20/06/2009 - 19:58

Đọc “Dặm dài đã qua”

Nỗi đau của chiến tranh

Ảnh: nld.com.vn

“Dặm dài đã qua” - tựa gốc “A Long Way Gone - Memoirs of a Boy Soldier” - hồi ký của Ishmael Beah kể về những trải nghiệm đau thương của bản thân trong cuộc nội chiến ở Sierra Leone. Cuốn hồi ký phản ánh một cách chân thực sự thảm khốc của chiến tranh qua cái nhìn của một chiến binh trẻ em. Tạp chí Time của Mỹ đã bình chọn cuốn hồi ký là một trong 10 cuốn sách hay nhất của năm 2007. Sách vừa được NXB Văn hóa- Thông tin phát hành vào quí II/ 2009.

Sierra Leone là một nước thuộc châu Phi, nằm bên bờ Đại Tây Dương. Thập niên 1990, Sierra Leone xảy ra nội chiến. Cuộc chiến tranh tương tàn kéo dài đã khiến hàng vạn người dân vô tội thiệt mạng, đất nước Sierra Leone trở nên hoang tàn, xơ xác và kinh khủng hơn, những đứa trẻ trên dưới 10 tuổi bị ép buộc trở thành chiến binh, cầm súng giết người không gớm tay. Ishmael Beah, sinh năm 1980, là một trong số những nạn nhân trẻ em bị cuốn vào cuộc nội chiến thảm khốc khi chỉ mới 12 tuổi.

Trong khi Ishmael cùng anh trai và một nhóm bạn đến thị trấn Matrru Jong tham dự cuộc thi tìm kiếm tài năng âm nhạc trẻ, thì ngôi làng của cậu bị bọn phiến quân nổi loạn tấn công, cướp phá, giết chóc. Trên đường chạy loạn, cậu bị lạc mất anh trai và các bạn và trải qua hơn một năm lang thang trốn chạy từ ngôi làng này sang làng khác; đương đầu với súng đạn, đói khát, bệnh tật, thú dữ... và nhiều lần suýt chết. Khi Ishmael tìm đến được ngôi làng mà gia đình mình đang tị nạn thì toàn bộ ngôi làng đã bị bọn phiến quân hủy diệt. Lúc đến được làng Yele, nơi có quân đội chính phủ đóng quân, Ishmael và những đứa trẻ cùng lứa đã bị quân đội buộc phải cầm súng chiến đấu. Từ đó, Ishmael cùng những đồng đội “nhí” đã đắm chìm trong những cuộc hành quân bắn giết, trong ma túy suốt hai năm dài.

Năm 15 tuổi, Ishmael và những chiến binh trẻ em được Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) đưa ra khỏi cuộc chiến, đến sống tại nhà mở Benin- một trung tâm phục hồi nhân phẩm. Ishmael bắt đầu một cuộc chiến mới: chiến đấu với chính bản thân mình để cai nghiện ma túy, quên đi thói quen giết người và những ám ảnh của chiến tranh để có thể tái hòa nhập với cộng đồng.

Theo chân tác giả qua gần 400 trang sách, độc giả không khỏi rùng mình, ngạt thở trước sự tàn khốc và bi thương của chiến tranh, của những dặm đường mà một cậu bé 12 tuổi đã trải qua. Thảm cảnh của chiến tranh được tái hiện chi tiết trong từng đợt đốt phá, cướp bóc, bắn giết của bọn phiến quân, đến nỗi “xác đàn ông, đàn bà, trẻ em... rải khắp lối đi như những chiếc lá sau trận cuồng phong” (trang 78), trong nỗi hoang mang, lo sợ của lũ trẻ trên bước đường chạy trốn và trong sự đau đớn, tuyệt vọng khi mất đi người thân, gia đình ly tán...

Đau xót hơn, những đứa trẻ từ 13 đến 17 tuổi, thậm chí có đứa mới 7 tuổi, 11 tuổi, đã bị biến thành những sát thủ chuyên nghiệp. Những trận đánh khốc liệt, những cuộc hành quyết, bắn giết tàn bạo đã khiến tâm hồn các em bị tổn thương trầm trọng. Các em được cho hút hít brown-brown (thứ ma túy gây ảo giác cực mạnh được chế tạo từ hỗn hợp cocaine và thuốc súng) để quên đi những đau đớn thể xác và những ám ảnh tinh thần, được giải trí bằng những bộ phim bạo lực đẫm máu. Thật đáng sợ khi đọc những dòng hồi ký của chiến binh nhí Ishmael: “Sau những cuộc bắn giết, tôi tự rút ra cho mình một chân lý, rằng phải giết nếu không muốn bị giết. Tôi không còn để hồn mình phiêu dạt mơ mộng về những ngày tháng xa xưa bình yên nữa, tất cả trong tôi lúc này chỉ còn lại bắn giết, máu me, cần sa, cocaine và những cuộc hành quyết... Và giết người, với tôi đã trở thành chuyện bình thường mỗi ngày như rửa mặt, ăn uống và hút hít. Tôi không còn động lòng trắc ẩn trước bất kỳ một cái chết nào nữa, cho dù là cái chết của kẻ thù hay đồng đội” (trang 211).

Khi buông súng trở lại đời thường, Ishmael rất khó khăn để hòa nhập cộng đồng vì luôn nghi ngờ những người xung quanh, vì không thể kiểm soát được những hành động hung dữ, những cơn cuồng nộ bất thường. Những cơn đói ma túy và những cơn ác mộng triền miên khiến Ishmael bị những cơn đau nửa đầu hành hạ dữ dội. Những cơn đau như “cày xới tan hoang tận từng tế bào trong não tôi... xoáy xuống tận từng thớ thịt, mạch máu đang bừng bừng tuôn trào trong người... Đôi khi những cơn đau đầu hành hạ đến nỗi chúng khiến tôi lăn lộn giãy đạp từ trong nhà ra tận ngoài sân, quay cuồng giữa đám bùn lầy rác rưởi chất đống trước hiên nhà” (trang 238).

Tấm lòng nhân hậu của những nhân viên nhà mở Benin và những phương pháp chữa trị hữu hiệu đã giúp các chiến binh trẻ em dần dần hồi phục thể lực và tinh thần. Vết thương tâm hồn của Ishmael dần nguôi ngoai khi được nữ y tá Esther động viên chữa trị, được sống trong không khí đầm ấm của gia đình người chú ruột Tommy.

Năm 1997, khi chiến tranh lại bao phủ đất nước Sierra Leone, chú Tommy qua đời vì bệnh, Ishamael Beah trốn sang Mỹ vì không muốn bị bắt đi lính một lần nữa. Anh nỗ lực học tập và tốt nghiệp Trường Cao đẳng Oberlin, chuyên ngành khoa học chính trị vào năm 2004. Hiện nay, Ishamael đang sống ở New York, Hoa Kỳ và là chuyên gia quốc tế về ảnh hưởng của chiến trận đối với trẻ em.

“Dặm dài đã qua” không chỉ là cuốn hồi ký phản ánh chân thực mặt trái của chiến tranh mà còn là một cuốn sách cảm động về cuộc đời sóng gió của Ishamael Beah- một cậu bé đầy nghị lực. Cuốn hồi ký đã gửi đến mọi người thông điệp: Hãy tạo cho các chiến binh trẻ em cơ hội, các em sẽ vượt qua nỗi đau chiến tranh và trở lại đời sống bình thường.

LỆ THU

Chia sẻ bài viết