú 2, phấn khởi cho biết: "Cây cầu Xẻo Lá làm bằng bê tông chắc chắn, nhưng bị hư nhịp giữa một thời gian dài nên việc đi lại khó khăn. Anh Hai Tờ đến tận nhà bà con để vận động. Ai nấy cũng đều ủng hộ ý tưởng của anh nên sẵn sàng góp tiền bạc, công sức để sửa chữa. Riêng tôi cũng góp 200 ngàn đồng và trực tiếp tham gia thi công. Từ số tiền vận động được, anh Hai tiến hành đo đạc, đi tìm nơi bán bạch đàn rẻ đem về vận động thanh niên góp ngày công để sửa chữa cầu. Ngày ra quân có tới 14-15 thanh niên góp phụ nên cây cầu sửa chữa rất nhanh. Bà con đi lại dễ dàng hơn trước nên rất phấn khởi". Cây cầu Xẻo Lá được sửa chữa xong đã mang lại niềm vui chung cho nhiều bà con nơi đây.

Kể về quy trình vận động của mình, ông Tờ cho biết: "Việc đầu tiên là đi vận động bà con đồng lòng. Sau đó, tôi trình báo để UBND xã, Hội Nông dân xã rồi mới tiến hành các thủ tục thực hiện". Không riêng cây cầu Xẻo Lá, thời gian qua, tại ấp Trường Phú 2, cùng với các ban ngành, đoàn thể, ông Tờ đã vận động bà con xây dựng và sửa chữa 4 cái đập lớn nhỏ và bê tông hóa 2 tuyến đường tổng chiều dài trên 1.300 mét. Không chỉ góp công, bản thân ông Tờ cũng đóng góp nhiều tiền bạc trong quá trình thực hiện các công trình. Với ông, việc đóng góp, tự nguyện xây dựng quê hương là một hành động đẹp mà ai cũng phải thực hiện. Ông bộc bạch: "Bác Hồ là tấm gương giản dị, có tấm lòng yêu thương bao la. Noi gương Bác, tôi thực hiện những công việc vừa sức mình, việc gì có lợi cho dân thì làm, tuyệt đối không vụ lợi. Nhìn thấy những tuyến đường thẳng tắp, cầu nông thôn đi lại thuận tiện và thấy cảnh sắc quê hương ngày càng đổi mới thì với tôi đó là niềm vui và sự khích lệ lớn lao".

Những năm qua, với vai trò là Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp, ông luôn tận tụy trong các hoạt động phong trào, chăm lo đời sống hội viên. Theo ông Tờ, toàn ấp hiện có 102 hội viên nông dân, nhiều người có đời sống còn nhiều khó khăn. Do đó, cùng với việc hỗ trợ cho hội vay vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội, ông còn chú trọng việc xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả, như: xây dựng 2 tổ hợp tác sản xuất lúa, mô hình trồng sầu riêng... để bà con nâng dần mức sống. Song song đó, ông cũng là tấm gương nông dân sản xuất giỏi, đi đầu trong việc xây dựng mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao. Đi lên từ nghèo khó, ông nhớ như in những tháng ngày cơ cực. Những ngày mới lập thân, lập nghiệp, cha mẹ ông cho được 4,5 công ruộng. Nhờ siêng năng làm lụng, vợ chồng ông tích cóp mua thêm được hơn 22 công đất (trong đó có 9 công đất vườn, còn lại là đất ruộng). Năm 2005, ông Tờ là một trong những người tiên phong đi đầu thử nghiệm mô hình trồng sầu riêng. Hiện nay, 9 công vườn của ông trồng khoảng 100 gốc sầu riêng và 80 gốc măng cụt, mang lại nguồn huê lợi ổn định, với tổng thu nhập trên 300 triệu đồng mỗi năm. Ông Tờ cũng đã nhiệt tình hướng dẫn và chia sẻ kinh nghiệm làm vườn cho các hội viên nơi đây. Để giúp nông dân có thêm kiến thức trồng trọt, ông Tờ còn chủ động phối hợp với Hội Nông dân xã và Khuyến nông xã thường xuyên mở các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hội viên, giúp nhiều hội viên nâng cao hiệu quả sản xuất, có thu nhập ổn định hơn.

Ông Phạm Văn Tư, Chủ tịch Hội Nông dân xã Trường Long, nhận xét: "Với vai trò Chi hội trưởng, anh Tờ luôn hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, gương mẫu đi đầu trong phong trào thi đua sản xuất giỏi. Anh Tờ còn tích cực cùng địa phương xây dựng và nâng cấp cầu đường giao thông trên địa bàn". Với những đóng góp của mình, hàng năm, ông Tờ luôn nhận được nhiều Giấy khen các cấp.

Bài, ảnh: H. VÂN

Chia sẻ bài viết